Những sự kiện nữ quyền nổi bật năm 2011

Thứ ba, ngày 24/01/2012 07:11 AM (GMT+7)
Ba người phụ nữ gốc Phi bất ngờ giành giải Nobel Hòa bình, luật kế vị Vương quốc Anh đã có những thay đổi tích cực đối với phái nữ, hàng loạt quý bà nắm quyền ở các quốc gia đang phát triển...
Bình luận 0

1. Sự lên ngôi của những nhà cầm quyền nữ

Chính trường không còn xa lạ gì với những bóng hồng quyến rũ "bà đầm thép" Magaret Thatcher, Indira Gandhi... Tuy nhiên, năm 2011 thực sự là thời điểm thăng hoa đầy kinh ngạc của các nhà cầm quyền nữ.

img
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra

Bà Dilma Rousseff trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Brazil vào tháng 11.2011. Trong thời gian tranh cử tổng thống, bà Rousseff chỉ đứng thứ 95 trong danh sách và sau khi giành thắng lợi, bà đã vươn lên vị trí thứ 16.

Ở châu Á, nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra cũng khiến người dân kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng và mới mẻ hơn. Hồi đầu năm 2011, bà còn được tạp chí Forbes bình chọn là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Bà Yingluck Shinawatra không phải là người Bangkok nhưng lại là biểu tượng của mẫu phụ nữ hiện đại ở Thủ đô và cả đất nước Thái Lan - trẻ trung, xinh đẹp, giàu có và thông minh.

Tháng 6.2011, bà Christine Lagarde cũng đã trở thành nữ Tổng giám đốc đầu tiên của quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, một tổ chức tài chính có uy tín hàng đầu thế giới.

Tiếp đó, cuối tháng 7, tại Pakistan, bà Hina Rabbani Khar, 34 tuổi, đã trở thành Bộ trưởng Ngoại giao và là người phụ nữ đầu tiên nhận chiếc ghế danh giá này.

2. Bất ngờ ở Nobel Hòa bình

Lần đầu tiên giải Nobel Hòa bình được trao cho ba người phụ nữ. Tổng thống Liberia, bà Ellen Johnson Sirleaf, cùng nhà hoạt động hòa bình Liberia là bà Leymah Gbowee và nhà hoạt động Tawakkul Karman - người Yemen là những người đấu tranh không mệt mỏi cho quyền của phụ nữ, hòa bình ở Liberia và Yemen.

Không quá khi gọi giải Nobel hòa bình năm nay là “Giải Nobel cho Phụ nữ châu Phi”, bởi ngoài ý nghĩa vinh danh, nó còn thể hiện sự quan tâm cũng như ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với quyền và vai trò của người phụ nữ ở lục địa đen.

3. Vương quốc Anh thay đổi luật thừa kế ngai vàng

Khi thế giới chạm ngưỡng 7 tỷ dân, bình đẳng giới trở thành vấn đề được toàn cầu quan tâm. Và vương quốc Anh cũng không đứng ngoài vòng xoáy đó. Theo bộ luật mới được ban hành, đứa con đầu tiên của Hoàng tử Williams và Công nương Kate, dù là trai hay gái, đều trở thành người thừa kế thứ ba trong gia đình Hoàng gia.

Theo giới chuyên môn, đây chính là bước đi có tính chiến lược trong gia đình Hoàng gia, không chỉ giúp Hoàng gia Anh ghi điểm trong mắt người dân mà còn khẳng định sự thức thời và cởi mở trong suy nghĩ của Hoàng gia có tuổi đời lâu nhất thế giới. Ông John Stevas, chuyên gia hiến pháp khẳng định: “Điều cốt lõi ở sự cải cách này là phụ nữ và nam giới đều được đối xử bình đẳng”.

4. Phụ nữ thống trị Internet

Từ nhiều năm nay, mạng Internet đã trở thành "một phần tất yếu của cuộc sống". Tuy nhiên, ít người biết rằng phái nữ dù yếu đuối tới mức nào thì vẫn đang thống trị phần tất yếu này. Số người sử dụng các website nổi tiếng - Facebook, Zynga, Groupon và Twitter, đa phần là phái đẹp. Và quan trọng hơn, phụ nữ cũng nắm quyền điều hành, quản lý ở những website này.

Sự đóng góp của phái đẹp trong các công ty thương mại điện tử còn thú vị hơn. One Kings Lane, Plum District, Stella & Dot, Rent the Runway, Modcloth, BirchBox, Shoedazzle, Zazzle, Callaway Digital Arts, và Shopkick... đều là những công ty đang phát triển rất nhanh, xây dựng được một cộng đồng rộng lớn và đạt doanh thu tốt. Các công ty này cũng mạnh lên từng ngày nhờ nữ quyền bởi hầu hết đều do phái đẹp thành lập, quản trị.

5. Phụ nữ Afghanistan luyện đấm bốc

img

Giữa thập niên 1990, Taliban cấm phụ nữ tham gia thể thao vì vi phạm luật Hồi giáo. Và cũng trong năm 1996, Taliban ra quyết định ngăn cản phụ nữ đi làm việc ngoài xã hội. Đáp lại những gì họ mong muốn, 4 năm sau, Ủy ban Olympic quyết định loại Afghanistan khỏi Thế vận hội Sydney. Tuy nhiên, hiện tại, một người đàn ông có nhiều tư tưởng cách tân là huấn luyện viên Mohammad Sabir Sharifi, 52 tuổi, lại ấp ủ giấc mơ đội tuyển quyền Anh nữ của ông sẽ cho cả thế giới nhìn thấy gương mặt mới của Afghanistan tại London Olympics 2012. Đây cũng là kỳ Thế vận hội đầu tiên có môn thi đấu quyền Anh dành cho phụ nữ.

Được đặt tên là "Chiến đấu cho hòa bình", đội tuyển đấm bốc nữ nhận được sự ủng hộ của tổ chức phi lợi nhuận Afghanistan là Hợp tác vì hòa bình và đoàn kết và Tổ chức phi lợi nhuận quốc tế Oxfam.

6. Sự thất bại của các “nữ vương”

Năm 2011 không chỉ là năm thăng hoa của nữ quyền mà còn ghi lại “nốt trầm” của nhiều nữ chính khách từng một thời hét ra lửa. Đầu tiên có thể kể đến việc bà Gloria Arroyo sa bước. Là thượng nghị sĩ từ năm 1992, bà trở thành nữ phó Tổng thống đầu tiên vào năm 1998. Ngày 20.1.2001, bà tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 14 của Philippines sau khi người tiền nhiệm Joseph Estrada bị lật đổ vì cáo buộc tham nhũng.

Bà Arroyo là Tổng thống nữ thứ hai của Philippines sau bà Corazon Aquino. Tuy nhiên, không bao lâu sau khi nhậm chức, những cáo buộc tham nhũng nhanh chóng nhắm vào người đàn bà tài năng này. Mới đây, thân nhân của 57 người bị giết trong vụ thảm sát kinh hoàng ở miền Nam Philippines năm 2009 vừa nộp đơn kiện Gloria Arroyo về tội dung túng thảm sát và đòi bồi thường 346.000 USD.

Cùng lỡ bước giống cựu Tổng thống Philippines là “Bà Cam” – Thủ tướng Ucraina Yulia Tymoshenko. Đầu tháng 8.2011, tòa án ở thủ đô Kiev vừa ra lệnh bắt giam Tymoshenko ngay trong phiên tòa sơ thẩm xét xử bà.

Đó là lần đầu tiên bà Yulia chính thức bị bắt giam sau nhiều ngày bị cấm rời khỏi Kiev. Yulia Tymoshenko bị cáo buộc lạm quyền khi ký một hợp đồng khí đốt với Thủ tướng Nga Vladimir Putin nhằm chấm dứt một vụ tranh chấp khí đốt với Mátxcơva hồi đầu năm 2009. Hành động này đã gây thiệt hại cho ngân sách nước này khoảng 190 triệu USD.

Theo Phụ nữ Thủ đô

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem