Những mảnh đời bất hạnh được cưu mang ở Gia Lai

Hoàng Lộc Thứ tư, ngày 01/06/2022 13:16 PM (GMT+7)
Hơn 60 em nhỏ đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai. Các em đều là những đứa trẻ mồ côi cha mẹ, cơ nhỡ… Thậm chí, nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi đã được các "mẹ nuôi" mang về cùng chung sống dưới mái nhà ấm áp.
Bình luận 0

"Tổ ấm" của những mảnh đời bất hạnh

Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai nằm sâu trong một con hẻm nhỏ ở đường Hải Thượng Lãn Ông (phường Yên Thế, TP.Pleiku). Từ lâu, nơi này đã trở thành "địa chỉ" quen thuộc cho những mảnh đời đặc biệt khó khăn hoặc không nơi nương tựa trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Bà Tạ Thị Anh Đào, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai cho biết, trung tâm hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 125 đối tượng. Mỗi người khi được tiếp nhận vào trung tâm đều có hoàn cảnh riêng biệt như trẻ em mồ côi cha mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ, trẻ cơ nhỡ, người khuyết tật, người già neo đơn,…Trong số này, có hơn 60 người trong độ tuổi từ 1 đến 20. Gần 90% các em là người đồng bào dân tộc thiểu số như Jrai, Ba Na, Tày, Nùng,….

Gia Lai: "Mái nhà ấm áp" của những mảnh đời bất hạnh - Ảnh 1.

Tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai, các em được tạo mọi điều kiện trong sinh hoạt, học tập. Ảnh: H.L

Trong số những mảnh đời hiện đang được nuôi dưỡng ở nơi này, người chúng tôi gặp gỡ đầu tiên là đó là 3 chị em ruột Vũ Thanh Thảo (14 tuổi), Vũ Thị Thanh Hiền (11 tuổi), Vũ Vinh Quang (12 tuổi), cùng trú tại xã Chư Pơng, huyện Chư Sê.

Trò chuyện với chúng tôi, em Vũ Thanh Thảo chia sẻ, trước đây bố mẹ em làm nông, hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Khi em đang học lớp 5 thì mẹ trôi dạt vào Bình Dương làm công nhân. Mỗi năm, mẹ về thăm nhà một lần. Được một thời gian, đến năm 2020, bố của em cũng bỏ đi nơi khác để lại 3 đứa con bơ vơ.

Gia Lai: "Mái nhà ấm áp" của những mảnh đời bất hạnh - Ảnh 2.

Sau khoảng thời gian đầu rụt rè, giờ đây 3 chị em Vũ Thanh Thảo, Vũ Thị Thanh Hiền, Vũ Vinh Quang đã dần thích nghi với cuộc sống ở trung tâm và coi nơi này như gia đình thứ hai của mình. Ảnh: H.L

Không nơi nương tựa, không người chăm sóc, 3 chị em Thảo chỉ biết dựa vào nhau mà sống. Một khoảng thời gian, 3 chị em được một người hàng xóm cưu mang trước khi được một chú công an xã Chư Pơng đưa đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai để nuôi dưỡng.

Khi chúng tôi hỏi về cuộc sống tại trung tâm, em Thảo bộc bạch: "Thời gian đầu sống ở đây, 3 chị em con đều buồn, cô đơn và khóc rất nhiều vì nhớ bố mẹ, người thân. Tuy nhiên, nhờ sự động viên, quan tâm của các cô, chúng con đã thích nghi với cuộc sống ở đây và phần nào vơi bớt đi nỗi nhớ gia đình. Các cô ở đây thường xuyên chăm lo cho chúng con từ bữa ăn, giấc ngủ cho đến việc học hành. Các anh chị, em khác ở đây đều đùm bọc, yêu thương lẫn nhau, coi nhau như người ruột thịt. Tụi con cảm thấy rất ấm áp và có cảm giác như đang ở nhà mình vậy".

Những mảnh đời bất hạnh được nuôi dưỡng từ khi lọt lòng

Một hoàn cảnh đặc biệt khác cũng đang được nuôi dưỡng đó là bé Tạ Thị Kim Ngân (2 tuổi). Chị Đinh Thị Ái Nhi – nhân viên của trung tâm cho biết, cháu bé bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng. Lúc đó, Ngân được đặt trước cổng của trung tâm với chiếc túi và khăn đắp. Các cô ở trung tâm khi thấy Ngân, ngay lập tức đưa vào phòng ở trung tâm để theo dõi, chăm sóc.

Gia Lai: "Mái nhà ấm áp" của những mảnh đời bất hạnh - Ảnh 3.

Bé Tạ Thị Kim Ngân được các cô ở trung tâm chăm sóc, nuôi nấng tận tình. Ảnh: H.L

Vì cháu bé không có giấy tờ tùy thân trong người nên trung tâm đã làm giấy khai sinh cháu bé và lấy họ tên là Tạ Thị Kim Ngân (lấy họ của bà Tạ Thị Anh Đào, Giám đốc Trung tâm).

"Cháu Ngân bị thiểu năng trí tuệ ngay từ khi sinh ra. Mắt của cháu một bên không mở được, cổ không vững, thể trạng không như trẻ em bình thường. Mọi ăn uống, sinh hoạt hàng ngày chỉ đều trông chờ vào sự giúp đỡ của các cô. Hiện cháu vẫn chưa thể nói và chưa tập đi được, chỉ nằm một chỗ. Do vậy, các cô trong trung tâm thường xuyên chăm sóc tập vật lý trị liệu cho cháu", chị Nhi chia sẻ.

Gia Lai: "Mái nhà ấm áp" của những mảnh đời bất hạnh - Ảnh 4.

Các em tưới cây tại trung tâm

Gia Lai: "Mái nhà ấm áp" của những mảnh đời bất hạnh - Ảnh 5.

Các em nhỏ tại trung tâm được học tập và trang bị thêm kỹ năng sống. Ảnh: H.L

Bên cạnh bé Tạ Thị Kim Ngân, em K'puih Pap (12 tuổi) cũng là một trong những mảnh đời được trung tâm nuôi dưỡng từ khi mới lọt lòng đến nay. Tiếp xúc với chúng tôi, em tỏ ra rất rụt rè và nói ấp úng.

Chị Phạm Thị Huệ, nhân viên của trung tâm cho hay, trước đây, em K'puih Pap tiếp thu khá chậm, nói chuyện không được nhiều. Thêm nữa, em rất ham chơi và quậy phá. Đến năm vào lớp 1, em chỉ học được nửa học kỳ thì trường xin trả về lại trung tâm vì em quậy phá, cộng với việc tiếp thu bài vở chậm.

"Sau đó, chúng tôi có nhờ các thầy cô giáo dạy kèm em Pap tại trung tâm. Sau một quãng thời gian dài thì em đã dần thay đổi, ngoan ngoãn hơn và hòa đồng với anh chị em ở đây. Điều đó khiến chúng tôi rất vui và hạnh phúc", chị Huệ nói.

Mong các em có nghề nghiệp ổn định để tự nuôi sống mình

Bà Tạ Thị Anh Đào, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai cho biết, quãng thời gian đầu vào trung tâm, các em nhỏ khá rụt rè, không thích nghi được với môi trường tập thể. Dần dần, nhờ sự động viên, chỉ bảo tận tình của các cán bộ trung tâm thì các em đã dần vui vẻ, hòa nhập với môi trường. Khi ở trung tâm, các em được tạo mọi điều kiện tốt nhất trong sinh hoạt, học tập.

Gia Lai: "Mái nhà ấm áp" của những mảnh đời bất hạnh - Ảnh 6.

Các cô tại trung tâm mong muốn các em được học tập đầy đủ để sau này tìm được công việc ổn định, tự nuôi sống bản thân. Ảnh: H.L

Bà Đào cho biết, theo quy định hiện hành, trung tâm chỉ được nuôi dưỡng các em đến 22 tuổi. Do vậy, khi các em học hết THPT, trung tâm sẽ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng em. Nếu các em muốn học tiếp lên đại học thì trung tâm kết nối với các hảo tâm để tìm nguồn tài trợ, qua đó tiếp tục nuôi dưỡng các em cho đến khi hoàn thành chương trình đại học và ra trường để tìm được nghề nghiệp ổn định. Còn nếu các em có ý định học nghề thì trung tâm sẽ kết nối với trường dạy nghề để hỗ trợ dạy cho các em.

"Chúng tôi mong sao, các em được học hành một cách đầy đủ cho đến khi rời xa trung tâm thì tìm được công việc ổn định để tự nuôi sống bản thân, trở thành những con người có ích cho xã hội", bà Đào nói.

Chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho các em

Bà Tạ Thị Anh Đào cũng chia sẻ, ngoài việc chăm lo cho các em về vật chất, trung tâm còn chú trọng đến trang bị vốn sống cho các em. Mỗi năm, trung tâm phối hợp với làng trẻ em SOS Pleiku tổ chức các lớp giáo dục về kỹ năng sống như kỹ năng bảo vệ, vệ sinh cho bản thân, nói trước đám đông,… để hoàn thiện bản thân mình hơn. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức cho các em tham gia các buổi dã ngoại, tổ chức tham quan các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Gia lai để các em có thêm vốn kiến thức, hiểu biết và nhận thức về cuộc sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem