|
Nông dân bị thiệt hại do Vedan xả thải bẩn ra sông Thị Vải đang mỏi mòn chờ được đền bù. Phạm Hải |
Hội Nông dân các địa phương đã tuyên bố kiên quyết kiện Vedan ra toà.
“Không thể thương lượng được nữa”
Chiều 28-6, lần đầu tiên Công ty Vedan Việt Nam gửi văn bản tới các cơ quan báo chí, “thanh minh” rằng số liệu thiệt hại mới nhất mà các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. HCM đưa ra là không đúng với con số mà Vedan và Viện Môi trường và Tài nguyên thống nhất.
Các con số thiệt hại, theo Vedan là quá cao và chưa có xác minh thực tế của các địa phương, vì vậy Vedan thấy phải “đính chính” lại, trong bối cảnh thời hạn giải quyết vụ việc bằng thoả thuận đang sắp hết (hạn cuối vào 30-6-2010).
Phản ứng trước hành động này của Vedan, ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch Hội ND TPHCM cho biết: Không phải đến bây giờ mới nói, mà tại nhiều cuộc họp trước đây để đàm phán thương lượng đền bù thiệt hại cho 839 hộ dân ở huyện Cần Giờ (TPHCM) do Vedan xả thải gây ra, ông Yang Kun Hsiang - Tổng Giám Công ty Vedan bác bỏ mức 45,7 tỷ đồng mà Hội ND thành phố đưa ra.
Ông Tổng Giám đốc cho rằng thiệt hại mà Vedan phải chịu như trên là quá cao so với tính toán riêng của Vedan cho nên Vedan đề nghị hỗ trợ 7 tỷ đồng. “Không thể đi theo con đường thương lượng được nữa” - ông Phụng nói.
Ông Phụng cho hay, đến thời điểm này các thủ tục khởi kiện Vedan ra toà đã được người bị thiệt hại, tổ chức Hội ND và một số cơ quan liên quan chuẩn bị đầy đủ. Tuy nhiên, UBND TP.HCM trong vài ngày nữa sẽ có văn bản gửi Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vedan đề nghị gặp trao đổi lần cuối cùng trước khi chính thức gửi đơn kiện. Nếu không đạt được kết quả khả quan tại lần gặp này, Hội ND huyện Cần Giờ sẽ thay mặt cho các nông dân bị thiệt hại kiện Vedan ra toà, chậm nhất trong tháng 7 tới.
Đòi công bằng ở toà án
Theo ông Trần Như Độ - Chủ tịch Hội ND tỉnh Đồng Nai, từ ngày 2-7 tới, Hội ND sẽ gặp gỡ các hộ dân tại 4 xã Phước Thái, Long Phước, Long Thọ và Phước An (thuộc hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch) để lấy ý kiến của họ về việc Vedan đưa ra mức hỗ trợ 15 tỷ đồng.
“Đây cũng là ý kiến chỉ đạo của Tỉnh uỷ Đồng Nai” - ông Độ cho biết. Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai từ tư vấn của Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã gửi văn bản yêu cầu Vedan bồi thường cho các hộ dân hơn 119,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vedan đã bác bỏ yêu cầu này và cho rằng theo tính toán riêng của mình thì thiệt hại của người dân tại Đồng Nai chỉ khoảng 8,4 tỷ đồng, và việc Vedan đã nâng mức hỗ trợ lên 15 tỷ đồng là thoả đáng.
Còn tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Đỗ Văn Thạch - Phó ban kê khai, xác định thiệt hại và giải quyết bồi thường thiệt hại do Vedan gây ra của tỉnh cho biết, ngày 30-7, Ban sẽ làm việc với UBND tỉnh và sau đó là tiếp tục các thủ tục kiện Vedan ra toà.
“Phải quyết liệt, không chấp nhận mức hỗ trợ 10 tỷ đồng như Vedan đưa ra, phải kiện ra toà đòi công bằng cho 1.255 hộ dân với số tiền hơn 53 tỷ đồng như xác định trên cơ sở khoa học của Viện Môi trường và Tài nguyên...” - ông Thạch nhấn mạnh.
Cao Thuyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.