Nhìn vào tưởng đất hoang...
Thoăn thoắt nhổ từng gốc cỏ, luống rau muống, rau đay trong khu Chikarin farm ở thôn 8, xã Hòa Khánh, TP.Buôn Ma Thuột, Hà Thị Út (thường gọi Út Hà, 23 tuổi) vui vẻ giới thiệu: “Khu này vốn là ruộng hoang, lúc tụi em vừa đến đây cỏ cao ngập đầu, phát quang mấy ngày mới trông tạm ổn. Công sức bỏ ra rất nhiều nhưng làm rau sạch trên đất để lâu không canh tác sẽ an tâm hơn về lượng hóa chất tồn dư trong đất”.
Trần Đăng Hưng trong vườn dưa lưới tại khu thực nghiệm của Trường Đại học Tây Nguyên. Ảnh: P.L
"Mình và một số người bạn đang cố gắng kết nối một nhóm những người trẻ Đăk Lăk cùng đi theo con đường làm rau hữu cơ. Mong muốn đặt ra là để chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng thị trường trên nguyên tắc tương hỗ giữa các vườn hữu cơ”.
Anh Trần Đăng Hưng
|
Tốt nghiệp ngành kinh tế nông học của Trường Đại học Tây Nguyên từ tháng 10/2019, Út Hà trở về nhà và nói chuyện với gia đình về định hướng khởi nghiệp của mình, bố mẹ cô lắc đầu phản đối nhưng cô vẫn quyết tâm làm. Khởi nghiệp vốn ít, Út Hà kết hợp với hai người bạn cùng chung niềm đam mê xây dựng quy trình làm rau hữu cơ. Ba người trẻ tự tay ươm giống, xới đất, ủ phân vi sinh, thu hoạch… Các chế phẩm sinh học đem bón tưới cho rau trong vườn đều từ đạm cá, đạm đậu nành. Diện tích bao quanh kề sát với đường đi hoặc vườn trồng khác được xây dựng làm “vành đai” cách ly sinh học...
Rau củ hữu cơ tại vườn của Hà hiện được cung ứng chủ yếu cho thị trường TP.HCM và nhận được phản hồi tốt.
Viết “nhật ký” cho rau
Trần Đăng Hưng (27 tuổi) trở về từ Israel sau 11 tháng làm thực tập sinh nông nghiệp, anh tiếp tục theo đuổi đam mê với cây cối trên mảnh đất Đăk Lăk. Thời gian đầu, Hưng được thầy cô là giảng viên giúp đỡ để mình có thêm thời gian nghiên cứu về rau hữu cơ tại khu thực nghiệm của Trường Đại học Tây Nguyên.
Hưng cùng bạn dồn số vốn nhỏ để làm vườn rau hữu cơ đầu tiên. Vì mảnh đất trồng bị bao quanh các vườn rau canh tác theo lối truyền thống, sử dụng thuốc hóa học nên bao nhiêu sâu hại liền dồn vào vườn rau hữu cơ của Hưng. Bị côn trùng, bệnh hại tàn phá, cộng thêm ảnh hưởng chất hóa học từ các vườn bên, anh đành bỏ lại 5 sào đất đã thuê, chịu mất trắng. Nghĩ lại, Hưng chỉ cười: “Cũng nhờ đó, mình mới hiểu được tầm quan trọng của việc cách ly đất trồng và chất lượng không khí xung quanh”.
Anh Hưng chỉ lên dãy màng đen được căng cao đến 3m và cho biết đây là lớp “phòng thủ” nhằm ngăn chặn một phần tác động từ môi trường bên ngoài. Nhờ dày công vận động, Hưng cũng đã thuyết phục thành công chủ vườn sầu riêng sát bên cùng chuyển đổi sang phương pháp làm sạch.
Sau gần 2 tháng, các luống trồng rau trong vườn… đã cho thu hoạch. Sau thất bại lần đầu, Hưng xây dựng khu vườn hữu cơ mới theo nguyên tắc “3 không”: Không phân hóa học, không thuốc hóa học, không giống biến đổi gen.
Hưng cho biết: “Người chọn mua rau hữu cơ vẫn chấp nhận các sản phẩm mẫu mã kém bắt mắt với giá bán cao gấp nhiều lần. Do vậy mình nghĩ vấn đề họ quan tâm nhất vẫn là ăn sạch, sức khỏe tốt”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.