Nợ xấu tăng vọt, kỷ lục ngân hàng “chật vật” hơn 40 lần rao bán một khoản nợ

Huyền Anh Thứ bảy, ngày 09/10/2021 09:48 AM (GMT+7)
Báo động “sức khỏe” ngân hàng khi tỷ lệ nợ xấu nếu tính cả nợ cơ cấu dự kiến xấp xỉ 8% trong năm 2021. Nhiều ngân hàng tích cực rao bán tài sản để thu hồi nợ nhưng chật vật, thậm chí có những khoản nợ rao bán tới hơn 40 lần vẫn “ế”.
Bình luận 0

Báo động "sức khỏe" ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tiềm ẩn có thể lên tới gần 8%

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 6/2021, nếu tính cả nợ cơ cấu, nợ xấu đã lên tới 7,21%.

Cụ thể, nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu là 3,66%, trong đó tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,73% (cuối năm 2020 là 1,69%).

Nếu tính cả các khoản nợ không bị chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì tỷ lệ này là 7,21%. Cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu này chỉ ở mức 5,08%.

Ngân hàng “chật vật” xuống nước, kỷ lục hơn 40 lần rao bán một khoản nợ  - Ảnh 1.

Tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng (%) - nợ xấu nội bảng. (Ảnh: LT)

Chia sẻ với PV Dân Việt, Phó Tổng giám đốc của một ngân hàng thừa nhận, nợ xấu đang tăng rất nhanh (bao gồm cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn). Con số 7,21% của hệ thống mới chỉ tính đến hết tháng 6, trong khi đó giai đoạn khó khăn nhất kể từ đầu năm đến nay lại rơi vào 3 tháng của quý III/2021. Như vậy, nếu tính cả 3 tháng gần nhất, con số nợ xấu cao hơn nhiều.

Tại ngân hàng, ảnh hưởng của Covid-19 đến ngân hàng là rất rõ ràng, đặc biệt về tốc độ tăng trưởng tín dụng, nợ xấu… Các khách hàng đang có dư nợ tại ngân hàng đang bị ảnh hưởng nặng nề, khả năng trả nợ khó khăn. Tỷ lệ nợ xấu tăng trong năm nay là khó tránh khỏi.

Ngân hàng “chật vật” xuống nước, kỷ lục hơn 40 lần rao bán một khoản nợ  - Ảnh 2.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tiềm ẩn và nợ cơ cấu có thể lên xấp xỉ 8% cuối năm nay. (Ảnh: BID)

Trước đó, tại phiên thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành mới đây, Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, mục tiêu đặt ra đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng nợ xấu tiềm ẩn về dưới 3%/tổng dư nợ. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, tỷ lệ này vẫn trên 3%.

Phó Thống đốc lý giải, nếu không có tác động của đại dịch, ngành ngân hàng chắc chắn đã hoàn thành mục tiêu tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% tổng dư nợ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp khó khăn thì đương nhiên nợ xấu sẽ tăng.

Theo đánh giá của Phó Thống đốc, xu hướng nợ xấu sẽ tiếp tục tăng và tác động sang cả năm 2022 do độ trễ của các tác động từ đại dịch. Dự kiến, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu tiềm ẩn và nợ đã cơ cấu, tỷ lệ nợ xấu của cuối năm nay sẽ xấp xỉ 8%.

Làm gì để xử lý nợ xấu?

Để tránh một "cú sốc" nợ xấu trong những năm tới, các ngân hàng rầm rộ rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ ngay cả trong khoảng thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, việc thanh lý tài sản cũng không hề dễ dàng với các ngân hàng. Thậm chí, nhiều tài sản ngân hàng "xuống nước" đại hạ giá vẫn không có người mua.

Đơn cử như tại BIDV, từ đầu năm đến nay đã có tới 5 lần rao bán khoản nợ 1.035 tỷ đồng của Công ty CP Tập Đoàn Khải Vy. Trong 4 lần rao bán trước, dù đại hạ giá nhưng vẫn bị nhà đầu tư "ngó lơ". Lần rao bán này, giá khởi điểm mà BIDV đưa ra chỉ còn chưa tới 70% giá trị khoản nợ.

Tại VietinBank, 6 lần rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Xuất nhập khẩu Cát Tường với mức giá ra bán lần này giảm 20 tỷ so với lần đầu.

Thậm chí, có những khoản nợ được BIDV rao bán tới hơn 40 lần nhưng vẫn bất thành.

Tình trạng này cũng xảy ra với nhiều ngân hàng khác như Sacombank, VIB, VietcomBank,…

"Dồn dập rao bán nợ cho thấy áp lực trên vai các ngân hàng rất lớn. Những khoản nợ có tài sản đảm bảo "ngon" sẽ được ngân hàng xử lý một cách dễ dàng, nhưng số lượng này lại rất ít. Trong khi đó, những khoản nợ quy mô lớn dù giảm giá mạnh cũng khó bán vì thường những khoản nợ này phức tạp và đòi hỏi người mua phải có tiềm lực tài chính mạnh", TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng nói với PV Dân Việt.

Trong khi việc xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ tại các ngân hàng còn chật vật, ngân hàng "rung chuông" báo động về nợ xấu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, trong một số ít trường hợp có khả năng sử dụng một số nguồn lực nhà nước nhất định để thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem