'Những bẫy chết chóc' mới khiến đặc công Ukraine phải đối mặt với mối nguy hiểm ngày càng đáng sợ
'Những bẫy chết chóc' mới khiến đặc công Ukraine phải đối mặt với mối nguy hiểm ngày càng đáng sợ
Phương Đăng (theo AFP)
Thứ tư, ngày 10/01/2024 20:02 PM (GMT+7)
Một vụ nổ chói tai làm rung chuyển mặt đất, tung những khối bụi bẩn và khói vào không khí, phá vỡ sự yên tĩnh tưởng chừng như yên bình của một buổi sáng tháng Giêng lạnh lẽo trên những cánh đồng đóng băng ở vùng Donbass, phía đông Ukraine bị chiến tranh tàn phá nặng nề.
Sau gần hai năm chiến đấu chống quân Nga, khoảng 30% lãnh thổ Ukraine được cho là rải đầy mìn chưa nổ.
"Người Nga kết nối cả bãi mìn. Nếu bạn cố gắng loại bỏ chúng, bạn có thể giết chết toàn bộ đơn vị của mình", Trung sĩ Boller, một đặc công người Ukraine đang giảng dạy tân binh cảnh báo.
Việc loại bỏ mìn là điều cần thiết cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine, vì chúng dọn đường cho các hoạt động tấn công và cho phép dân thường trở về nhà.
Nhưng các đặc công cảnh báo rằng công việc vốn đã nguy hiểm của họ đang trở nên phức tạp do thiếu tân binh và kỹ thuật rải mìn mới, ngày càng nguy hiểm của Nga.
Cầm mìn trong tay, Anatolii, một đặc công khác, cảnh báo những tân binh về những cạm bẫy tiềm tàng.
“Một tờ tiền, một bao thuốc lá, một chiếc điện thoại… Đó chắc chắn đều là những cái bẫy", anh nói với những người lính đang lo lắng trong giá lạnh.
“Chúng ta thậm chí đã mất nhiều binh lính chỉ vì lon Pepsi đã bị cài bẫy", đặc công Ukraine tuyên bố.
Người đứng đầu bộ phận chống khai thác mỏ của quân đội Ukraine, Đại tá Oleg Shyvarskiy cũng thừa nhận, đặc công Ukraine ngày càng vấp phải các chiến thuật mới của Nga khiến công việc của họ trở nên khó khăn hơn.
Kiev cho biết chiến lược rải mìn của Nga không ngừng được cải thiện, kết hợp giữa mìn chống người và mìn chống tăng, cũng như chất nổ được thả bằng trực thăng.
Đại tá Shyvarskiy thừa nhận có “sự đổi mới từ phía Nga”. Ông cho biết Moscow đang đặt mìn “ngẫu nhiên”.
“Ở một số khu vực, mìn được đặt cách nhau chưa đầy nửa mét”, ông Shyvarskiy nhấn mạnh.
Ông nói, con số thực sự về số mìn mà Nga đã đặt ở Ukraine là không thể xác định được.
“Chúng tôi sẽ chỉ biết sau khi lãnh thổ của chúng tôi được giải phóng”, vị Đại tá Ukraine nói.
Đối với đặc công Anatolii, 42 tuổi, công việc dò phá mìn đòi hỏi “sự nhanh nhạy và trực giác” vì Nga liên tục giăng bẫy.
“Không có gì bí mật khi Nga có những công binh rất giỏi, có lẽ là tốt nhất thế giới", đặc công Ukraine kỳ cựu.
Đặc công Ukraine: Những người hùng không thể thiếu trên chiến trường
Đặc công thường là những người đầu tiên đến tiền tuyến, dọn dẹp lãnh thổ trước khi quân tấn công đến.
Phương châm của đặc công Ukraine là “luôn đi trước”. Nhưng thật khó để tìm được người sẵn sàng chấp nhận rủi ro như vậy.
"Ngoài việc phân biệt chất nổ, bạn cần biết thành phần hóa học của chúng và cách xử lý chúng… Bạn cần phải được đào tạo bài bản. Thật khó để tìm được những người thông minh, không sợ hãi", Boller nhấn mạnh.
Đại tá Oleg Shyvarskiy nhấn mạnh, vai trò của đặc công là “không thể thiếu” trong cuộc chiến với Nga.
“Các đơn vị cơ giới sẽ không bao giờ bắt đầu một cuộc tấn công cho đến khi lực lượng công binh dọn dẹp xong”, Đại tá Shyvarskiy nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông thừa nhận những khó khăn trong tuyển dụng và hầu hết mọi người “đơn giản là sợ trở thành đặc công”.
Trung sĩ Boller lấm bụi đất sau khi kích nổ mìn chống tăng trong một buổi tập luyện.
Anh dùng xẻng gõ nhẹ vào quả mìn, trong khi những người lính ở gần anh thận trọng lùi lại.
“Nó giúp tân binh làm quen với các vụ nổ”, anh mỉm cười nói.
“Chúng tôi chủ yếu làm việc vào ban đêm, kiểm tra mặt đất bằng một cây gậy trên tay. Chúng tôi bò trên mặt đất, trong bùn, trong phân… Người Nga đặt mìn ở khắp mọi nơi", Trung sĩ Ukraine nhấn mạnh đồng thời chia sẻ anh đã mất nhiều bạn bè và đồng nghiệp khi thực hiện các nhiệm vụ phá mìn.
“Những người không chết thường bị mất đi đôi chân. Nhưng điều đó sẽ không ngăn cản được tôi", Trung sĩ Boller tuyên bố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.