Những tiếng khóc uất nghẹn dưới mái nhà: Cô đơn trước đòn roi

Ngọc Vũ Thứ hai, ngày 24/11/2014 07:09 AM (GMT+7)
“Người phụ nữ lấy chồng là khi đã trao hết niềm tin mà bị chồng bội bạc đánh đập thì coi như đã chết”. Đó là lời tâm sự uất nghẹn của nhiều phụ nữ nông thôn. Pháp luật dường như chưa chạm tới được mỗi mái nhà, bởi vậy, người phụ nữ cần được hỗ trợ về tâm lý, kiến thức để tự bảo vệ mình khi bị đánh đập. 
Bình luận 0

Đó là tình cảnh của hàng ngàn phụ nữ ở Quảng Trị. Họ bị đánh đập trước con mắt của hàng xóm, chính quyền nhưng không ai bảo vệ họ. Ngay cả khi họ đi tố cáo thì rốt cuộc người nộp phạt vẫn chính là họ...

Kiểu gì cũng bị đánh

Một buổi sáng đầu đông trời mưa tầm tã, chúng tôi tìm gặp chị Nguyễn Thị Tr. (xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng). Trong căn nhà cấp bốn tuềnh toàng không có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc ti vi đen trắng cũ kỹ, chị Tr. chép miệng buồn bã: “Cái ti vi này là cái thứ 5 rồi đó chú. Sắm cái nào về hắn (Nguyễn Văn Tý- chồng chị Tr.) cũng phá”. Nói rồi chị đi quanh nhà tìm cốc mời nước chúng tôi nhưng cuối cùng đành lắc đầu “li chén hắn cũng đập hết rồi, chú thông cảm cho”.

imgMai Chiếm Thắng (áo trắng ở giữa) bị kết án tù chung thân về tội giết vợ. Mẹ qua đời, cha vào tù, 2 con nhỏ của Thắng bơ vơ. Ngọc Vũ

 

Câu chuyện buồn của chị Tr. bắt đầu lúc chị lấy chồng vào năm 21 tuổi. Cuộc sống vất vả với 3 mặt con nên hàng ngày chị phải làm việc cật lực đủ thứ nghề, từ cấy thuê gặt mướn đến đi phụ thợ hồ. Ngược lại, Tý suốt ngày ăn nhậu, đã không giúp được việc gia đình lại còn kiếm cớ gây gổ với vợ con mỗi khi say xỉn. Không thể đếm được số ngày hắn say mà chỉ tính xem một năm hắn có bao nhiêu ngày tỉnh. Mỗi lần say, hắn như bị điên, cứ chửi bậy, kiếm cớ đập mẹ con chị đến thân tàn ma dại. Nhiều lần chị nhỏ to tâm sự mong chồng thay đổi tâm tính nhưng càng khuyên nhủ càng bị đánh đập nhiều hơn.

Mới đây, vào tối 21.10, sau khi đi nhậu về, Tý bắt chị làm thịt gà để ăn nhậu. Dù lúc đó đã khuya, lại bị cắt điện nhưng vì sợ Tý đánh đập nên chị nín nhịn làm thịt gà. Bày biện xong xuôi thì Tý ngồi ăn một mình ngồi ăn. Uống hết 1 xị rượu thì Tý chê thịt gà dở rồi đánh chị. Con gái lớn là cháu L (1998) cũng bị Tý đánh đến ngất xỉu.

Việc Tý đánh vợ cả làng đều biết nhưng chẳng ai can thiệp. Chị Tr có báo với chính quyền, Tý bị phạt thì “tiền phạt cũng từ túi tôi mà ra chứ hắn có làm ra đồng nào. Với lại báo chính quyền hắn còn đánh đập mẹ con tôi nhiều hơn, con cái lại xấu mặt”- chị Tr nói.

Cùng chung số phận hẩm hiu, chị L.T.T (trú xã Trung Sơn, Gio Linh) cũng bị chồng đánh đập trong nhiều năm nay. Chỉ việc nhỏ nhặt như trồng cây, nuôi gà… chị cũng bị chồng kiếm cớ làm lớn chuyện rồi đánh thâm tím mặt, nhiều lần phải nhập viện cấp cứu.

Trận đòn nặng nhất chị phải hứng chịu là bị thương ở đầu. Trong lúc chị đang ôm hai đứa con thơ ngủ thì chồng chị đi nhậu say về lôi dậy giật tóc đập đầu chị vào tường nhà, đánh không thương tiếc. Hai đứa con nhỏ chỉ biết thét lên kêu cứu hàng xóm nhưng giữa đêm khuya không ai cứu kịp thời, chị phải đi cấp cứu mấy ngày.

Sau những trận đòn bầm dập là nỗi sợ hãi thường trực của những người vợ khốn khổ khi phải chung sống với gã chồng vũ phu. Chị L.T.T. tâm sự, bị đánh đập mà không bị thương tật thì đau đớn rồi sẽ qua. Nhưng nỗi đau về mặt tinh thần thì cả đời không bao giờ hàn gắn được. Nó hằn sâu vào tâm trí, ám ảnh trong mỗi giấc ngủ của chị.

Tới những vụ án đau lòng

Sáng mùng 3 Tết Nguyên đán năm 2014, người dân khu phố 4, phường 1, TP.Đông Hà, hoảng hốt khi nghe tin chị Nguyễn Thị Huế (31 tuổi) bị chồng là Mai Chiếm Thắng (34 tuổi) dùng dao đâm tử vong. Theo hồ sơ vụ việc, vì nghi vợ ngoại tình nên tối 1.2, hai vợ chồng Thắng lời qua tiếng lại khá lâu. Đến 3 giờ sáng 2.2 (mùng 3 Tết Nguyên đán), Thắng đi xuống tầng một, lấy một con dao Thái Lan cầm lên phòng rồi hai vợ chồng tiếp tục cãi nhau. Đến 4 giờ sáng, Thắng “nổi điên” lạnh lùng dùng dao đâm hàng chục nhát vào mặt, cổ, ngực chị Huế đồng thời chụp tóc giật mạnh làm chị Huế rơi trên giường xuống nền nhà gây chấn thương sọ não, làm chị Huế chết tại chổ. Xét thấy hành vi giết người của Thắng quá dã man, côn đồ nên Hội đồng xét xử tuyên phạt Thắng tù chung thân về tội giết người. Ông Nguyễn Văn Dùng (bố đẻ của chị Huế) đau đớn cho hay, hai vợ chồng Thắng và chị Huế kết hôn vào năm 2003, đã có hai đứa con trai, đứa lớn học lớp 4, đứa nhỏ mới 5 tuổi. Dẫu biết hai vợ chồng thường cãi vã nhau nhưng không ai ngờ sự việc lại ra nông nỗi đáng sợ này. “Nay hai thân già phải cố gắng làm lụng chắt bóp nuôi hai đứa cháu ngoại nên người” – ông Dùng chua xót.

Từ ngày mẹ mất, cha vào tù, trên môi của hai đứa trẻ thơ dại không còn nở nụ cười. Hàng ngày chúng thắp hương tưởng nhớ mẹ. Mỗi sáng thứ 7 chúng lại vào nhà giam thăm cha. Dù còn nhỏ nhưng chúng hiểu rằng từ nay sẽ không còn mái ấm gia đình. Hàng đêm, trong mỗi giấc chúng lại gặp ác mộng khi phải chứng kiến cảnh bố giết mẹ, máu me bê bết. Đối với chúng, đó là những kí ức không đáng có nhưng luôn ám ảnh cho đến hết cuộc đời. Cách đây 2 năm, tại thôn Ba Công, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa cũng xảy ra một vụ án mạng làm một phụ nữ đang mang thai tháng thứ 6 tử vong ngay tại chỗ. Nguyên nhân do vợ chồng có mâu thuẫn nên Diệp Minh Hải (SN 1980) đã cầm gậy tre rượt đuổi theo vợ là chị Nguyễn Thị Minh (SN 1982) rồi đánh nhiều phát vào đầu và chân làm chị Minh chết ngay tại chỗ.

Những vụ án như vậy ở Quảng Trị và nhiều tỉnh thành khác không còn hi hữu và ngày lại ngày, bạo lực đối với phụ nữ càng gia tăng.

  Theo Luật Phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình. Hành vi bạo lực gia đình được chia làm 4 nhóm: bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem