Những môn kiếm pháp nào khiến giang hồ tranh đoạt trong Kim Dung?

Thứ sáu, ngày 14/08/2020 07:11 AM (GMT+7)
Bối cảnh võ lâm trong truyện kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung luôn luôn có những môn võ công tuyệt thế. Trong đó không thể không kể đến những bộ kiếm pháp có uy lực khuynh đảo thiên hạ dưới đây.
Bình luận 0

Kim xà kiếm pháp

Trong bộ tiểu thuyết Bích huyết kiếm, trên núi Hoa Sơn, Viên Thừa Chí tình cờ phát hiện ra Kim xà kiếm và Kim xà bí kíp - di vật của Kim Xà Lang Quân Hạ Tuyết Nghi và học được Kim xà kiếm pháp - kiếm thuật vô địch thiên hạ.

Kim xà kiếm pháp có nguồn gốc từ Ngũ Độc Giáo nó bao gồm thanh Kim xà kiếm và Kim xà bí kíp. Kim xà kiếm là thanh kiếm này khác với những thanh kiếm ở Trung Nguyên, nó không thẳng mà uốn lượn như hình con rắn, mỗi khi người dùng vận nội công, thanh kiếm sẽ chuyển sắc vàng, đồng thời đầu kiếm tõe ra như lưỡi rắn.

Tiểu thuyết Kim Dung: Những môn kiếm pháp nào khiến cả giang hồ tranh đoạt? - Ảnh 1.

Kim xà kiếm là đệ nhất thần binh trong tác phẩm Bích huyết kiếm.

Nhờ có nó mà Kim Xà Lang Quân mới danh chấn giang hồ trong quá khứ, cũng như giúp cho truyền nhân của ông là Viên Thừa Chí từ người có võ công tầm trung trở thành hàng cao thủ trong truyện.

Tịch tà kiếm pháp

Đây là bí kíp kiếm thuật thượng thặng trong truyện Tiếu ngạo giang hồ. Tịch tà kiếm pháp có cùng nguồn gốc với Quỳ hoa bảo điển, và là nguồn gốc của những tranh chấp trên giang hồ.

Tịch tà kiếm pháp được xem là bộ kiếm pháp “độc ác” nhất trong truyện Kim Dung. Bởi muốn luyện được kiếm pháp này đầu tiên phải “dẫn đao tự cung” (tự thiến đi bộ phận sinh dục của mình) vì nếu không thiến, khi luyện nội công Tịch tà kiếm pháp, lửa dục sẽ thiêu đốt ruột gan thành tẩu hỏa nhập ma mà chết.

Tiểu thuyết Kim Dung: Những môn kiếm pháp nào khiến cả giang hồ tranh đoạt? - Ảnh 2.

Nhạc Bất Quần bất chấp mọi thủ đoạn để lấy được Tịch tà kiếm pháp.

Kiếm pháp này lấy tốc độ làm trọng, các chiêu thức nhanh đến vô hình khiến kẻ địch khó mà nắm bắt nổi. Lâm Viễn Đồ trước đây cũng là nhờ có Tịch tà kiếm pháp mà vang danh thiên hạ, trở thành vô địch.

Đáng tiếc, các hậu bối sau này như Lâm Bình Chi, Nhạc Bất Quần đều luyện được Tịch tà kiếm pháp nhưng chưa đến mức xuất thần nhập quỷ, thành ra dù có trong tay bộ kiếm pháp mạnh mẽ nhất, nhưng bọn họ cũng không thể chiến thắng được Lệnh Hồ Xung với Độc cô cửu kiếm.

Độc cô cửu kiếm

Độc cô cửu kiếm gắn liền với tên tuổi của Độc Cô Cầu Bại, ông là một nhân vật huyền thoại, từ thuở võ lâm sơ khai, ông đã được người trên giang hồ tôn là đệ nhất cao thủ bởi bộ kiếm pháp tuyệt học này, đặc tính dùng vô chiêu chiến thắng hữu chiêu.

Tiểu thuyết Kim Dung: Những môn kiếm pháp nào khiến cả giang hồ tranh đoạt? - Ảnh 3.

Tạo hình Độc Cô Cầu Bại trên phim.

Uy lực của nó cũng gần như bao trùm mọi loại võ công khác trên thiên hạ, khi có thể khắc chế mọi môn binh khí, chưởng pháp, nội công.

Thậm chí, cả một người không có nội lực cũng có thể nhờ Độc cô cửu kiếm đả thương một võ lâm cao thủ khác.

Tên gọi Độc cô cửu kiếm của môn kiếm pháp này bắt nguồn từ việc nó có 9 chiêu thức chính: Tổng quát thức, phá kiếm thức, phá đao thức, phá chưởng thức, phá thương thức, phá tiên thức, phá sách thức, phá tiễn thức, phá khí thức.

Đúng như tên gọi, mỗi thức của Độc cô cửu kiếm chính là khắc tinh của một loại binh khí, chưởng pháp cũng như ám khí.

Chính nhờ uy lực bá đạo của mình, Độc cô cửu kiếm đã giúp cho các chủ nhân của mình trở thành đại cao thủ bất bại, hùng bá võ lâm.

Độc Cô Cầu Bại trước kia tung hoành thiên hạ không đối thủ, ôm nỗi sầu muộn không có kẻ tri kỷ trong võ học xuống cửu tuyền.

Phong Thanh Dương đệ nhất kiếm khách phái Hoa Sơn luyện Độc cô cửu kiếm tới mức thượng thừa, chỉ cần chỉ điểm chút vỏ ngoài cho Lệnh Hồ Xung cũng có thể giúp chàng đánh bại gã đao khách khét tiếng Điền Bá Quang.

Lệnh Hồ Xung sau khi học thành công Độc cô cửu kiếm cũng lần lượt đả bại hàng loạt tay hảo thủ tiếng tăm trên thiên hạ, bất chấp người mang trọng bệnh và mất đi hoàn toàn nội lực.

 Việt nữ kiếm pháp

Tiểu thuyết Việt nữ kiếm pháp kể về câu chuyện thời cổ, Ngô-Việt đánh nhau, Việt Vương Câu Tiễn nằm gai nếm mật nghĩ cách diệt nước Ngô, nhưng thủ hạ của Ngô vương có đại tướng Ngũ Tử Tư học được binh pháp của Tôn Tử, huấn luyện sĩ tốt vô cùng tinh nhuệ.

Câu Tiễn thấy quân mình võ nghệ không bằng đối phương, phiền muộn không vui. Một hôm Phạm Sai tiến cử một thiếu nữ xinh đẹp tên là A Thanh có kiếm thuật vô cùng tinh diệu chỉ với một cành trúc nhỏ, nàng ta đã nhẹ nhàng hạ gục các cao thủ của nước Ngô.

Câu Tiễn cả mừng, mời nàng về dạy kiếm pháp cho quân Việt, cuối cùng dùng đó diệt nước Ngô.

Tiểu thuyết Kim Dung: Những môn kiếm pháp nào khiến cả giang hồ tranh đoạt? - Ảnh 4.

Việt nữ kiếm pháp vô cùng lợi hại

Tuy nhiên, bản chất của người con gái này vốn dĩ lại chẳng biết chút võ công nào. Trong một lần đi chăn cừu, A Thanh gặp được con Bạch Lang biết sử dụng gậy trúc. Cả 2 thường xuyên giao đấu, dần dần A Thanh ngộ ra một bộ Việt nữ kiếm pháp và vang danh khắp thiên hạ với những kiếm chiêu thượng thừa.

Đến cuối thời Đường, ở Gia Hưng xuất hiện một danh gia kiếm thuật, y dựa vào yếu chỉ của Việt nữ kiếm pháp mà đổi mới, trong chỗ lợi hại lại ẩn giấu thêm nhiều biến hóa phức tạp.

Đến truyện Anh hùng xạ điêu, Hàn Tiểu Oanh, một trong Giang Nam thất quái, theo sư phụ học được bộ kiếm pháp ấy, tuy chưa thật tinh thông nhưng kiếm chiêu cũng đã cao cường, cái ngoại hiệu Việt nữ kiếm của nàng là nhờ kiếm pháp này mà được.

Lục mạch thần kiếm

Xuất hiện trong bộ tiểu thuyết Thiên long bát bộ. Lục mạch thần kiếm là tuyệt kỹ sử dụng chân khí chạy qua kinh mạch và các huyệt đạo để biến thành kiếm khí, đả thương đối thủ vô hình vô ảnh, Lục mạch thần kiếm từng được coi là thứ võ công đáng sợ nhất trong Thiên long bát bộ được người trên giang hồ gọi là Thiên hạ đệ nhất kiếm khí.

Tiểu thuyết Kim Dung: Những môn kiếm pháp nào khiến cả giang hồ tranh đoạt? - Ảnh 5.

Lục mạch thần kiếm đả thương đối thủ vô hình vô ảnh.

Ngoại trừ người sáng tạo là vua khai quốc của Đại Lý Đoàn Tư Bình, nó được xem là môn võ công tối thượng rất khó để luyện được (kể cả sáu cao tăng đắc đạo Thiên Long Tự) cho đến khi Đoàn Dự vô tình luyện được nhưng chưa thực sự phát huy được hết sức mạnh của Lục mạch thần kiếm.

Trong Thiên long bát bộ, cố nhà văn Kim Dung mô tả, Lục mạch thần kiếm được tu luyện dựa trên cách vận hành khí tâm pháp yếu chỉ riêng rồi dùng Nhất Dương chỉ phát triển thành kiếm khí. Sáu mạch của bộ kiếm pháp này bao gồm: Thiếu trạch kiếm, Thiếu xung kiếm, Quan xung kiếm, Trung xung kiếm, Thương dương kiếm và Thiếu thương kiếm.

Lục mạch thần kiếm còn có thể dùng như một trận pháp gọi là Lục mạch kiếm trận, sáu người chia nhau học sáu mạch kiếm như sáu vị cao tăng của Thiên Long Tự. Tuy nhiên Lục mạch kiếm trận uy lực không cao bằng Lục mạch thần kiếm.

PV (Giáo Dục Thời Đại)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem