Những tàu chiến “độc” của Hải quân Mỹ (Phần 1): Độc đáo

Thứ hai, ngày 20/08/2018 20:33 PM (GMT+7)
Các lực lượng hải quân đều muốn những chiếc tàu của họ giống nhau nhất có thể, vì một lý do chính đáng: Dễ dàng huấn luyện các thủy thủ hơn trên những chiếc tàu và hệ thống đồng dạng; rẻ hơn khi chế tạo với số lượng lớn, và rẻ hơn khi vận hành lẫn bảo dưỡng.
Bình luận 0

img

Một số tàu khu trục Arleigh Burke cùng loại.

Cuối năm ngoái, Hải quân Mỹ đã quyết định dựa vào thiết kế tàu chiến đổ bộ thế hệ tiếp theo LX (R) - một chương trình chế tạo 11 tàu chiến đổ bộ mới với chiếc đầu tiên dự kiến được sản xuất vào năm 2020 - trên một thân tàu hiện có, với lý do điều này sẽ tiết kiệm chi phí trong thiết kế, bảo trì và nhân lực.

Nhưng đôi khi nhiệm vụ đòi hỏi lại rất đặc biệt, có khi chỉ là duy nhất.

Xuyên suốt lịch sử, trong khi những lớp tàu đa phần được phát triển với cùng thiết kế, Hải quân Mỹ cũng đã tạo ra một vài kiểu tàu đặc biệt nhằm kiểm tra khả năng thực nghiệm hoặc thực thi chỉ một nhiệm vụ duy nhất. Dưới đây là những chiếc tàu độc nhất của Hải quân Mỹ.

Tàu chở lạc đà

Năm 1855, Quốc hội Mỹ đã thông qua một kế hoạch do Bộ trưởng Chiến tranh Jefferson Davis đề xuất, nhằm nhập khẩu những con lạc đà để chở hàng cho quân đội Mỹ hoạt động ở Tây Nam nước này.

img

Lạc đà được đưa lên tàu.

Những con lạc đà trên cũng được tính sử dụng như là một lực lượng “kỵ binh” tầm xa có thể giúp “đẩy lui những người Anh điêng ra khỏi đất nước”. Do đó, tàu hậu cần USS Supply được điều chỉnh lại với cửa hầm chứa hàng, cần trục. Sau đó, một “chiếc xe lạc đà” đặc biệt đã ra đời để giải quyết một mục đích duy nhất đó là cho lạc đà lên và chở đi.

Khi đàn lạc đà đầu tiên được gom lại ở Bắc Phi, tàu USS Supply đã phải sửa đổi thêm cho phù hợp với những cái bướu cao của lạc đà bằng cách cắt bỏ một phần của tầng chính. Sau đó, những con lạc đà đã được chuyển tới Texas, nhưng kế hoạch trên đã không bao giờ được thực hiện trọn vẹn do cuộc nội chiến tại Mỹ bùng phát.

Hầu hết những con lạc đà đã được bán cho các vườn thú và rạp xiếc, một số ít được đưa trở lại cuộc sống hoang dã. Đến đầu thế kỷ 20, một số con lạc đà vẫn được phát hiện tại vùng Tây Nam nước Mỹ.

Tàu trang bị súng khí nén

Được đưa vào hoạt động năm 1890, USS Vesuvius là chiếc tàu đầu tiên và duy nhất của Mỹ được trang bị súng sử dụng khí nén để đẩy đầu đạn nổ (loại súng này được sử dụng trong thời gian ngắn, từ năm 1880 đến đầu thế kỷ 20).

img

Tàu USS Vesuvius năm 1891.

Ba khẩu súng khí nén của Vesuvius có thể bắn đạn nổ có sức công phá mạnh 250 kg nhằm vào các mục tiêu trong phạm vi bán kính 1,6 km và đã được sử dụng trong chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ năm 1898.

Do sử dụng khí nén để đẩy đầu đạn, nên tiếng nổ phát ra khi bắn là khá nhỏ, do đó có những báo cáo cho rằng loại súng này đã khiến đối phương mất bình tĩnh vì họ không thể nghe thấy bất kỳ tiếng nổ nào. Tuy nhiên, loại súng này nhanh chóng không được sử dụng vì thiếu tính chính xác và nhu cầu bảo dưỡng cao.

Các khẩu súng sử dụng khí nén của Vesuvius đã bị loại bỏ và được thay thế bằng các ống phóng ngư lôi. Nhưng Vesuvius đã gặp phải một tình huống tồi tệ và gần như bị chìm hẳn, vì một quả ngư lôi của nó sau khi được bắn đi đã bay vòng lại và đâm vào thân tàu.

Tàu “kem”

Với lệnh cấm sử dụng rượu trên tàu vào năm 1914, Hải quân Mỹ đã phải tìm cách bù đắp sự thiếu hụt này và phát hiện ra rằng kem cũng là món “khoái khẩu” của các thủy thủ. Nó được ưa chuộng đến nỗi Hải quân Mỹ đã phải mượn một chiếc tàu đông lạnh của Quân đoàn Vận tải Lục quân vào năm 1945 để phục vụ như là một tiệm kem nổi.

img

Thủy thủ ăn kem.

Với chi phí 1 triệu USD, chiếc tàu kem này đã được lai dắt quanh Thái Bình Dương để cung cấp kem cho các tàu nhỏ hơn.

Tàu gián điệp Wackiest

Vào thời điểm khi các tàu chiến và tàu sân bay bằng thép khổng lồ của Mỹ đối đầu với Hải quân Đế quốc Nhật Bản, tàu gỗ ghép USS Echo hai cột buồm đã tiến hành nhiệm vụ trinh sát và tiếp tế trên khắp Thái Bình Dương giữa những năm 1942 - 1944.

img

Tàu gián điệp USS Echo.

Được Mỹ mượn từ New Zealand, tàu gỗ Echo được đánh giá cao vì khả năng tránh rađa và dễ dàng trà trộn vào các nhóm tàu dân sự để theo dõi sự di chuyển của hải quân Nhật Bản.

Echo được trả lại cho New Zealand trước khi Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 kết thúc. Đến những năm 1990, nó đã bị bỏ mặc và có nguy cơ bị bán để làm củi. Sau đó, chiếc tàu này được bán và biến thành một quán bar và bảo tàng.

Công Thuận (Báo Tin Tức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem