Những vụ không chiến bí mật trên bầu trời Liên Xô thời Chiến tranh lạnh

Thứ hai, ngày 11/12/2017 18:30 PM (GMT+7)
Tờ Sputnik News của Nga vào cuối tháng 10.2017, nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, đã điểm lại một số sự kiện quan trọng, những sự kiện bí mật xảy ra trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Xô viết. Trong đó, tờ báo đã nhắc lại những cuộc không chiến bảo vệ bầu trời Xôviết những thập niên đầu Chiến tranh lạnh.
Bình luận 0

Uy lực dũng mãnh của MiG

Sputnik News dẫn nguồn báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga cuối tháng 10.2017 cho biết, có 18 máy bay và thiết bị bay đã bị bắt khi đang cố xâm phạm và thám thính dọc khu vực biên giới, trong đó các máy bay của Lực lượng Phòng không Liên Xô đã 8 lần xuất kích can thiệp nhằm kịp thời ngăn chặn xâm nhập.

Không có va chạm cận chiến trong các vụ can thiệp nêu trên. Tuy vậy, chuyên gia quan sát quốc phòng an ninh Andrei Stanavov của Hãng tin RIA Novosti đúc kết rằng những vụ do thám dọc biên giới ấy cũng đủ để dẫn đến những hậu quả nguy hiểm, thậm chí chết người. Sputnik đã nhắc lại một số vụ không chiến tiêu biểu.

img

Máy bay chiến đấu MiG-19, vũ khí lợi hại của Liên Xô thời Chiến tranh lạnh.

Vào đầu Chiến tranh Lạnh, ngày 29.7.1953, hai chiếc chiến đấu cơ MiG-17 từ Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô đã phải xuất kích can thiệp sau khi có báo động rằng một chiếc máy bay lạ không xác định gốc tích đã bay vào không phận Liên Xô bên trên Vịnh Ussuri ngoài khơi Vladivostok.

Khi tiếp cận để quan sát kỹ, các phi công máy bay MiG phát hiện một chiếc máy bay ném bom Mỹ cỡ lớn với 4 động cơ bay ở độ cao 10.000m trên mực nước biển, hướng đến đảo Askold, ngay bên ngoài căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương. Đó là chiếc Siêu pháo đài bay Boeing RB-50G.

Chiếc Siêu pháo đài bay không trao đổi thông tin, cũng không trả lời yêu cầu từ phía Liên Xô, mà khai hỏa loạt súng pháo lắp sẵn trên máy bay. Một quả pháo bắn trúng chiếc MiG bay dẫn đầu do Thượng sĩ nhất Alexander Rybakov điều khiển, mảnh đạn găm lỗ chỗ trên thân máy bay.

Rất may, và cũng thật cừ, mặc dù bị trúng đạn ínhưng chiếc MiG vẫn tiếp tục bay lượn trên không. Không còn thời gian để đàm phán, hai chiếc MiG đành bắn trả. Chỉ trong vài phút, chiếc Siêu pháo đài bay Boeing RB-50G trúng đạn vỡ thành nhiều mảnh và rơi xuống biển. Trong 18 thành viên phi hành đoàn trên chiếc Siêu pháo đài bay chỉ còn duy nhất một cơ phó John Ernst Roche sống sót.

Hai năm sau, vào tháng 4.1955, một vụ không chiến khác lại xảy ra trên bầu trời vùng Viễn Đông Nga, lần này gần bán đảo Kamchatka. Chiếc máy bay do thám RB-47E Stratojet cải tiến của Mỹ đã bị bắn tan xác sau ít phút đối đầu với hai chiếc MiG 15. Cả 3 phi công trên máy bay Mỹ đều thiệt mạng.

Vụ Powers

Vào tháng 5.1960, phi công Francis Gary Powers của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) bỗng trở nên nổi tiếng khắp thế giới khi chiếc máy bay trinh thám U-2C của ông bị một tên lửa phòng không Liên Xô bắn hạ khi bay ở độ cao 21km trên mực nước biển. Chiếc U-2C của Powers bị bắn khi xâm nhập sâu hơn 2.000km trong vùng trời Liên Xô.

Trước đó chưa đầy 1 tháng, Powers cùng chiếc U-2C đã từng thực hiện một chuyến xâm nhập tương tự trên vùng trời Kazakhstan, đã chụp được một số bức không ảnh rõ nét về một địa điểm thử vũ khí hạt nhân ở Semipalatinsk, Kazakhstan.

img

Phi công tình báo Francis Gary Powers của CIA nổi tiếng nhờ phi vụ U-2C bị bắn rơi năm 1960.

Lực lượng phòng không và không quân địa phương ở Kazakhstan đã không đủ sức bám đuổi chiếc U-2C của Powers nên đã để cho ông ta dễ dàng thoát ra sau khi xâm nhập chụp ảnh do thám. Nhưng khi Powers lái chiếc U-2C đến không phận vùng Sverdlovsk, ông ta không thể ngờ mình sẽ chạm trán một thứ vũ khí uy lực quá mạnh.

Chuyên gia Stanavov kể, sự kiện đó xảy ra vào ngày 1.5.1960. Tên lửa đã bắn rơi máy bay U-2C là loại tên lửa phòng không tân tiến, cực mạnh, có tên gọi là S-75 Dvina. “Khoảng 9 giờ sáng, tên lửa S-75 Dvina gầm rú bay vọt lên không trung, xé toạc phần đuôi của chiếc U-2C” – Stanavov kể. Chiến dịch thám thính mang tên Chiến dịch Overflight của CIA được thiết kế kỹ lưỡng, nhưng cuối cùng đã phải nhận kết cục bi thảm.

Trong vụ không chiến này, Powers là người sống sót tài giỏi. Ông ta không thoát ra ngay mà đợi máy bay hạ độ cao đến mức an toàn mới bấm nút thoát ra khỏi xác máy bay. Phi công thượng sĩ Sergei Safronov lái một chiếc MiG-19 lại là người bị nạn oan uổng khi chiếc máy bay của ông bị trúng quả tên lửa do phòng không Liên Xô bắn lên nhắm vào Powers đang nhảy dù.

Chiếc MiG-19 thứ hai cũng gặp nguy hiểm tương tự nhưng đã may mắn thoát nạn. Trong vụ việc này, người Mỹ đã chối phắt việc đã cho máy bay do thám xâm phạm không phận Liên Xô. Tuy nhiên, những mảnh vỡ của chiếc U-2C rơi vãi khắp mặt đất trên đó có in dòng chữ “Made in the USA” đã được quân đội Liên Xô thu thập, tập hợp lại làm bằng chứng trưng ra buộc Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower không còn cách nào khác phải thừa nhận có chiếc máy bay U-2C và phi vụ xâm nhập không phận Liên Xô.

Vụ Powers đã gây ra hậu quả chính trị to lớn, làm cho quan hệ giữa hai siêu cường vốn đã căng thẳng càng thêm căng thẳng. Từ vụ việc đó đã dẫn đến sự đổ vỡ một hội nghị cấp cao Đông-Tây dự kiến tổ chức tại Paris, Pháp vào giữa tháng 5.1960, và Eisenhower phải hủy một chuyến thăm Moscow. Tòa án Tối cao Liên Xô đã tuyên án Powers 10 năm tù vì tội gián điệp. Tháng 2.1962, ông ta được trao trả trong một vụ trao đổi với điệp viên Xô Viết Rudolf Abel.

Chỉ 2 tháng sau vụ Powers và chiếc U-2C, vào ngày 1.7.1960, một chiếc Boeing B-47H Stratojet thuộc đơn vị Tình báo chiến lược số 55 của Không quân Mỹ đã xâm phạm vùng trời biên giới Na Uy - Liên Xô. Chiếc B-47H Stratojet đã bị bắn tan xác bởi một chiếc MiG-19 do trung úy Vasili Poliakov lái. Trong 6 thành viên trên máy bay Mỹ chỉ có 2 người, phi công phụ Bruce Olmstead và hoa tiêu John McJone còn sống sót. Cả hai đều bị bắt làm tù binh, bị giam 7 tháng trước khi được thả vào tháng 1.1961. Một tháng sau vụ việc, Liên Xô đã tìm thấy thi hài một trong những thành viên phi hành đoàn và trao trả cho phía Mỹ.

Sau những vụ việc trên, còn một số vụ việc nhỏ khác do những máy bay của các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực thực hiện, cũng bị can thiệp và bắn hạ và xử lý tương tự như máy bay Mỹ. Đại úy Gennady Yeliseyev, một cựu phi công lái máy bay chiến đấu MiG khẳng định, các phi công MiG thường là những người quyết định cuộc không chiến, một khi tên lửa từ hệ thống phòng không nhắm trúng mục tiêu. Điều đó đã được minh chứng qua các vụ không chiến nêu trên.

Nguyên Khang (An ninh thế giới)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem