Thu Hà Nguyễn
Thứ sáu, ngày 13/11/2020 11:20 AM (GMT+7)
Vienna vừa trải qua một tuần khó khăn và nhiều cảm xúc khi dịch Covid-19 tăng nhanh và vụ xả súng điên rồ của một kẻ cuồng IS ở trung tâm thành phố. Nhưng cũng như ở miền Trung, tại đây vẫn có những câu chuyện ấm áp và tốt đẹp về niềm tin, về lòng trắc ẩn, thậm chí cả sự nhân đạo cho kẻ sát nhân.
Bước vào năm 2020, ai cũng tin sẽ là một năm mang đến nhiều điều tốt lành vì số đối rất đẹp. Bây giờ thì chắc ai cũng mong năm 2020 nhanh qua, hy vọng năm mới 2021 sẽ may mắn hơn giúp cả thế giới vượt qua khủng hoảng có lẽ là lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Trong những lúc khủng hoảng, bất an nhất bởi thiên tai, dịch bệnh hay khủng bố thì điều lắng đọng tốt đẹp nhất là tình người và lòng trắc ẩn. Tình người sẻ chia với người dân miền Tây gặp hạn mặn khốc liệt liên miên và với người dân miền Trung bị bão lụt gây thiệt hại nặng nề, những con người sẵn sàng đi vào những nơi khó khăn, hiểm nguy để san sẻ, chung tay, cống hiến là những hình ảnh đẹp nhất và gây xúc động mạnh nhất.
Ở đây, Vienna vừa trải qua một tuần khó khăn và nhiều cảm xúc khi dịch bệnh tăng cao nhanh và vụ xả súng điên rồ của một kẻ cuồng IS ở trung tâm thành phố. Trong những giờ phút bất an nhất thì câu chuyện về những con người sẵn sàng rủi ro tính mạng của mình để trợ giúp người bị nạn đã mang lại niềm tin thật ấm áp và tốt đẹp vào sự nhân văn và lòng trắc ẩn của con người.
Đó là chàng trai người Palestine làm ở quán ăn nhanh cạnh nơi xảy ra xả súng đã chạy ra giúp một cảnh sát bị thương cầm máu rồi cảnh báo cho lực lượng cảnh sát và ngay cả khi tiếng súng chưa dứt, chàng trai này vẫn phụ giúp đưa người cảnh sát bị thương lên xe cứu thương.
Đó là hai cậu bạn người Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp đỡ một người phụ nữ lớn tuổi vào nơi an toàn và vì thế mà một chàng trai đã bị bắn thương vào chân, sau đó lại tiếp tục giúp đỡ người cảnh sát bị thương.
Đó là tiếng hét vào kẻ sát nhân từ một balkon 'Schleich di, du Oaschloch!' (Cút đi, đồ cặn bã!) được ghi lại từ một video, sau đó đã được coi như là một phiên bản "Je suis Charlie" của Áo (slogan được biết đến sau vụ tấn công vào tòa sạn báo Charlie Hebdo ở Pháp năm 2015), như một câu cảm thán ở mức độ nào đó thể hiện sự đoàn kết của người Áo sau vụ tấn công.
Đó là những người lái taxi chở những người lánh nạn miễn phí về nhà. Là những khách sạn và nhà dân mở cửa cho những người kẹt lại ở trung tâm trú qua đêm. Và còn nhiều con người khác nữa....
Ngay sau khi vụ tấn công xảy ra, cảnh sát đã kêu gọi mọi người không đưa bất kỳ video nào có cảnh bắn súng của vụ khủng bố lên mạng xã hội mà hãy gửi cho cảnh sát theo một đường link. Tên và ảnh của kẻ sát nhân không xuất hiện trên phương tiện truyền thông vì đất nước hiền hòa này không muốn ai nhớ đến tên của hắn hay những kẻ điên rồ khác (nếu có) tôn sùng kẻ khủng bố. Đó cũng là sự nhân đạo đối với kẻ gây tội ác để hắn bớt chịu đựng sự nguyền rủa.
Lễ cầu nguyện cho 4 nạn nhân và cả tên sát nhân (5 ngọn nến) đã diễn ra ở nhà thờ lớn Stephansdom với sự có mặt của những người đứng đầu các tôn giáo ở Áo, tổng thống và toàn bộ nội các Chính phủ. Cả nước đã để quốc tang 3 ngày với 1 phút mặc niệm các nạn nhân. Các học sinh phổ thông cũng có phút mặc niệm các nạn nhân khi trở lại trường sau vụ tấn công.
Tất cả những điều nhân văn này đã giúp Vienna trở lại bình thường ngay một ngày sau vụ tấn công và mang lại cho mọi người niềm tin vào những giá trị tốt đẹp. Vienna vẫn luôn là thành phố rất thanh bình, đáng yêu, đáng sống và rất nhân văn.
Châu Âu vẫn đang phải đối mặt với dịch bệnh tăng nhanh, cả nước Áo đã ở mức báo động đỏ. Chàng trai sắp 11 tuổi của chúng tôi hôm trước nói, nếu con bị nghi lây nhiễm từ bạn thì con sẽ cách ly trong phòng để tránh lây cho ba mẹ, nhưng ngược lại nếu ba mẹ phải cách ly để không lây cho con thì con sẽ không sợ, vẫn ôm hôn mẹ vì 'love' sẽ thắng virus.
Giá mà có vaccine mang tên tình yêu để mang lại bình an cho cả thế giới này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.