Những câu chuyện khác về một Đồng Lộc anh hùng

Hữu Anh Thứ ba, ngày 24/07/2018 06:25 AM (GMT+7)
Khi nhắc đến Đồng Lộc, người ta nhớ ngay đến sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong trong khi làm nhiệm vụ đảm bảo huyết mạch giao thông ở Ngã ba Đồng Lộc. Nhưng vẫn còn một Đồng Lộc khác, bấy lâu dường như bị quên lãng. Đó là sự đóng góp vô cùng to lớn của những người dân nơi đây vào chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại.
Bình luận 0

Những trận “thảm sát” qua làng

Những ngày cuối tháng 7 lịch sử này, chúng tôi về Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh - nơi yên nghỉ của 10 cô gái thanh niên xung phong. Cách đây 50 năm, mảnh đất này là “tọa độ chết”, có ngày máy bay Mỹ thả 800 quả bom, suốt ngày đêm không lúc nào Đồng Lộc ngớt tiếng bom đạn. Có mặt ở Đồng Lộc hôm nay, không khí càng ling thiêng hơn vì đúng dịp tỉnh Hà Tĩnh long trọng kỷ niệm 50 năm ngày mất của 10 cô gái thanh niên xung phong và chiến thắng Đồng Lộc.

img

 Ông Nguyễn Thế Chương (90 tuổi, ở xã Xuân Lộc) trò chuyện với PV.  Ảnh: H.A

Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ từ năm 1964-1972, với sự đóng góp vô cùng to lớn về sức người, sức của, nhân dân đã góp 185.400 ngày công với 42.620 người phục chiến đấu, đào đắp 95.209m3 đất đá, vận chuyển 45m3 gỗ, cung cấp 22.448 cọc tre, 24.000 gánh bổi chống lầy. Tổng quân số toàn bộ mặt trận lúc cao điểm nhất là 16.000 người. Trong đó tại Ngã ba Đồng Lộc đã có 1.226 người dân các xã vùng lân cận thuộc huyện Can Lộc đã bị bom đạn sát hại. Sự hy sinh anh dũng của họ đã góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta tại chiến trường Đồng Lộc. 

Trong quá trình tiếp xúc với người dân, lấy tư liệu viết về chiến thắng Đồng Lộc, phóng viên NTNN/Dân Việt còn được nghe những câu chuyện khác về một Đồng Lộc anh hùng, ngoài chuyện 10 cô gái thanh niên xung phong (TNXP).

Dẫn chúng tôi sải bước trên những con đường làng đổ bê tông kiên cố, ông Võ Đức Phương - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Đồng Lộc nói: “Tuyến đường này vừa được làm mới nhờ sự đầu tư của Nhà nước và người dân cùng làm. Đường làng được chia ô bàn cờ vuông vắn như thế này là vì trong chiến tranh bom Mỹ san phẳng cả làng, chiến tranh kết thúc, các xóm làng ở Đồng Lộc được quy hoạch lại, người dân từ nơi sơ tán quay về dựng lại nhà cửa, khôi phục sản xuất”.

Ông Phương buồn bã kể: “Từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, có những ngày trong làng có đến trên 10 cái giỗ chung, dù thời gian đã trôi qua nửa thế kỷ, những nó vẫn là nỗi đau âm ỉ. Ở làng Đồng Mỹ không ai không biết trường hợp đau thương của gia đình ông Phan Nuôi khi có đến 6 người trong gia đình gồm con và anh, chị, em bị trận bom ngày 17.7.1968 sát hại”.

Ông Nguyễn Trinh (85 tuổi, ở thôn Kiến Thành, xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) từng tham gia lực lượng pháo binh tại chiến trường Đồng Lộc, vẫn nhớ như in trận bom đánh kho hàng, xe cộ của giặc Mỹ đã gây nên tội ác đẫm máu. “Đó là ngày 27.4.1967, ba máy bay Mỹ quần thảo trên bầu trời, trút hàng loạt bom trúng vào lớp học sơ tán của Trường cấp 1 Đồng Lộc ở xóm 3 (xóm Cây Mưng) làm chết một lúc 15 em học sinh và làm hàng chục em khác bị thương, trong đó có con trai út của tôi”, ông Trinh nhớ lại.

Nói về người dân Đồng Lộc bám làng sản xuất, đảm bảo hậu cần và thông đường cho xe qua trong những năm chiến tranh ác liệt, ông Võ Đức Phương đưa cuốn sổ ghi chép đã úa vàng được lưu giữ cẩn thận tại Ủy ban xã hơn 50 năm về trước. Trong cuốn sổ lịch sử này còn ghi rõ những trận thảm sát qua làng. Chỉ trong nửa năm 1968, cả xã Đồng Lộc chỉ có 3.000 dân nhưng có trên 700 người dân (2/3 là cụ già và trẻ em) bị chết và bị thương, trong đó có gần 400 người chết và hơn 300 người bị thương do bom đạn.

Dân tháo nhà làm đường cho xe qua

img

Vườn hoa và Đài tưởng niệm 1.226 người dân ở Can Lộc  hy sinh tại chiến trường Đồng Lộc.  Ảnh: H.A

Trò chuyện với PV NTNN/Dân Việt, ông Nguyễn Trinh cho hay, quá trình chiến đấu, đảm bảo giao thông vận tải ở Ngã ba Đồng Lộc có nhiều lực lượng, trong đó có sự đóng góp rất to lớn của nhân dân và lực lượng dân quân du kích của Đồng Lộc và các xã Quang Lộc, Mỹ Lộc, Thượng Lộc, Xuân Lộc, Trung Lộc, Phú Lộc, Sơn Lộc... Hàng vạn người được huy động ra mặt đường làm nhiệm vụ giải toả giao thông, tiếp tế lương thực, thực phẩm, đạn dược, chăm sóc thương binh. Nhiều gia đình đã nhường nhà, nhường vườn để làm kho, mở đường tránh, đường xế, làm nơi cứu thương. Nhiều gia đình sẵn sàng dỡ nhà, đưa ván ra lát đường, chống lầy cho xe qua.

“Chỉ từ tháng 5 đến tháng 10.1968, người dân Đồng Lộc đã tổ chức 5 đợt sơ tán 100% hộ dân vào núi Trà Sơn, tạo điều kiện để mở đường tránh, đường xế cho xe qua. Cùng với đó người người dân ra đường san đường lấp hố bom. Tôi không thể quên được cảnh những đêm cả làng được huy động, người thì gác đèn, chống lầy cho xe qua, người thì đội hàng, lấy vải làm cáng lên chiến trường Đồng Lộc dìu bộ đội bị thương đưa đi cấp cứu. Lúc ấy người dân không ai nề hà hay từ chối, sẵn sàng hy sinh tất cả cho thông đường, thông xe”- ông Trinh kể.

Ông Trần Đình Vương - Bí thư Đảng ủy xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc cho biết, cùng với những tấm gương anh hùng của 10 cô gái thanh niên xung phong của tiểu đội La Thị Tám, Nguyễn Tri Ân, Vương Đình Nhỏ, Uông Xuân Lý, các đơn vị giao thông vận tải, TNXP, ở Đồng Lộc cũng đã xuất hiện biết bao tấm gương sáng ngời lòng quả cảm. Tiêu biểu như người thương binh chống Pháp Nguyễn Năm ở xóm Thượng Liên đã dỡ nhà mình làm vật liệu chống lầy cho xe qua.

Chỉ trong thời điểm ác liệt của năm 1968, tại xã Đồng Lộc đã có 57 gia đình tự nguyện hiến nhà ra lát đường, đảm bảo sự thông suốt của mạch máu giao thông khi xe ra tiền tuyến. Hay như đội dân quân của xã Đồng Lộc đã rà phá được 549 quả bom từ trường, bom nổ chậm trên địa bàn xã để các lực lượng làm cầu đường, đồng ruộng để sản xuất”, Bí thư Vương tự hào.

Che chở bộ đội, TNXP như người thân

Dù đã 50 năm trôi qua, nhưng hình ảnh về các anh bộ đội, TNXP tham gia chiến đấu, thông đường tại Ngã ba Đồng Lộc và những người anh hùng nằm lại trên tuyến lửa này vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức người dân Can Lộc.

Về xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc, tìm gặp bà Nguyễn Thị Ý - người nấu bữa ăn cuối cùng cho 10 nữ TNXP ăn trước khi đi san lấp hố bom ở trận địa Đồng Lộc. Dù năm nay đã bước sang tuổi 90 nhưng bà Ý vẫn nhớ như in về hình ảnh của 10 nữ TNXP năm xưa. “Ngày định mệnh đó, tôi đi chợ về nấu cho các cô một nồi chè ăn trước khi đi làm. Đến khoảng 2 giờ chiều, các cô giặt đồ xong thì được điều đi san lấp hố bom. Khi các cô đi được một lúc thì nghe tiếng bom nổ rất lớn vọng về làng, tôi linh tính có chuyện gì đó không lành. Không ngờ đến gần 5 giờ chiều ngày 24.7.1968, tin báo về làng là 10 cô đã hy sinh. Chân tay tôi rụng rời không đi nổi ra ngõ nữa”.

Ông Nguyễn Thế Chương (90 tuổi, ở xã Xuân Lộc) vẫn không tài nào cầm được nước mắt khi nói giây phút hy sinh của 10 nữ TNXP. Ông Chương kể: “Suốt đêm hôm đó, đồng đội, người dân đã đào bới, tìm kiếm thi thể các cô, đưa về tắm rửa sạch sẽ rồi tổ chức an táng tại khu đồi Bãi Dịa thuộc xóm Mai Long, xã Xuân Lộc. Về sau chuyển về nghĩa trang huyện Can Lộc ở xã Thiên Lộc, cuối cùng mới về tại đồi Trọ Voi, xã Đồng Lộc như hiện nay”. 

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giỗ 10 nữ TNXP, người dân ở Xuân Lộc thấy ông Chương lại lặng lẽ một mình ra phần mộ các cô thắp nén hương tưởng nhớ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem