1. Mất kỳ nghỉ mát để giành ngôi vô địch
Có lẽ, nếu còn sống, nhà văn nổi tiếng Andersen của Đan Mạch cũng không thể tưởng tượng và viết nên câu chuyện cổ tích về chiến công của đội bóng nước nhà tại EURO 1992. Khi ấy, do đã bị loại từ vòng loại, các cầu thủ Đan Mạch đã đi nghỉ mát, tắm biển, phơi nắng, uống rượu vang cùng gia đình, bè bạn tại những bãi biển đầy nắng và gió.
Tuy nhiên, do Nam Tư (cũ) (đội cùng bảng 4 với Đan Mạch ở vòng loại) bị cấm thi đấu vì nội chiến nên Đan Mạch bỗng nhiên được đôn lên thế chỗ. Thế là, nhiều cầu thủ Đan Mạch nhận được điện thoại khi đang đi du lịch và tức tốc hội quân ở Thụy Điển để đá EURO.
Cứ tưởng là tham dự cho “đủ mâm”, nhưng Đan Mạch đã chơi tuyệt hay, vượt qua nhiều đối thủ cực mạnh như Pháp, Hà Lan và Đức để giành ngôi vô địch. Cuộc phiêu lưu của “những chú lính chì Đan Mạch” đã khiến cả châu Âu ngỡ ngàng và đến bây giờ, danh hiệu quán quân ấy vẫn được coi là “câu chuyện cổ tích” hay nhất trong lịch sử EURO.
2. Phân định thắng thua bằng… đồng xu
Ở EURO 1968, đội chủ nhà Italia đã gặp rất nhiều may mắn trên con đường chinh phục danh hiệu vô địch châu Âu duy nhất của họ (tính đến thời điểm này). Trong trận bán kết gặp đội tuyển Liên Xô (cũ), Italia bị đánh giá thấp hơn về chuyên môn, nhưng trước giờ bóng lăn, hai trụ cột Chislenko và Khurtsilava của Liên Xô bất ngờ bị ốm, không thể thi đấu. Nhờ vậy, Italia đã thủ hòa Liên Xô trong 120 phút so tài (gồm cả hai hiệp phụ).
Hai bên bất phân thắng bại, nhưng thời điểm ấy chưa có quy định đá luân lưu. Chính vì vậy, cả hai đội phải lao vào một cuộc đấu căng thẳng bằng việc… tung đồng xu trong phòng kín. Kết quả, Italia là đội may mắn hơn và giành quyền vào chung kết. Ở trận chung kết, Italia bị Nam Tư (cũ) dẫn trước đến những phút cuối cùng trước khi Domenghini gỡ hòa bằng một cú sút phạt. Hai đội hòa nhưng lần này không có chuyện tung đồng xu mà một trận chung kết khác được tổ chức sau đó hai ngày và Italia đăng quang với thắng lợi 2-0.
3. Tuyệt tác đá penalty của Panenka
Tại EURO 1976, Tiệp Khắc (cũ) đã lên ngôi sau khi đánh bại Tây Đức trong trận chung kết. Điều đáng nhớ nhất của trận đấu này cũng chính là tình huống quyết định ngôi vương. Sau 120 phút thi đấu, hai đội hòa 2-2 và phải sút luân lưu phân định thắng bại. Ở lượt sút thứ bảy, Dieter Hoeness bên phía Tây Đức đá hỏng và nếu tiền vệ Antonin Panenka thực hiện thành công quả phạt đền thứ tám, Tiệp Khắc sẽ đăng quang.
Đối mặt với thủ thành xuất sắc nhất thế giới khi ấy là Sepp Maier, lại đứng trước thử thách nặng nề, căng thẳng, nhưng Panenka lại biểu diễn một cú đá theo kiểu sục bóng. Từ chân Panenka, trái bóng bay rất nhẹ vào… chính giữa khung thành, nhưng Maier đã không thể ngờ rằng đối phương lại dám sút bóng như thế nên đã đổ người sang trái. Bóng bay vào lưới, Tiệp Khắc vô địch, còn Panenka thì lập tức được lưu danh sử sách với thương hiệu đá penalty được mang tên Cuchiaio.
4. Nâng tầm bẫy việt vị
Sau khi bóng đá có nhiều thay đổi so với thời khai sinh, bẫy việt vị được sử dụng để trận đấu hấp dẫn hơn, tránh việc các tiền đạo cứ “mắc màn” trước cửa khung thành để ghi bàn. Tuy nhiên, bẫy việt vị chỉ thực sự nổi tiếng và trở thành một chiến thuật thực sự nhờ đội tuyển Bỉ.
Tại EURO 1980 tổ chức ở Italia, bẫy việt vị của đội Bỉ đã trở thành khắc tinh với tất cả các tiền đạo đối phương. Nhiều chân sút của Italia, Tây Ban Nha, Anh cứ ngơ ngác vì liên tục bị trọng tài tuýt còi sau khi nhận bóng vì đã rơi vào thế việt vị. Để luyện được cách đá có phần mạo hiểm này đòi hỏi sự hiểu nhau tuyệt đối giữa các hậu vệ và hàng thủ của Bỉ do thủ môn Pfaff chỉ huy đã chơi quá hay. Chỉ tiếc, ở trận chung kết gặp Tây Đức, sai lầm của chính Pfaff đã khiến Bỉ thất bại 1-2.
Đức Hiếu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.