Nơi gái mại dâm phải nộp thuế VAT như người trình diễn nghệ thuật

Trà My - Tổng hợp Thứ hai, ngày 02/04/2018 18:55 PM (GMT+7)
Là một trong những quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa mại dâm, Hà Lan có nhiều quy định chặt chẽ để quản lý ngành nghề gây nhiều tranh cãi này.
Bình luận 0

img

Hà Lan là một trong những quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa mại dâm

Tại buổi hội thảo về xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại Hà Nội ngày 28.3 vừa qua, Tiến sĩ Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) đã nêu quan điểm: Xây dựng luật cần hướng tới công nhận mại dâm là một nghề, với các khu hoạt động riêng biệt như các nước đang làm.

Quan điểm của ông Đạt làm dấy lên cuộc tranh luận không mới nhưng cũng không cũ: có nên coi mại dâm là một nghề?

Thực tế, trên thế giới, nhiều quốc gia đã công nhận mại dâm là hoạt động hợp pháp. Nhưng đồng thời, những nước này cũng đưa ra quy định chặt chẽ nhằm hạn chế tối đa các tệ nạn như buôn người, mại dâm trẻ em…

Hà Lan là một trong những quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa mại dâm với khu phố đèn đỏ nổi tiếng ở thủ đô Amsterdam.

Theo báo cáo về mại dâm của tổ chức phi lợi nhuận ProCon có trụ sở tại Mỹ, mại dâm chính thức được hợp pháp hóa ở Hà Lan từ tháng 10 năm 2000. Theo luật pháp nước này, người làm mại dâm phải trên 18 tuổi và khách hàng mua dâm phải trên 16 tuổi.

Các nhà thổ cũng được phép hoạt động hợp pháp ở quốc gia châu Âu này. Tuy nhiên, chủ nhà thổ phải được cấp phép chứng nhận rằng họ đảm bảo mọi yêu cầu pháp lý để vận hành.

Ngoài ra, hoạt động “má mì” hay môi giới cũng được cho phép. Nói cách khác, các má mì được phép làm việc cùng gái mại dâm và kiếm lời từ thu nhập của họ, miễn sao hành vi này không ép buộc.

Chính quyền Hà Lan coi gái mại dâm như ngành nghề hợp pháp. Họ phải đăng ký với các nhà chức trách, có quyền và nghĩa vụ giống như tất cả lao động khác.

img

Mại dâm chính thức được hợp pháp hóa ở Hà Lan từ tháng 10 năm 2000

Người làm mại dâm, bất kể nam hay nữ, đều phải nộp tờ khai thuế thu nhập và nộp thuế. Năm 2007, tòa án ở Hà Lan quy định thuế giá trị gia tăng (VAT) mà gái mại dâm hay vũ công thoát y phải nộp là 6%, tương đương với những người trình diễn nghệ thuật nói chung. Trong khi đó, các ngành dịch vụ khác ở Hà Lan phải nộp VAT 19%.

Với những quy định này, chính quyền Hà Lan mong muốn có thể quản lý mại dâm, bảo vệ trẻ vị thành niên, dẹp bỏ nạn ép buộc và lạm dụng gái mại dâm, buôn người…

Kiểm soát thế nào?

Cảnh sát, hội đồng thành phố và các cơ quan y tế là những đơn vị chính thực thi luật về mại dâm ở Hà Lan.

Cảnh sát thường xuyên kiểm soát các cơ sở mại dâm để xác minh rằng trẻ vị thành niên hoặc người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp không làm việc ở đây. Ngoài ra, lực lượng này cũng kiểm tra xem cơ sở mại dâm có gây phiền toái cho khu vực xung quanh hay không. Nếu có, đây có thể là lý do từ chối cấp giấy phép.

Đặc biệt, những hành vi vi phạm như cho trẻ vị thành niên bán dâm có thể khiến cơ sở bị đóng cửa. Năm 2007, thành phố Amsterdam đã thu hồi giấy phép của 30 doanh nghiệp mại dâm vì vi phạm luật hiện hành.

Hà Lan cũng là một trong những nơi cung cấp nhiều hỗ trợ cho người làm việc trong ngành mại dâm.

img

Hà Lan cũng là một trong những nơi cung cấp nhiều hỗ trợ cho người làm việc trong ngành mại dâm.

Các cơ quan y tế ở Hà Lan thường khám miễn phí hoặc giá rẻ các bệnh lây qua đường tình dục cho gái mại dâm, theo trang Amsterdam.info.

Hơn nữa, nhiều tổ chức cũng được thành lập nhằm bảo vệ và giúp đỡ gái mại dâm, ví dụ như The Red Thread (Sợi Chỉ Đỏ) hay Prostitution Information Center (Trung Tâm Thông tin Mại dâm) - những nơi do chính gái mại dâm thành lập. Quỹ AMOC and Rainbow cũng đã ra đời nhằm giúp những người làm mại dâm có vấn đề về ma túy.

Vấn đề tồn đọng

Giống như nhiều quốc gia hợp pháp hóa mại dâm khác, Hà Lan đã và đang phải đối mặt với nhiều tệ nạn nhức nhối.

Một trong những tệ nạn đáng lo ngại nhất là buôn người. Việc hợp pháp hóa mại dâm thường đi kèm với nhu cầu mua dâm gia tăng, điều có thể làm trầm trọng thêm nạn buôn người. Báo IB Times từng trích số liệu của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) cho biết thủ đô Amsterdam của Hà Lan là một trong những nơi có nạn buôn người tồi tệ nhất thế giới.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, cảnh sát nhận được nhiều thông tin về các băng đảng có tổ chức ép buộc nhiều người làm mại dâm ở Amsterdam. Nhiều người đàn ông đã “lừa tình” các cô gái trẻ, ép họ làm mại dâm trái ý muốn. Thậm chí, một số chủ nhà thổ bị cáo buộc bắt tay với các tổ chức tội phạm, những người muốn sử dụng khu phố đèn đỏ để rửa tiền.

img

Việc hợp pháp hóa mại dâm thường đi kèm với nhu cầu mua dâm gia tăng, điều có thể làm trầm trọng thêm nạn buôn người.

Mặc dù được coi là nghề hợp pháp, nhiều gại mại dâm ở Hà Lan vẫn bị tấn công và lạm dụng.  Theo trang Amsterdam-advisor, ngày 20.2.2009, một gái mại dâm 19 tuổi đã bị đâm đến chết trong “phòng làm việc” trong nhà thổ ở phố đèn đỏ. Và đây là vụ giết gái mại dâm thứ 13 tính từ năm 1990 ở Amsterdam.

Tại Hà Lan, hầu hết các “phòng làm việc” đều có biện pháp bảo vệ nhất định, như việc gái mại dâm có thể bấm nút khẩn cấp nếu bị đe dọa. Nhưng trong môi trường như thế này, điều tồi tệ nhất vẫn có thể xảy ra, theo trang Amsterdam-advisor.

Địa ngục trần gian của gái mại dâm ở Hà Lan

Những số phận bất hạnh ở khu phố đèn đỏ nổi tiếng nhất thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem