Những điều cần biết về Luật thi đấu môn Futsal (phần 2)

P.V (nguồn Futsal-VFF) Thứ sáu, ngày 19/02/2016 15:04 PM (GMT+7)
ĐT Futsal Việt Nam vừa làm nức lòng NHM nước nhà khi quật ngã ĐKVĐ Nhật Bản ở tứ kết giải futsal châu Á 2016 để giành vé bán kết, qua đó chiếm 1 suất dự Futsal World Cup 2016. Thế nhưng, thực tế là với nhiều người Việt Nam, đúng hơn với người ngoài Bắc, môn futsal vẫn còn khá mới mẻ. Hãy cùng Dân Việt điểm qua những điều cần biết về Luật thi đấu môn Futsal...
Bình luận 0

img

Luật thi đấu môn Futsal - Phần 2:

>> XEM THÊM: Những điều cần biết về Luật thi đấu môn Futsal (phần 1)

>> XEM THÊM: Những điều cần biết về Luật thi đấu môn Futsal (phần 3)

* Lỗi và hành vi khiếm nhã

Vi phạm lỗi và có hành vi khiếm nhã sẽ bị xử phạt như sau:

>> XEM THÊM: Những chi tiết thú vị về Bruno Formoso – HLV ĐT futsal VN

A. Phạt trực tiếp

Đội đối phương sẽ được hưởng một quả phạt trực tiếp khi một cầu thủ của đội kia vi phạm một trong 6 lỗi sau đây mà theo nhận định của trọng tài là tuy không cố tình nhưng đã dùng sức mạnh quá mức cần thiết hoặc do bất cẩn:

1. Đá hoặc tìm cách đá đối phương.

2. Ngáng hoặc tìm cách ngáng chân đối phương bằng cách xoạc hoặc thúc khuỷu (tay, chân) vào đối phương từ phía trước hoặc phía sau.

3. Nhảy vào người đối phương.

4. Chèn đối phương

5. Đánh hoặc tìm cách đánh đối phương

6. Xô đẩy đối phương

Và nếu cầu thủ vi phạm một trong 5 lỗi sau đây thì đội đối phương cũng sẽ được hưởng 1 quả phạt trực tiếp:

1. Lôi, kéo đối phương

2. Nhổ nước bọt vào đối phương

3. Tìm cách xoạc bóng khi bóng trong hoặc ngoài tầm khống chế của đối phương, trừ thủ môn trong khu phạt đền của đội mình nhưng động tác không được dùng sức mạnh quá mức cần thiết hoặc bất cẩn, thô bạo.

4. Xoạc để lấy bóng nhưng chạm đối phương trước rồi mới chạm bóng.

5. Cố tình dùng tay chơi bóng, trừ thủ môn ở trong khu phạt đền của đội mình.

Quả phạt trực tiếp được thực hiện tại nơi xảy ra phạm lỗi, trừ quả phạt cho đội phòng ngự được hưởng trong khu phạt đền của đội mình. Trong trường hợp này quả phạt có thể được thực hiện ở bất cứ điểm nào trong khu phạt đền của đội đó.

Những lỗi phạt trực tiếp ở trên được tính là lỗi “tổng hợp”.

B. Phạt đền:

Nếu cầu thủ cố tình vi phạm bất kỳ một trong những lỗi trên trong khu phạt đền của đội mình, đội đối phương sẽ được hưởng quả phạt đền 6m bất kể bóng ở vị trí nào và trong cuộc.

C. Phạt gián tiếp:

Thủ môn phạm một trong những lỗi sau đây thì đội đối phương sẽ được hưởng quả phạt gián tiếp:

1. Sau khi phát bóng, lại chạm bóng trở lại từ cầu thủ đồng đội chuyền về mà bóng chưa vượt qua đường giữa sân hoặc chưa chạm hoặc đá bởi cầu thủ đối phương.

2. Chạm hoặc bắt bóng bằng tay từ quả chuyền về của đồng đội.

3. Chạm hoặc bắt bóng bằng tay từ quả đá biên về của đồng đôi.

4. Chạm hoặc khống chế bằng tay hoặc chân ở bất cứ điểm nào thuộc phần sân đội mình lâu quá 4 giây.

Hoặc theo nhận định của trọng tài, cầu thủ vi phạm một trong những lỗi sau đây, sẽ bị quả phạt gián tiếp:

1. Có lối chơi nguy hiểm.

2. Cố tình ngăn cản đối phương.

3. Ngăn cản thủ môn đưa bóng vào cuộc.

4. Phạm một trong bất kỳ lỗi nào khác không được đề cập trong luật XII, mà trận đấu phải dừng lại để cảnh cáo hoặc truất quyền thi đấu cầu thủ.

Quả phạt gián tiếp cho đội đối phương được hưởng tại vị trí phạm lỗi.

D. Xử phạt kỷ luật:

Thẻ vàng thẻ đỏ chỉ sử dụng để cảnh cáo cầu thủ đang thi đấu hoặc cầu thủ dự bị.

Các trọng tài có quyền sử dụng các biện pháp kỷ luật cầu thủ từ thời điểm các cầu thủ bắt đầu vào sân thi đấu cho đến lúc rời khỏi sân khi có tiếng còi kết thúc trận đấu.

E. Những lỗi bị phạt cảnh cáo (thẻ vàng):

Cầu thủ hoặc cầu thủ dự bị bị cảnh cáo và nhận thẻ vàng nếu phạm một trong các lỗi sau:

1. Có hành vi phi thể thao.

2. Có lời lẽ và hành động phản đối lại các quyết định trọng tài.

3. Liên tục vi phạm Luật.

Những luật lệ cơ bản của futsal: Lỗi và hành vi khiếm nhã - ảnh 3

Trì hoãn đưa bóng vào cuộc sẽ bị phạt thẻ vàng - Ảnh: Ngô Nguyễn

4. Trì hoãn đưa bóng vào cuộc.

5. Không tuân thủ quy định về cự ly cần thiết trong những quả phạt góc, quả đá biên, quả phạt hoặc cú phát bóng lên.

6. Vào sân hoặc trở lại sân không được phép của trọng tài hoặc vi phạm trình tự thay thế cầu thủ.

7. Tự ý rời khỏi sân không được phép của trọng tài.

F. Những lỗi bị truất quyền thi đấu:

Cầu thủ hoặc cầu thủ dự bị sẽ bị truất quyền thi đấu và nhận thẻ đỏ nếu phạm một trong những lỗi sau:

1. Có lối chơi thô bạo.

2. Có hành vi bạo lực.

3. Nhổ nước bọt vào đối phương hoặc bất kỳ người nào khác.

4. Ngăn cản một bàn thắng hoặc một cơ hội ghi bàn rõ rệt của đối phương bằng cách cố tình dùng tay chơi bóng (không áp dụng với thủ môn trong khu phạt đền của đội mình).

5. Ngăn cản một bàn thắng hoặc một cơ hội ghi bàn rõ rệt của đối phương bằng hành động phạm lỗi sẽ bị xử một quả đá phạt hoặc phạt đền.

6. Dùng lời lẽ hoặc hành động thô tục hoặc lăng mạ.

7. Nhận thẻ vàng thứ 2 trong cùng một trận đấu.

Những quyết định của hội đồng Luật quốc tế:

1. Cầu thủ bị truất quyền thi đấu không được vào lại sân và cũng không được ngồi ở dẫy ghế dành cho cầu thủ dự bị, và phải rời khỏi các khu vực phụ cận trên sân thi đấu

Đội có cầu thủ bị truất quyền thi đấu sẽ phải thi đấu thiếu người trong 2 phút. Thời gian 2 phút phạt có thể rút ngắn khi trận đấu có bàn thắng.

Điều này được quy định như sau:

a. Trường hợp đội 5 cầu thủ thi đấu với đội 4 cầu thủ thì khi đội có số đông cầu thủ hơn ghi bàn thắng, đội chỉ có 4 cầu thủ sẽ được bổ sung đủ số lượng.

b. Trường hợp cả hai đội đều thi đấu với 4 cầu thủ, khi có bàn thắng, cả hai đội đều giữ nguyên số lượng cầu thủ.

c. Trường hợp đội 5 hoặc 4 cầu thủ thi đấu với đội 3 cầu thủ, khi đội có số lượng cầu thủ đông hơn ghi bàn thắng, đội 3 cầu thủ chỉ được bổ sung một cầu thủ mà thôi.

d. Trường hợp cả hai đội đều thi đấu với 3 cầu thủ khi có bàn thắng, cả hai đội đều giữ nguyên số lượng cầu thủ.

e. Trường hợp đội có số cầu thủ ít hơn ghi bàn thắng thì không được bổ sung số lượng cầu thủ.

2. Theo Luật 12, sau cú phát bóng của thủ môn, một cầu thủ có thể đưa bóng về cho thủ môn của đội mình bằng đầu, ngực, đầu gối… nhưng cầu thủ đó phải nhận được bóng sau khi bóng đã vượt qua đường giữa sân hoặc đã được chạm hoặc đá bởi một cầu thủ đối phương. Tuy nhiên nếu theo nhận định của trọng tài, một cầu thủ bị coi là có hành vi phi thể thao nếu sử dụng tiểu xảo cố tình lạm dụng luật khi bóng trong cuộc. Cầu thủ đó sẽ bị phạt thẻ vàng và đội đối phương sẽ được hưởng quả phạt gián tiếp tại nơi xảy ra phạm lỗi.

Trong những tình huống nêu trên, không tính đến khả năng thủ môn sau có chạm bóng hay không mà chỉ phạt cầu thủ có hành vi phi thể thao mà thôi.

3. Động tác xoạc bóng gây nguy hiểm cho sự an toàn của đối phương sẽ bị xử phạt như hành vi phạm lỗi nghiêm trọng.

4. Bất kỳ hành vi giả vờ nào của cầu thủ trên sân thi đấu nhằm đánh lừa trọng tài đều bị coi là hành vi phi thể thao và bị xử phạt.

5. Cầu thủ cởi áo để ăn mừng bàn thắng phải bị cảnh cáo bởi hành vi phi thể thao.

* Những quả phạt

Những luật lệ cơ bản của futsal: Lỗi và hành vi khiếm nhã - ảnh 4

Nếu từ quả phạt trực tiếp bóng trực tiếp đi vào cầu môn của đối phương thì bàn thắng được công nhận - Ảnh: Ngô Nguyễn

1. Những loại quả phạt:

Những quả phạt được phân làm 2 loại: trực tiếp (bàn thắng được công nhận nếu bóng trực tiếp vào cầu môn đối phương) và gián tiếp (bàn thắng chỉ được công nhận nếu trước khi vào cầu môn, bóng đã chạm hoặc được đá bởi một cầu thủ khác).

Khi thực hiện các quả phạt, bóng phải được đặt cố định (chết) tại chỗ, cầu thủ đá phạt không được tiếp tục chạm bóng lần thứ hai nếu bóng chưa chạm một cầu thủ khác.

2. Quả phạt trực tiếp:

Nếu từ quả phạt trực tiếp bóng trực tiếp đi vào cầu môn của đối phương thì bàn thắng được công nhận.

3. Quả phạt gián tiếp:

Bàn thắng chỉ được công nhận nếu từ quả phạt gián tiếp bóng đã chạm hoặc đá bởi cầu thủ khác trước khi vào cầu môn của đối phương.

4. Vị trí đá phạt:

Khi một cầu thủ thực hiện quả phạt, cầu thủ đối phương phải đứng cách bóng tối thiểu là 5m cho đến khi bóng được đá rời chân và di chuyển. Bóng vào cuộc khi nó được đá hoặc được chạm bởi cầu thủ. Khi đội phòng thủ được thực hiện quả phạt từ trong khu phạt đền của đội mình thì tất cả các cầu thủ đối phương phải đứng ngoài khu phạt đền. Bóng được coi là trong cuộc khi nó rời khỏi khu phạt đền.

5. Lỗi và cách xử phạt:

Khi thực hiện quả đá phạt, cầu thủ đối phương không tuân thủ quy định về khoảng cách thì quả đá phạt được thực hiện lại.

Nếu khi bóng ở trong cuộc, cầu thủ đá phạt chạm bóng lần thứ hai liên tiếp khi bóng chưa chạm hoặc đá bởi một cầu thủ khác thì đội đối phương được hưởng quả phạt gián tiếp tại nơi xảy ra phạm lỗi.

Nếu đội thực hiện quả phạt lâu quá 4 giây thì trọng tài cho đội đối phương được hưởng quả phạt gián tiếp tại nơi xảy ra phạm lỗi.

6. Ký hiệu của trọng tài:

a. Trong các quả phạt trực tiếp:

Sau khi thổi phạt quả phạt trực tiếp, trọng tài một tay chỉ hướng phạt còn tay kia chỉ xuống đất ra hiệu lỗi thứ mấy với trọng tài thứ 3 hoặc trọng tài bấm giờ để thông báo số lỗi được tính vào lỗi tổng hợp.

b. Trong quả phạt gián tiếp:

Các trọng tài sẽ ra hiệu quả đá phạt gián tiếp bằng cách giơ tay qua đầu, lòng bàn tay hướng về phía trước và giữ nguyên tư thế này cho đến khi cú đá phạt đã đựơc thực hiện và bóng đã chạm cầu thủ khác hoặc ra khỏi sân...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem