Hòa Thân mới bước vào quan trường đã suýt mất mạng vì tham lợi nhỏ (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Hòa Thân khi mới bước vào quan trường, đã nhận được bài học đáng giá về cách làm quan. Chỉ vì tham chút lợi lộc, ông ta đã bị chính kẻ nịnh bợ, hối lộ mình lừa phỉnh. Suýt chút nữa gánh họa sát thân.
Sự việc này xảy ra vào năm 41 Càn Long (năm 1776), bắt đầu từ một viên quan tư vụ (chức quan làm nhiệm vụ cung ứng tiền bạc, vật tư) bộ Hộ tên An Minh. Bộ Hộ là cơ quan quan trọng, quản lý tiền bạc, sưu thuế, lương thực của toàn quốc. Do đó, giữ chức tư vụ thu được rất nhiều lợi lộc.
Theo quy định, để tránh sự tham ô, chức quan tư vụ phải được luân chuyển hàng năm. An Minh vì quá tham lam, không muốn được thăng chức. Hắn đã đút lót rất nhiều để được giữ nguyên chức vụ này trong nhiều năm.
Sự việc bị quan thượng thư bộ Hộ phát giác. Ngay lập tức An Minh bị giáng xuống làm chức thư lại (thư ký), lễ lộc cũng vì vậy mất hết. Đúng lúc này, Hòa Thân được Càn Long bổ làm chức Tả thị lang bộ Hộ (cấp phó của thượng thư).
An Minh nhân việc Hòa Thân xây dựng dinh thự, hắn đã đút lót cho Hòa Thân rất nhiều. Hòa Thân vì vậy lại cho An Minh giữ chức tư vụ như cũ. Quan thượng thư biết Hòa Thân được Càn Long sủng ái, cũng không dám nói gì.
Cuối năm 1776, An Minh vừa được phục chức thì cha mất. Theo thể chế của triều Thanh, khi cha mẹ mất, thì quan viên phải về quê chịu tang 3 năm. Trong 3 năm đó không được ra làm quan. An Minh vì tham lam đã giấu nhẹm chuyện này, không báo tang.
Hòa Thân là cái gai trong mắt của rất nhiều đại thần (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Việc gian dối này không qua được mắt của Vĩnh Quý, một viên quan ngự sử. Vĩnh Quý là một đại thần được Càn Long rất coi trọng. Thanh sử cảo ghi lại lời Càn Long từng nói về ông như sau:
“Trời đã ban cho trẫm có được đôi mắt sáng để nhìn đời. Giúp trẫm thấy được lòng trung của Vĩnh Quý”.
Vĩnh Quý lập tức tố cáo An Minh cha chết mà không báo. Phạm vào tội đại ngịch bất đạo. Tội bất hiếu là tội rất nặng, một trong mười tội lớn thời phong kiến. Hòa Thân giữ chức thị lang, đi kinh sát (giám sát) mà bao che, lại cho An Minh tiếp tục giữ chức tư vụ. Nếu theo đúng như tội trạng tố cáo, Hòa Thân nặng sẽ mất đầu, nhẹ thì sẽ bị tước hết chức quan.
Trong vụ việc lần này, Hòa Thân thật sự cũng bị An Minh qua mặt, giấu chuyện cha chết. Đây quả là một đòn đánh chí mạng vào Hòa Thân. Khi ông ta mới làm quan chưa lâu, uy tín cùng vây cánh cũng chưa có.
May sao, trước đó Hòa Thân nhận được tin báo trước. Ông ta ngay lập tức nghĩ ra đối sách “thí tốt giữ xe”, quyết tâm loại trừ An Minh trước để tránh bị vạ lây. Hòa Thân suốt đêm không ngủ, soạn ra một bản tấu chương vạch tội An Minh.
Dù trong tình huống nguy hiểm, Hòa Thân vẫn khôn khéo thoát nạn (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Ngày hôm sau, khi Vĩnh Quý vừa tố cáo tội trạng, Hòa Thân lập tức dâng tấu chương của mình lên. Càn Long vốn sủng ái Hòa Thân, cho rằng Hòa Thân đích thị bị An Minh lừa. Hòa Thân được tha tội, chỉ bị giáng 2 cấp từ tam phẩm xuống ngũ phẩm. An Minh thì không được may mắn như vậy, bị xử tử lăng trì.
Một sự kiện khác xảy ra vào năm 57 Càn Long (năm 1793), lúc này Hòa Thân đã là một quân cơ đại thần, kiêm lãnh nhiều chức vụ quan trọng khác. Vây cánh của ông ta lúc này nghiêng đổ triều đình. Tuy nhiên, vẫn có người không không khuất phục mà giáng cho Hòa Thân một đòn đau.
Tào Tích Bảo làm quan từ những năm đầu thời Càn Long. Ông từng giữ chức trung thư nội các, quân cơ đại thần. Năm thứ 22 đời Càn Long (1758), ông lại đi thi và đỗ tiến sĩ. Trải qua nhiều chức vị khác nhau, cuối cùng, ông được bổ làm quan Ngự sử. Tào Tích Bảo nuôi chí hướng lật đổ Hòa Thân từ lâu.
Tào Tích Bảo bắt đầu tấn công từ quản gia của Hòa Thân – Lưu Toàn. Tên Lưu Toàn tuy chỉ là một quản gia nhỏ bé, nhưng từ khi được Hòa Thân giao cho thu thuế tại cổng Sùng Văn Môn, hắn cậy thế chủ, đã tham ô không ít. Chỉ trong thời gian ngắn, Lưu Toàn đã xây được phủ đệ riêng, đồ dùng, ăn mặc, ngựa xe mà hắn dùng đều vào hạng của các bậc đại thần, hoàng thân quốc thích.
Để quản gia lộng quyền, Hòa Thân suýt nữa bị lật đổ (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Tào Tích Bảo ra sức thu thập chứng cứ. Sau đó, ông tố cáo Lưu Toàn tội tiếm quyền, vượt phận. Hòa Thân lơ là, bao che cho gia nhân tham ô, nhũng nhiễu. Nếu như đúng tội trạng, Lưu Toàn phải bị xử chém, còn Hòa Thân phải bị cách chức.
Đáng tiếc, chỉ một chút sơ ý, Tào Tích Bảo lại làm lộ chuyện này ra ngoài. Ông tìm đến bàn bạc việc tố cáo Hòa Thân với viên quan đồng hương là Ngô Tỉnh Khâm. Nào ngờ, Ngô Tỉnh Khâm lại là đồng đảng của Hòa Thân.
Vốn trước đây, Ngô Tỉnh Khâm từng là thầy dạy của Hòa Thân ở Hàm An Cung. Sau này, ông ta lại tự nhận mình là học trò, gọi Hòa Thân bằng thầy. Đây cũng là một câu chuyện rất ly kỳ về Hòa Thân.
Ngô Tỉnh Khâm gặp Tào Tích Bảo xong, liền giả vờ cáo ốm. Một mình ông ta phi ngựa ngày đêm đến báo tin cho Hòa Thân. Hòa Thân lúc này đang tháp tùng Càn Long đi tuần du, nghe tin mà kinh sợ. Ông ta lập tức gọi Lưu Toàn đến. Bắt hắn phải phá bỏ hết phủ đệ, đốt hết xe cộ, đồ dùng…vượt quá quy cách. Không được để lại một vết tích nào.
Tào Tích Bảo quả nhiên dâng tấu vạch tội Hòa Thân. Theo Thanh sử, Càn Long ra ngự chỉ, viết:
“Lưu Toàn làm công việc thu thuế cho chủ hắn (Hòa Thân) tại Sùng Văn Môn. Mỗi năm có dư ra một chút bổng lộc riêng, nên có để dành được tiền của thì cũng là chuyện đương nhiên”.
Càn Long luôn là chỗ dựa vững chắc của Hòa Thân (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Tuy vậy, Càn Long vẫn sai thống lĩnh bộ binh Vương Cẩm, đô sát viện đại học sĩ Lương Quốc Trị cùng Tào Tích Bảo đến thị sát. Hòa Thân đã lo liệu ổn thỏa từ trước, nên hiện trường không còn chút chứng cứ. Càn Long vì vậy nghi ngờ Tào Tích Bảo dựng chuyện, mắng:
- Cố ý lấy người nhà làm lý do. Dùng những từ ngữ đầy ẩn ý. Dương đông đánh tây, tưởng làm như vậy là có thể giành được lợi ích hay sao?
Tào Tích Bảo không còn cách đối đáp, chỉ đành nhận lỗi vu cáo. Càn Long nói:
- Trẫm nắm quyền cai trị, thường ngày dùng người. Không cho phép tồn tại những việc sai trái. Tào Tích Bảo dùng lời không có căn cứ, đảo lộn sự thật. Nay nới rộng hình phạt, cách chức lưu nhiệm.
Tào Tích Bảo bị mất chức, về sau uất ức sinh bệnh mà chết. Sự nghiệp quan trường của Hòa Thân còn rất nhiều lần gặp nguy hiểm. Hai sự việc trên chỉ là điển hình thể hiện sự lanh trí và khôn ngoan của ông ta.
_____________
Nhiều lần đối mặt với nguy hiểm đã rèn luyện cho Hòa Thân những kinh nghiệm và bản lĩnh để tồn tại trong chốn quan trường. Không thể đứng im chịu kẻ khác công kích, ông ta đã từng bước thực hiện những mưu kế khôn ngoan nhắm vào các đối thủ chính trị của mình. Mời bạn đón đọc chi tiết trong bài kỳ sau, xuất bản vào sáng 27/09/2019.
Không chỉ tham ô, Hòa Thân còn có vô vàn cách thức kiếm tiền khiến cho hậu thế phải “lác mắt“.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.