Những chàng trai “chân đất” trở thành tỷ phú bóng đá Việt

Thứ năm, ngày 31/03/2011 06:30 AM (GMT+7)
Có không ít những đôi chân bạc tỷ đang chơi 2 giải đấu cao nhất của bóng đá VN là V-League và hạng Nhất từng chắp cánh giấc mơ tỷ phú, từ các sân chơi phong trào cấp… phường.
Bình luận 0

Từ Ngọc Thanh và Ngọc Hùng

Viết về Ngọc Thanh (cựu tiền đạo ĐTVN và hiện đang chơi cho SHB.ĐN) thì nhiều, nhưng thực sự “cận cảnh” chân sút có giá 4,1 tỷ đồng này lại khá hiếm.

Thanh “khùng” hay Thanh “đen” là những biệt danh dường như đã gắn chặt với cầu thủ này từ hồi còn tấm bé, đá bóng nhựa ở mấy con hẻm gần nhà bên phường 19 – Q.Tân Bình cũ (giờ là Q.Tân Phú), quậy tưng xóm làng và khiến hàng xóm không thể yên giấc ngủ trưa. Có khi “độ” chỉ là xô trà đá hay 500 đồng/trái, nhưng cũng đánh nhau túi bụi, đến đổ cả máu đầu, máu tai.

img

Ngọc Thanh là cầu thủ hiếm hoi trưởng thành từ sân chơi phong trào được gọi vào ĐTVN. Ảnh: VSI

Đến bây giờ vẫn thế, khi Thanh đã thành danh và trở về khoác áo đội bóng xóm mỗi khi có dịp. Có cầu thủ đen nhẻm, cao lêu nghêu là Thanh trong đội hình, trận nào đội cũng thắng bằng những bàn thắng kiểu mẫu của một tiền đạo có kỹ năng dứt điểm rất đặc biệt, nhưng lần nào cũng xảy ra xô xát. Thế mới gọi là Thanh “khùng”.

Mấy anh mấy chú trong xóm tỏ ra ái ngại cho Thanh, nhưng trong đầu cầu thủ này chỉ tồn tại duy nhất một cụm từ: “lâm trận thì phải chiến”. Tính cách đó được hình thành từ tấm bé và có lẽ sẽ không bao giờ có thể thay đổi.

Thanh đá “phủi” có tiếng ở mạn Tân Bình – Bình Chánh, trước khi được một ông bầu cấp phường đem giới thiệu cho Thành Long (thời mới thành lập). Việc được HLV đội trẻ Công an TP.HCM trước đây để mắt chính là lý do khiến Ngọc Thanh phải bỏ ngang nghiệp bút nghiên để chạy theo trái bóng tròn. Đó là thời điểm đầu những năm 2000 và Thanh khi đó đang học năm thứ 2, Đại học Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM.

Sự nghiệp của Ngọc Thanh chỉ thực sự thăng hoa, khi anh đầu quân cho XM.HP (V.HP bây giờ), được gọi lên ĐTVN và chuyển nhượng về SHB.ĐN. Ngọc Thanh đã là niềm tự hào của gia đình, bạn bè và của cả cái xóm… buôn bán xe ở Q.Tân Phú – TP.HCM.

Mỗi lần Ngọc Thanh về sân Thống Nhất đá bóng, người quen lũ lượt kéo đến sân cổ vũ; khi Thanh thi đấu xa nhà, nếu trận đấu có truyền hình trực tiếp, tất cả bỏ ngang việc để dán mắt vào cái màn hình TV; mỗi bàn thắng của Ngọc Thanh đồng nghĩa với rất nhiều lời chúc tụng, các cuộc gọi từ xóm đến cháy cả máy. Mỗi bận được nghỉ phép về nhà, uống bia với anh em, Ngọc Thanh lại tếu táo: “Đúng là không đâu bằng cái xóm nhà mình”.

Có gì đó na ná với trường hợp của Ngọc Thanh, khi lục lại sự nghiệp của đồng môn Lưu Ngọc Hùng: Hùng “màu” cũng sinh năm 1982 như Ngọc Thanh, cũng gốc gác Thanh Hóa, theo bố mẹ vào Nam lập nghiệp, đá phong trào và cũng học Đại học Dân lập Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, trước khi bước vào làng bóng đá chuyên nghiệp.

Trong sự nghiệp, Ngọc Hùng cũng từng một lần ngược ra Bắc (khoác áo V.NB), trước khi chuyển về B.BD bây giờ. Nhưng có thể vì chưa bao giờ được gọi vào ĐTVN nên tiếng tăm của trung vệ này không nổi như Ngọc Thanh.

Tính tổng giá trị các bản hợp đồng (gia hạn – ký mới hoặc chuyển nhượng, không kể lương thưởng), Ngọc Thanh có giá độ 6 – 7 tỷ đồng. Con số này với Ngọc Hùng, cũng rơi vào tầm 5 tỷ đồng. Có mơ thì một cầu thủ bắt đầu từ bóng đá phong trào cũng không dám nghĩ tới số tiền ấy.

Có thể cả Thanh và Hùng đều được sự trợ giúp của thời thế, nhưng một điều không thể phủ nhận: họ là tấm gương cho cả một lớp trẻ nuôi giấc mơ đổi đời bằng bóng đá.

Đến Ngọc Bảo và Ngọc Quốc

img
Ngọc Quốc (9) trong trận đấu giữa K.Kiên Giang và SG.XT. Ảnh: Tùy Phong

Một buổi chiều trung tuần tháng 3.2011, toàn đội Thanh niên F.17 (phường 17, Q.Tân Bình cũ, giờ là Q.Tân Phú) nhận được tin nhắn của ông bầu Phương: hôm nay đội hoãn đá bóng để đi xem bóng đá ở sân Thống Nhất. Theo lịch, cứ thứ Sáu hàng tuần, Thanh niên F.17 đều đặn ra sân như thói quen, hôm nay không đá, hẳn phải có sự vụ gì ầm ĩ. Mọi người đã không ngạc nhiên khi biết lý do hoãn là để đến sân cổ vũ cho cậu em út Phạm Ngọc Quốc (còn gọi là Tài “hí”, hiện đang thuộc biên chế của đội hạng Nhất K.Kiên Giang).

Ngoan, hiền và cả cái cách đá bóng khá “mộc”, Ngọc Quốc đích thị là sản phẩm của bóng đá phong trào. Cho đến trước khi xuôi đò về Kiên Giang thử việc, rồi được ký hợp đồng (với giá gần 100 triệu đồng/2 năm), giải đấu cao nhất mà cầu thủ này từng chơi là hạng Nhì (năm 2010, dưới màu áo MASECO).

Đội bóng xuống hạng 3, ông bầu quay lại đầu tư cho phong trào, Ngọc Quốc quay lại chơi cho Thanh niên F.17, đá chầu thêm cả sân cỏ nhân tạo để sống qua ngày. Giấc mơ của chàng thanh niên gốc Huế bị gián đoạn và tưởng chừng như đã phá sản, nếu không được K.Kiên Giang thu nhận.

Ở trận đấu sớm vòng 6 (với SG.XT), Ngọc Quốc đeo áo số 9, đá tiền vệ biên phải, rồi chuyển qua trái. Quốc tranh cướp, chuyền bóng và thậm chí đã có một vài cú ra chân nguy hiểm. Nhưng, đến phút 89, cầu thủ này đã phải đi giật lùi, rồi đổ vật xuống sân vì “chuột rút”. Đấy là biểu hiện của một cầu thủ thiếu tố chất nền thể lực (sự tích lũy) và chưa có kinh nghiệm phân phối sức.

Sau trận, Quốc đã phải thừa nhận điều này. “Đuối quá anh à. Vừa phải chiến đấu với đối thủ, lại phải canh chừng cái ông trọng tài lúc nào cũng chực rút thẻ”, Quốc hổn hển sau trận đấu.

K.Kiên Giang của Quốc đã chiến đấu ngoan cường suốt 95 phút trên sân của đối thủ SG.XT, với cả rừng sao cỡ Phước Tứ, Minh Đức, Kesley Huỳnh Alves, Đình Luật, Duy Quang… Đại diện miền Tây Nam Bộ xứng đáng có điểm ở cuộc đối đầu không cân sức ấy, nếu đối thủ không xấu chơi, và trọng tài công tâm hơn.

Có không ít những cầu thủ với xuất phát điểm từ hạng phong trào như Ngọc Quốc trong đội hình, nhưng đến thời điểm này, sau vòng 8 giải hạng Nhất – Tôn Hoa Sen 2011, tân binh K.Kiên Giang vẫn cứ ngạo nghễ ngự trong tốp 4 đội dẫn đầu.

Cách đây vài năm, Ngọc Bảo rời Sông Cầu – Quảng Ngãi vào Sài Gòn để tìm kiếm cơ hội. Công ăn việc làm không, nhà cửa không, Bảo sống vật vờ và tìm đến mấy đội bóng phủi xin… thử việc. Ngoan, nhiệt tình, Ngọc Bảo được các anh trong đội thương và cưu mang, cho tới khi Bảo được TP.HCM của HLV Lư Đình Tuấn thu dụng.

Có sẵn tố chất, Bảo “hí” tiến bộ rất nhanh. Cựu HLV Lư Đình Tuấn của TP.HCM vốn là người bảo thủ, và ông luôn cố gắng chứng minh, các cầu thủ sinh viên hay hạng phong trào, cũng có thể đá được bóng. Có thể nói, Ngọc Bảo đã may mắn khi gặp được thầy Tuấn.

Chuyển lên Gia Lai quê vợ, ban đầu Bảo không được dành sẵn một suất đá chính ở trung tâm hàng phòng ngự 4 người (ngay cả khi nó khủng hoảng), nhưng may mắn đã lại mỉm cười. Đó là khi triều đại HLV Dusit trở lại ở HA.GL. Với Dusit, cầu thủ nào tập luyện tốt, nhiệt tình, người đó sẽ đá chính. Giá trị cầu thủ không đong đo bằng các bản hợp đồng. Đó là lý do mà một người biết chắt chiu cơ hội như Ngọc Bảo luôn được ra sân trong đội hình chính của “Gỗ” kể từ đầu mùa giải. Đá cặp với trung vệ ngoại khỏe như Benjamin, công việc của Ngọc Bảo khá nhàn.

Đã từng vất vưởng, từng ăn chực nằm chờ ở vài đội bóng phong trào (trong đó có Thanh niên F.17), nhưng vẻ như đường hoan lộ của Trần Ngọc Bảo (Bảo “hí”) sáng sủa, trơn tru hơn Ngọc Quốc. Sau thời gian đá cho đội hạng Nhì Đá Mỹ Nghệ, Bảo được giới thiệu về CLB TP.HCM (TMN.CSG trước đây). Và đây chính là bệ phóng để Bảo “hí” gia nhập HA.GL như bây giờ. Không tiết lộ về phí chuyển nhượng, nhưng một nguồn tin không chính thức khẳng định, mức giá cho chữ ký với thời hạn 3 năm của Ngọc Bảo không dưới 2 tỷ đồng.

Vợ đẹp, con xinh, công việc ổn định với thu nhập rất khá, quả là đáng mơ ước. Với Ngọc Quốc hay Ngọc Bảo, đời bây giờ mới đẹp. Đá bóng và làm giàu bằng nghề đá bóng dễ không?! Có người bảo dễ, người khác nói khó, chỉ một điều chắc chắn, rằng nghề này không dành cho những ai thiếu nghị lực.

Những gương mặt khá nổi, từng trưởng thành từ bóng đá học đường, hoặc các sân bóng phủi (11 người) tại TP.HCM, phải nói là nhiều không đếm xuể. Ngoài Ngọc Thanh, Ngọc Hùng, Ngọc Bảo, Ngọc Quốc như đã nhắc, còn Hoàng Hải Dương và Phồng Quang Trung (TĐCS.ĐT), Huỳnh Hải Thịnh (cựu cầu thủ đội hạng Nhất ĐMN.SG), Doãn Nhật Tiến, Chu Hồng Phong, Đặng Đức Nhật… Trước đây, Giang Thành Thông (Công an TP.HCM và SHB.ĐN) cũng từng trưởng thành từ bóng đá học đường. TP.HCM là địa phương đi đầu cả nước trong việc tổ chức các giải đấu hạng phong trào thường niên với đủ các thể loại sân chơi dành cho mọi lứa tuổi. Không hiếm các nhân tài trưởng thành tại đây, nhưng lại chỉ thành danh ở xứ người, bởi họ không có “đầu ra” trên chính mảnh đất này. Ngoài một TP.HCM nguyên bản vẫn chơi lẹt đẹt ở giải hạng Nhất, cả N.SG và SG.XT đều được mua về. Đây cũng là câu hỏi lớn đang chờ lời đáp từ những người có trách nhiệm với bóng đá TP.HCM (LĐBĐ TP.HCM-HFF).
Theo VH & TT
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem