Nỗi niềm trước “cửa tử”

Thứ năm, ngày 27/02/2014 07:08 AM (GMT+7)
Đằng sau niềm vui của bệnh nhân khi ra viện, đã có biết bao mồ hôi, nước mắt, nỗi lo lắng cực nhọc và cả phơi nhiễm bệnh tật mà bác sĩ phải hứng chịu, đặc biệt là bác sĩ phẫu thuật.
Bình luận 0
Trống rỗng khi không cứu được bệnh nhân

“Sau một ca mổ 4-8 tiếng, bệnh nhân được cứu chỉ cần nở nụ cười là tôi thấy mệt nhọc tan biến. Nhưng không cứu được bệnh nhân, tôi cảm thấy kiệt quệ, trống rỗng thể xác và tinh thần. Thấy dường như mọi sự cố gắng của mình sao vô nghĩa quá” – tiến sĩ, bác sĩ phẫu thuật Dương Đức Hùng – Trưởng đơn vị Phẫu thuật tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai) tâm sự.

Bác sĩ Hùng đã 20 năm theo nghiệp mổ xẻ. Mà mổ tim thì sống - chết chỉ trong gang tấc, bệnh nhân được cứu cũng nhiều mà “ra đi” cũng không ít. Gần đây, anh vừa cứu được một thanh niên ở Bắc Ninh mới gần 30 tuổi, bị nhiễm trùng tim rất nặng, nguy cơ tử vong rất lớn.

Bác sĩ Dương Đức Hùng (giữa) trong một ca mổ tim khó.
Bác sĩ Dương Đức Hùng (giữa) trong một ca mổ tim khó.

Theo bác sĩ Hùng, nhiễm trùng tim là ca mổ hết sức phức tạp, tỷ lệ tử vong rất lớn. Ngay cả ở các nước tiên tiến, tỷ lệ mổ nhiễm trùng tim thành công cũng rất ít. Trong những trường hợp như vậy, không ít bác sĩ đã phải từ chối mổ vì không muốn bệnh nhân chết trên bàn mổ. Nhưng người mẹ của thanh niên đó đã nắm chặt tay bác sĩ Hùng, nói một cách tuyệt vọng: “Cháu nó còn có hai đứa con nhỏ, xin bác sĩ cứu cháu”. Chỉ vì đôi bàn tay níu lấy mình như tìm phao cứu sinh, bác sĩ Hùng đã quyết định mổ. Ca mổ kéo dài 4 tiếng, hết sức căng thẳng.

“Bệnh nhân sống, người nhà mừng nhưng họ không thể hiểu được mức độ phức tạp của ca mổ, không biết đến những khoảnh khắc mình đã đấu tranh với thần chết để giành giật lại sự sống. Ngày bệnh nhân ra viện, nhìn cảnh gia đình họ mừng tủi đoàn tụ, tôi thấy thật thanh thản và cảm thấy sự tồn tại của mình có ý nghĩa với cuộc đời này. Bệnh nhân được cứu sống, người mẹ không mất con, người vợ không góa bụa, hai đứa trẻ không mồ côi” – bác sĩ Hùng tâm sự.

Ca mổ tim mà anh Hùng mổ lâu nhất là 14-15 tiếng, bệnh nhân vỡ toàn bộ mạch chủ, phải nối từng động mạch. Nhưng đồng nghiệp của anh đã có người mổ đến 24-25 tiếng, từ 20 giờ tối hôm trước đến 21 giờ tối hôm sau mới xong. Sau ca mổ kỷ lục đó, bác sĩ gây mê ngất tại phòng mổ, bác sĩ phẫu thuật kiệt sức suốt 3 ngày. Thế nhưng, số bệnh nhân tim mạch ngày càng gia tăng, danh sách bệnh nhân chờ mổ nối dài tới cả 6 tháng, đặc biệt là bệnh nhân khu vực nông thôn, nên những bác sĩ tim mạch hầu như không có nhiều thời gian nghỉ ngơi.

Không thể nói hết được sự vất vả, căng thẳng của các bác sĩ khi ở phòng mổ, nhất là các ca nặng, vi phẫu, kéo dài. Thế nhưng, bên cạnh những lời cảm ơn, bác sĩ Hùng và đồng nghiệp còn thường xuyên bị người nhà thắc mắc, kiện cáo, đe dọa khi không cứu nổi bệnh nhân, gặp những nỗi oan uổng, sự oán trách không đáng có.

Kỹ thuật khó nhất, phụ cấp rẻ nhất

Thực tế, bác sĩ Hùng và các đồng nghiệp ở Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện thành công rất nhiều kỹ thuật mới mà ngay cả thế giới cũng khó làm được như: Mổ tim nội soi, phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành trong khi tim đang đập, không cần chạy tim phổi nhân tạo, lóc tách động mạch chủ, cứu sống các bệnh nhân viêm tim cấp, nhiễm trùng tim…


"Khi đã chọn nghề y, chúng tôi chọn việc cứu người chứ không ai chọn nghề y vì được đi nước ngoài, được nhận phong bì”.
Bác sĩ Dương Đức Hùng

Những ca mổ tim của Việt Nam được coi là “rẻ nhất thế giới” vì chi phí chỉ bằng 1/10-1/20 các ca mổ tim trên thế giới. Chỉ riêng ca phẫu thuật khi tim đang đập có chi phí khoảng 13 triệu đồng trong khi phẫu thuật ở Mỹ là 210 triệu đồng (10.000 USD). Bệnh nhân cũng chỉ phải nằm viện 2-3 ngày thay vì 5 ngày như trước.

Nhưng mỗi ca mổ tim, theo như chế độ dành cho bác sĩ mổ loại đặc biệt như hiện nay, bác sĩ Hùng chỉ nhận phụ cấp 105.000 đồng/ca, còn các bác sĩ phụ mổ, bác sĩ gây mê nhận vài chục ngàn đồng. Theo chính sách mới từ cuối năm 2013, phụ cấp mổ loại đặc biệt cho bác sĩ mổ đã nâng lên 280.000 đồng/ca. Tuy nhiên, các bệnh viện đều chưa có ngân sách trả nên vẫn chỉ “trợ cấp” theo mức cũ.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái – Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình hàm-mặt (Bệnh viện Việt Nam – Cuba) cũng đã gắn bó với nghề “dao kéo” hơn 20 năm. Anh thường xuyên đối mặt với các ca phẫu thuật kéo dài 4-6 tiếng với các thao tác tỉ mỉ như nối lại các mạch máu, dây thần kinh. Đã một vài lần vào phòng mổ, hầu như tôi đều không chịu nổi cảm giác hoa mắt, chóng mặt muốn ngất xỉu khi hít vào thuốc mê. Tuy nhiên, các bác sĩ lại coi đó như “chất gây nghiện”. Theo bác sĩ Thái, thuốc mê nếu ngấm vào gan sẽ phá hủy các tế bào gan, gây xơ gan và các bệnh ung thư khác. Ở Mỹ, các bác sĩ phẫu thuật cứ 6 tháng lại được kiểm tra tế bào gan một lần, còn các bác sĩ Việt Nam, nếu ai lo cho sức khỏe thì tự thân vận động.

Diệu Linh (Diệu Linh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem