Nói “không” với phong bì: Nói dễ, làm mới khó

Thứ sáu, ngày 14/10/2011 06:18 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đã hơn một tuần sau khi 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội ký cam kết nhân viên y tế phải hoà nhã với bệnh nhân, không được nhận phong bì - nhưng thực tế có làm được không vẫn là câu hỏi khó trả lời.
Bình luận 0

Khó nói “không”

“Chẳng biết bác sĩ có nói “không” được không chứ chúng tôi không đưa phong bì thì không yên tâm. Giờ vào viện không có tiền là chết”- bà Nguyễn Thị H (Sóc Sơn, Hà Nội) ngồi vật vờ trên một manh chiếu mỏng, được trải ngay trên hành lang của BV Phụ sản T.Ư trả lời khi được hỏi về thông tin “nói không với phong bì”.

img
Một người nhà bệnh nhân đang chuẩn bị tiền để cảm ơn các bác sĩ. Ảnh chụp bằng điện thoại di động sáng 13.10, tại BV Phụ sản T.Ư.

Bà H cho biết, con dâu bà nhập viện hai hôm nay, đang truyền nước chờ đẻ. “Nhà tôi phải “thủ” sẵn một ít tiền cảm ơn bác sĩ. Chưa biết cháu nó đẻ thường hay mổ nên chưa biết bỏ nhiều hay ít. Nếu đẻ thường thì phong bì 500 nghìn đồng cho bác sĩ, còn nếu đẻ mổ thì bác sĩ 1 triệu, y tá hộ lý 500”- bà H nói thẳng.

Không riêng gì tại BV Phụ sản Hà Nội, tại BV Bạch Mai, tình trạng người nhà “cảm ơn” các bác sĩ cũng khá phổ biến. Ngập ngừng một lúc, người nhà bệnh nhân Nguyễn Văn C, suy thận độ 4, đang cấp cứu tại BV Bạch Mai cho hay: “Bác tôi mới cấp cứu 3 ngày mà đã phải chi hơn chục triệu đồng. Riêng tiền cảm ơn bác sĩ cũng đã hết 1/3. Cũng may bác có BHYT chứ không thì đành chịu chết”.

Có một thực tế, hơn 90% người nhà bệnh nhân được hỏi đều phàn nàn về chuyện đưa phong bì. Thế nhưng, tất cả họ đều cho rằng việc đưa phong bì khiến họ yên tâm hơn vào y đức và lòng nhiệt tình của các bác sĩ khi chăm sóc cho người nhà mình.

… khó xử lý chuyện “cảm ơn”

Thực tế này cho thấy, việc phát động cam kết “nói không với phong bì” khó có thể thực hiện được một phía (bác sĩ, nhân viên y tế) mà phải “đả thông tư tưởng” cho cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Ngày 10.10, chị Kim Thoa (Cầu Giấy, Hà Nội) đưa bố vào điều trị và thực hiện phẫu thuật tại khoa Tim mạch, BV Bạch Mai. Lúc kíp mổ hoàn thành nhiệm vụ, bố chị được phẫu thuật thành công, gia đình rất vui mừng nên cũng đã bỏ phong bì cảm ơn các bác sĩ. “Lúc đầu các bác sĩ cũng từ chối, nhưng vì gia đình thực lòng muốn cảm ơn nên sau đó kíp mổ cũng nhận”.

Thế nhưng, ranh giới giữa “cảm ơn” và “ép buộc” khá mỏng manh. Chị Nguyễn Thị Kim (Ngã Tư Sở, Hà Nội) đang ngồi trông cô em dâu nằm khoa Đẻ (BV Phụ sản T.Ư) thì cho rằng đã vào bệnh viện, không nhiều thì ít, kiểu gì cũng phải có ít tiền cho bác sĩ, nhân viên y tế. Tiền lệ này ăn sâu tới mức nhiều y tá, hộ lý quen cầm tiền, không có thì không làm việc nhiệt tình.

img Trong điều kiện đời sống các bác sĩ chưa được nâng cao thì chuyện nhận phong bì để cải thiện cũng là dễ hiểu. Dù cam kết không nhận phong bì nhưng nếu bệnh nhân cứ nhiệt tình cảm ơn thì bác sĩ cũng không “nỡ” từ chối. Vì thế muốn bác sĩ không nhận phong bì thì trước hết người dân phải không đưa phong bì. img

Bác sĩ Đỗ Trung Cấp - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Quốc gia.

Chị Kim cho hay, chị đã đi khám rồi đưa người nhà đi chữa bệnh cả chục lần ở các bệnh viện lớn. “Thế nhưng, duy nhất một lần một bác sĩ BV Việt - Đức từ chối nhận phong bì. Những bác sĩ như thế giờ chắc chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay” - chị Kim khẳng định.

Khi được hỏi về chương trình cam kết thực hiện thí điểm về nâng cao y đức, PGS-TS Nguyễn Viết Tiến - Giám đốc BV Phụ sản T.Ư cho hay: "Đúng là nói thì dễ mà làm thì khó. Tuy nhiên, lần cam kết này BV Phụ sản T.Ư sẽ thực hiện nghiêm túc chứ không mang tính hình thức. Không riêng việc nhận phong bì, ngay cả văn hoá trong giao tiếp với bệnh nhân cũng được quán triệt tới từng bác sĩ”.

Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho rằng việc cán bộ y tế chủ động vòi vĩnh thì đương nhiên là cấm và xử lý nghiêm khắc, nhưng trong trường hợp người nhà bệnh nhân cảm kích mà đưa phong bì để cảm ơn thì cũng rất khó mà xử lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem