Do nhu cầu mua heo tăng, cụ thể là từ phía Trung Quốc, giá heo bán ra tại trang trại ở Đồng Nai hiện đạt khoảng 52.000 đồng/kg, tăng 14.000 đồng/kg so với thời điểm trước tết.
Trại heo của anh Đinh Thiên Tứ vừa mới xây xong tại xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Ảnh: Trần Đáng
Một con heo thu lãi 1,5 triệu đồng
Theo chân một lái heo tại tỉnh Đồng Nai, chúng tôi tìm đến khu vực ấp Lạc Sơn (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất). Dọc bờ suối Ông Biện, thấp thoáng trong các vườn chôm chôm, bơ… là những chuồng heo mới toanh vừa mọc lên, có sức chứa từ vài trăm cho đến cả ngàn con heo. Thậm chí, có nông dân đã bỏ ra hàng tỷ đồng để xây một lúc 3 trại heo lạnh.
Trong một vườn cây ăn trái, anh Đinh Thiên Tứ đã cho hạ bớt một số cây để xây một chuồng heo có sức chứa 500 con heo thịt với kinh phí đầu tư khoảng nửa tỷ đồng. Hiện anh thả khoảng 200 trăm con heo giống vài tuần tuổi.
Theo anh Tứ, vào thời điểm này bán một con heo thịt nặng hơn 100kg lời khoảng 1,5 triệu đồng. Đây chính là hấp lực rất lớn lôi kéo nông dân Đồng Nai lao vào đầu tư mở chuồng, trại tăng đàn heo. “Tôi bỏ ra gần 500 triệu đồng để xây dựng chuồng nuôi heo. Với 500 con heo, sau 5 tháng nuôi, nếu giá bán vẫn giữ như hiện nay thì xem như lấy lại vốn” - anh Tứ tính.
Hấp lực giá heo “đẹp như mơ” không chỉ lôi kéo dân nuôi heo chuyên nghiệp mà còn cả những người chưa bao giờ biết chăn nuôi cũng đổ tiền đầu tư chuồng, trại, con giống. Anh Đinh Việt Thịnh – một luật sư đang hành nghề ở Đồng Nai cho biết, đã bỏ ra hơn 200 triệu đồng để xây một chuồng heo có sức chứa 200 con. Hiện chuồng heo vẫn trong quá trình hoàn thành.
Theo Phòng NNPTNT huyện Thống Nhất, ngoài xã Quang Trung còn có xã Lộ 25 đang là điểm “nóng” về việc nông dân đổ xô xây dựng chuồng, trại chăn nuôi heo. Nếu như ở xã Quang Trung, nông dân phần lớn tập trung xây những chuồng có sức chứa vài trăm con thì ở xã Lộ 25, nông dân tập trung xây dựng trại có sức chứa lớn để chăn nuôi heo gia công cho các công ty nước ngoài. Theo đó, tại xã Lộ 25 có khoảng 20 trang trại nuôi được lập mới, xã Quang Trung cũng có hàng chục chuồng heo mới được đầu tư.
"Không thể khống chế hay khuyên bảo nông dân ngừng xây dựng chuồng trại nhằm tăng đàn hay nuôi mới. Bây giờ bảo bà con nông dân không tăng đàn phòng heo rớt giá, nhưng nếu giá không rớt thì kẹt lắm. Hiện chúng tôi chỉ có thể khuyên bà con nên nuôi heo bền vững, cấp mã trại để tăng cường quản lý, truy xuất nguồn gốc heo...”.
Bà Nguyễn Thị Vân Phương
|
Hiện tổng đàn heo của huyện Thống Nhất đã đạt hơn 370.000 con, tăng gần 20% so với cùng kỳ. “Nguyên nhân tăng đàn heo mạnh là do những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016, giá heo hơi tăng khá cao nên nông dân có lợi nhuận” - bà Nguyễn Thị Vân Phương – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Thống Nhất nhận định.
Đi ngược quy luật?
Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tổng đàn heo của tỉnh ngấp nghé 1,6 triệu con. Việc tổng đàn heo tăng “nóng” trong thời gian qua khiến Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai phải đưa ra cảnh báo nông dân chăn nuôi heo đang đi ngược quy luật.
Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, khi heo được giá, nông dân vì thế mà ồ ạt tăng đàn là đi ngược quy luật. “Thực tế cho thấy, tăng đàn ồ ạt khi heo có giá thì đến khi có heo bán, nguồn cung dư thừa giá sẽ giảm. Các trang trại chăn nuôi heo chuyên nghiệp không làm kiểu này” - ông Đoán nói.
Cùng nhận định này, ông Phan Khắc Dũng – một thương lái mua heo thâm niên ở Đồng Nai cũng cho rằng, người chăn nuôi không nên lao theo thị trường khi heo được giá và bỏ vốn tăng đàn ồ ạt. Không ít lần, giá heo đang cao ngất ngưởng thì bỗng nhiên rơi tự do, khiến nhiều nông dân gần như phá sản. “Giá heo trong nước phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Khi họ giảm sản lượng thu mua thì giá heo sẽ rớt lập tức, trong khi đó thị trường nội địa không quyết định được giá heo” - ông Dũng cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.