Miền Nam mừng thầm
Tại miền Nam, những điều kiện thông tin hồi đó khiến những người yêu EURO của miền Nam đón nhận nó khá đặc biệt.
|
Các “đồng chí” cầu thủ Tiệp Khắc với chức vô địch năm 1976. |
Nhà báo lão thành C.V (làm báo cùng cụ Vũ Bằng ở báo Sài Gòn Mai) nhớ lại: “Lúc đó muốn biết tình hình EURO một cách chính thống thì chỉ có những tin tức rất ngắn về EURO, coi vậy “hổng đã” nên nhiều anh em đành phải chơi liều… nghe đài địch”.
Nói là “đài địch” nhưng thực ra hồi đó các máy radio thông thường chỉ bắt được sóng đài BBC (mà cũng chưa có kênh phát thanh tiếng Việt), vậy nên những người rành tiếng Anh mới theo dõi được.
Trùm chăn nghe… đài địch xem tình hình mấy anh XHCN “phe ta” đá đấm ra sao? Sau trận chung kết căng thẳng (dùng đến loạt sút luân lưu) khi Tiệp Khắc chiến thắng Tây Đức (đương kim vô địch thế giới), đã có khối ông tung chăn mà hò hét.
Nhà văn T.X.H kể:
“Hồi đó gần nhà tôi, có anh cán bộ ngoài Bắc vô tăng cường, nghe tôi kể chuyện EURO “mùi” quá, anh ấy thắc mắc, tôi phải “khai” thật là có nghe đài BBC rồi hỏi: Vậy có sao không? Anh ấy bảo: “Bọn em dốt nát, chả biết tiếng Tây, bác cứ nghe rồi kể cho bọn em. Nhưng chỉ nghe tin thể thao thôi nhá”.
Vừa rồi, ra Bắc tôi có gặp lại, ôn lại chuyện cũ, anh ấy bảo “Hồi ấy mà quy kết ra là em “tiếp tay” cho bác đấy”, hai anh em cứ cười hoài”.
Miền Bắc vui muộn
Tại miền Bắc, trong các chương trình nói chuyện quốc tế (diễn ra định kỳ) lúc đó, nhiều bà con xã viên đã giật mình khi nghe thông tin “Tiệp Khắc, nước XHCN anh em của chúng ta đã chiến thắng oanh liệt trước Tây Đức”.
Ngày 21.6.1976 cả thế giới biết Tiệp Khắc vô địch EURO rồi, nhưng bà con ta nhiều người đến hàng tháng sau mới biết chuyện này lõm bõm”.
Nhiều người thắc mắc “Tiệp Khắc ở sát Liên Xô hùng mạnh mà “thằng” tư bản Tây Đức vẫn dám gây chiến cơ à? Bọn này bị Hồng quân Liên Xô đánh cho tan tành hồi năm 1945 rồi, sao giờ lại dám ngóc đầu lên gây chiến?”.
Nghe như chuyện bịa, nhưng nó vẫn là một phần lịch sử của EURO trên miền Bắc Việt Nam XHCN năm 1976.
“Ta” thắng “địch” thì dù là trên chiến trường hay trên sân bóng thì vẫn cứ vui nổ trời, tuy nhiên niềm vui ấy đến khí muộn. Ông bác của người viết bài này từng công tác ở Trường Lý luận chính trị tỉnh Hà Bắc (nay tách thành Bắc Giang – Bắc Ninh) cười chảy nước mắt nói về kỳ EURO năm 1976:
“Hồi ấy, chúng tôi đều phải xuống các hợp tác xã để nói chuyện quốc tế. Tuy nhiên, sau khi có thông tin về EURO của Thông tấn xã Việt Nam đưa về, thông tin này lại phải qua thẩm định rồi bàn bạc có nên đưa vào chương trình “nghị sự” hay không? Tóm lại là ngày 21.6.1976 cả thế giới biết Tiệp Khắc vô địch EURO rồi, nhưng bà con ta nhiều người đến hàng tháng sau mới biết chuyện này lõm bõm”.
Tuấn Lệ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.