Nếu theo dõi nhiều bộ phim truyền hình Việt trong vài năm trở lại đây, khán giả sẽ dễ dàng nhận ra xu thế mới đó là việc thu âm đồng bộ (trực tiếp) lời thoại của các diễn viên tại hiện trường thay vì phải lồng tiếng như trước đây. Đây có thể nói là sự tiến bộ vượt bậc của nhà sản xuất để đem đến cho người xem cảm giác gần gũi, chân thực nhất.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải khẳng định trong buổi họp báo phim Người phán xử cách đây không lâu: “Phim Người phán xử thu tiếng đồng bộ, một tiêu chuẩn mà thế giới đã thực hiện từ lâu, nhưng với phim truyền hình Việt thì lâu lâu mới có”.
Người phán xử là bộ phim thu tiếng đồng bộ 100%.
Vì sao phải thu tiếng đồng bộ?
Suốt nhiều năm liền, phim truyền hình Việt đều áp dụng công nghệ lồng tiếng. Những nghệ sĩ gạo cội, có giọng chuẩn thường được ekip mời lồng tiếng cho nhiều bộ phim. Ấy thế mới xuất hiện tình trạng giọng của NSND Trung Hiếu có thể có thể phát ra từ nhiều nhân vật do các diễn viên nam khác như Danh Tùng, Anh Đức,… thủ vai. Hoặc cố NSƯT Duy Thanh cũng vậy, ông từng lồng tiếng cho rất nhiều nhân vật.
Nguyên nhân của việc một nghệ sĩ lồng tiếng cho nhiều phim là bởi hiện nay có quá ít ekip lồng tiếng phim Việt.
Theo đạo diễn Khải Hưng thì thị trường lồng tiếng phim Việt ở miền Bắc hiện nay chỉ có 5 kíp lồng tiếng với khoảng 40 diễn viên lồng tiếng. Đối với phim truyền hình miền Nam, con số đó cũng không hơn bao nhiêu. Vì quá ít ỏi về số lượng diễn viên lồng tiếng nên không tránh được việc khán giả nhàm chán.
“Vừa mở VTV1 ra thấy NSND Lan Hương lồng tiếng vai Chủ tịch Tỉnh rồi bật VTV3 ra lại tiếp tục nghe tiếng của chị Lan Hương vào vai một bà bán cá. Đôi khi chúng ta lẫn từ phim nọ sang phim kia cũng bởi nhân vật lồng tiếng. Đó là một thiệt thòi lớn đối với những người làm phim”, NSND Khải Hưng nói.
Lồng tiếng là nhược điểm cố hữu nhiều năm của phim truyền hình Việt.
Kỹ thuật lồng tiếng rõ ràng có lợi thế nhất định khi giúp ekip sản xuất chủ động được giọng của nhân vật, tránh những yếu tố tác động ngoại cảnh. Tuy nhiên, nhược điểm của nó vô cùng lớn.
Theo một số diễn viên chia sẻ, công nghệ lồng tiếng khiến tiếng thoại trong phim nhiều khi rất kịch bởi người lồng tiếng không trực tiếp tham gia vào tình huống phim, họ không thể có biểu cảm và giọng hợp với tình huống đó.
Theo lời đạo diễn Việt Linh: “Dù điêu luyện đến đâu, hiệu quả lồng tiếng vẫn không thể bằng thu tiếng đồng bộ. Nó thiếu sự tươi tắn, sống động, tinh tế của âm thanh đời sống, người xem vẫn có cảm giác “giả”. Do vậy điện ảnh tiên tiến trên thế giới dường như không còn tiếng động tái tạo”.
Trong khi đó, NSND Khải Hưng cũng khẳng định công nghệ lồng tiếng giờ đã hết sức lạc hậu trên thế giới: “Chẳng có nước nào trên thế giới này còn làm phim kiểu lồng tiếng nữa cả nhưng chúng ta vẫn phải làm vì chúng ta làm gì có trường quay. Chúng ta chưa có một trường quay giống như trường quay ở Hoành Điếm, ở Thượng Hải, ở Hollywood... để có thể có một môi trường âm thanh tốt mà thu tiếng trực tiếp từ diễn viên khi quay phim.
Cái câu “Chúng ta không có trường quay” là câu tôi nói thường xuyên trong các hội nghị của Đài Truyền hình Việt Nam cách đây 30 năm chứ không phải bây giờ mới nói”.
Yêu cầu cao dành cho diễn viên
Vài năm trở lại đây, khi công nghệ lồng tiếng đã trở nên lạc hâu, các phim truyền hình Việt bắt đầu áp dụng công nghệ thu âm trực tiếp tại hiện trường. Theo nhiều người làm chuyên môn thì việc thu hình và tiếng trực tiếp là công nghệ làm phim của nhiều nước phát triển trên thế giới nhiều năm nay.
Với công nghệ này, khán giả cũng có cơ hội được nghe giọng nói thật của tất cả các diễn viên tham gia bộ phim và đương nhiên, nó sẽ chân thực, biểu cảm ơn nhiều so với lồng tiếng
Tuy nhiên, kĩ thuật này đòi hỏi yêu cầu cao dành cho ekip sản xuất, diễn viên. NSND Hoàng Dũng – gương mặt gạo cội của sân khấu kịch và truyền hình Việt Nam nhận định: “Mỗi diễn viên có một cái “e”, một đặc điểm riêng trong chất giọng. Khi thoại trực tiếp mà không nắm được cái “e” của nhau thì chắc chắn lời đối thoại không thể thành công và ấn tượng được”.
"Gió qua miền tối sáng" là bộ phim thu âm đồng bộ đầu tiên của truyền hình Việt.
Tuy nhiên ông trùm của Người phán xử ủng hộ hoàn toàn công nghệ thu âm trực tiếp: “Tôi đã lồng tiếng cho rất nhiều bộ phim với các dạng vai khác nhau. Tôi nghiệm ra một điều, diễn ở phim trường là chủ quan, lồng tiếng là khách quan. Vai diễn có thể sẽ không đạt chỉ vì khách quan. Chính tôi lồng tiếng cho vai của tôi, nhiều khi còn không khớp chứ chưa nói đến người khác lồng cho mình. Do vậy, thu âm đồng bộ là một xu thế tốt".
Trong khi đó, NSND Lan Hương cũng cho rằng thu âm đồng bộ là xu thế không thể đảo ngược: “Khi lồng tiếng vai do chính mình đóng, tôi cũng thấy rằng chỉ chuyển tải được 80%. Tuy nhiên, để thu đồng bộ thì cần có trường quay hiện đại, bối cảnh yên tĩnh thì tiếng thu mới hiệu quả.
Công nghệ này thế giới có rất lâu rồi nhưng Việt Nam gần đây mới bắt đầu có. Trong điều kiện chưa thể thu đồng bộ hoàn toàn thì bắt buộc vẫn phải cần đến lồng tiếng".
Tuy nhiên, thu âm trực tiếp đòi hỏi rất cao ở các diễn viên. Có nhiều người diễn xuất rất tốt, ngoại hình lý tưởng nhưng đạo diễn đành ngậm ngùi không giao vai chỉ vì tiếng nói ngọng, không chuẩn. Nếu như phim lồng tiếng thì chắc chắn họ đã được nhận vai.
Trong trailer tập 16 của Người phán xử, nếu như giọng của Phan Hải rất ấn tượng thì hai diễn viên phụ đều chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về giọng thoại
Chính vì thế, để được nhận vai những bộ phim thu âm trực tiếp, yêu cầu cao nhất của các diễn viên là giọng nói và nghệ thuật đài từ. Nếu như người xem theo dõi Người phán xử, có thể thấy những diễn viên chuyên nghiệp như Hồng Đăng, Hoàng Dũng, Thanh Quý,… đều có giọng thoại rất ổn. Tuy nhiên, với những diễn viên phụ, quần chúng, lời thoại của họ đều cần thời gian hướng dẫn.
Bên cạnh giọng nói là một yêu cầu cao, yếu tố ngoại cảnh cũng khiến đoàn làm phim gặp nhiều khó khăn. Với những cảnh quay ở ngoài trời, yếu tố thời tiết có tác động rất mạnh. Những lúc trời mưa, tiếng mưa rơi tí tách là kẻ thù của cả đoàn phim. Bên cạnh đó, những âm thanh ngoại cảnh như tiếng chó sủa, tiếng cưa máy, sửa nhà,… cũng khiến đoàn phim gặp nhiều trở ngại.
Diễn viên Việt Anh từng chia sẻ, có cảnh quay mọi thứ đang rất ngon ơ thì bỗng có tiếng chó sủa xung quanh đó, thế là cảnh quay lại phải làm lại từ đầu. “Có khi phải đến 10 lần cho một cảnh ấy chứ”, anh cười chia sẻ.
Diễn viên Thanh Bi thì chia sẻ, cô và Việt Anh phải đóng đi đóng lại những cảnh nóng với nhau rất nhiều lần. Tuy nhiên, nguyên nhân không phải là do cả hai ngượng ngịu hay đóng không đạt mà bởi nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động. “Mỗi cảnh quay đều có hai đến ba máy quay để bắt các góc khác nhau. Ngoài ra, còn tiếng động hiện trường, ngoại cảnh làm chúng tôi phải quay đi quay lại rất nhiều lần”.
Ngoài "Người phán xử" là bộ phim thu âm trực tiếp, cách đây vài năm, VTV có bộ phim Mưa bóng mây. Còn nhiều phim khác như Hôn nhân trong ngõ hẹp, Tuổi thanh xuân đều lồng tiếng.
Đoàn phim Mùi ngò gai từng chia sẻ kỉ niệm nhớ đời khi quay thác Giang Điền – Đồng Nai. Đoàn phim đã tính là tiếng thác reo ở đây sẽ âm thanh lí tưởng cho đôi tinh nhân tâm sự. Tuy nhiên khi cảnh quay diễn ra thì tiếng ve bắt đầu râm ran… bất tận!” Cả đoàn phải chia nhau ném sỏi lên cây để các chú ve im lặng, khi hiện trường im lặng đoàn phim vừa bấm máy thì các chú ve lại tiếp tục kêu. Cuối cùng, các đạo diễn phải cử các anh bảo vệ hiện trường leo lên cây rung liên tục để ve sợ mà đừng… kêu!
Hơn một nghìn đô cho một bài đăng trên Facebook, dàn diễn viên Sống chung với mẹ chồng “đổi đời“ sau khi phim hot.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.