Nông dân vừa giữ ruộng, vừa được tiền

Nghiêm Liên – Linh Chi (Trang Trại Việt) Thứ tư, ngày 21/10/2015 14:51 PM (GMT+7)
Cho doanh nghiệp (DN) thầu đất vừa được thu sản phẩm (100 – 120kg thóc/sào/năm), vừa có thể trở thành nhân công của DN, canh tác trên chính mảnh ruộng của mình với mức lương 100.000 – 150.000/ngày, những nông dân tham gia Dự án phát triển sản xuất mô hình giống lúa lai F1 tại Nam Định đang được hưởng “lợi nhuận kép”.
Bình luận 0

Bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG), các DN và đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con nông dân, Dự án khuyến nông về phát triển sản xuất giống lúa lai F1 đã gặt hái nhiều thành công.

Đôi bên cùng hưởng lợi

img

Đoàn đại biểu thăm mô hình sản xuất giống lúa lai F1 TH 3-3 của Công ty TNHH Cường Tân tại xã Trực Thái.

Tại Hội nghị đầu bờ Sơ kết tình hình sản xuất hạt giống lúa lai F1, duy trì sản xuất hạt giống bố mẹ năm 2015 tổ chức tại Nam Định mới đây, TSPhan Huy Thông – Giám đốc TTKNQG cho biết: Năm 2015, diện tích sản xuất giống lúa lai trên cả nước đạt hơn 2.050ha (tăng 17% so với năm 2014), sản lượng khoảng 6.000 tấn (tăng hơn 1.000 tấn so với năm 2014). Theo ông Thông, mặc dù thời tiết năm 2015 khá bất thuận cho việc sản xuất, tuy nhiên các đơn vị đã làm chủ công nghệ, chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật thích hợp nên các chỉ tiêu trong dự án đều đạt và vượt cao so với kế hoạch, góp phần tạo cơ sở để phát triển bền vững ngành lúa lai Việt Nam.

Ông Đỗ Hải Điền – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định chia sẻ: “Những năm trước, khi chưa có sự tham gia của DN, với cách làm cũ, việc sản xuất hạt giống lúa lai trên địa bàn cũng từng “nếm mùi” thất bại vì khó tiêu thụ, giá bán thấp. Sau một thời gian khủng hoảng về diện tích sản xuất cũng như công tác quản lý, từ năm 2008 đến nay, chương trình sản xuất giống lúa lai tại Nam Định lại được vực dậy với sự tham gia tích cực của DN”.

img

Ông Phan Huy Thông - Giám đốc TTKNQG phát biểu tại hội nghị.

Ví dụ điển hình cho mối liên kết này là mô hình sản xuất giống lúa lai F1 TH 3-3 của Công ty TNHH Cường Tân tại xã Trực Thái, huyện Trực Ninh (Nam Định). Theo đó, Công ty đã thuê lại của nông dân những khu đất trũng, điều kiện canh tác khó khăn với giá 50.000 - 60.000 đồng/sào/vụ, từ đó hình thành những cánh đồng tập trung với diện tích lớn. Ông Lâm Văn Chiểu – Phó Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân chia sẻ: "Chúng tôi đã liên kết được với 59 nhóm hộ nông dân để xây dựng 7 vùng sản xuất lúa lai F1, với tổng diện tích 370ha/vụ. Tại mô hình này, hiệu quả kinh tế được rải ra nhiều tầng. Người được DN giao khoán sản xuất hạt lúa lai F1 có diện tích tập trung để canh tác, họ sẵn sàng đầu tư cơ giới hoá để giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Còn Công ty có vùng nguyên liệu tập trung, có nguồn cung hạt giống tốt, đồng đều để kinh doanh thương mại”.

Trăn trở tìm giải pháp nhân rộng

Nông dân Hoàng Thị Huế, xóm 14, xã Trực Thái (huyện Trực Ninh, Nam Định) chia sẻ: “Gia đình tôi tham gia sản xuất giống lúa lai F1 đến nay đã được 10 vụ, với 8 mẫu ruộng, năng suất bình quân 1,2 tạ/sào, mỗi vụ tôi thu nhập hơn 200 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với trồng lúa thịt”.

img

Tham gia sản xuất giống lúa lai F1 TH 3-3, gia đình bà Hoàng Thị Huế xóm 14, xã Trực Thái, huyện Trực Ninh (Nam Định) có thu nhập tăng gấp 2 lần so với trước.

Bà Huế cũng cho biết, chăm sóc lúa giống đòi hỏi kỹ thuật khắt khe hơn lúa thịt, cần phải chính xác từng khâu. “Chúng tôi may mắn được cán bộ chỉ tay hướng dẫn từng giai đoạn. Ngay như việc khử lẫn, tôi cũng phải tiến hành nhiều lần trong một vụ để lọc thật kỹ những cây lúa lẫn, lúa không đủ tiêu chuẩn nhằm đảm bảo độ thuần chủng của hạt giống khi thu hoạch”.

Chưa bằng lòng với những kết quả dự án đã đạt được, tại hội nghị, ông Phan Huy Thông khẩn thiết đề nghị Bộ NNPTNT, các ban ngành ngồi lại cùng bàn luận, chia sẻ kinh nghiệm hơn là chỉ báo cáo thành tích để tìm ra những hạn chế, khó khăn, đưa ngành sản xuất giống lúa lai F1 phát triển bền vững. “Từ việc tăng sản xuất sẽ tăng nguồn cung cấp giống lúa trong nước, giảm tỉ lệ nhập khẩu từ Trung Quốc, Philippines,… đồng nghĩa với việc giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả canh tác và lợi nhuận cho nông dân” – ông Thông nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, so với các giống lúa lai nhập khẩu, giống lúa lai được sản xuất tại Việt Nam có rất nhiều ưu thế. Mặc dù giống ngoại được sản xuất trên công nghệ tiên tiến và có năng suất cao hơn giống nội, nhưng trên thực tế khí hậu Việt Nam có nhiều biến đổi phức tạp, giống lúa nội sẽ dễ thích nghi hơn, từ đó cho năng suất thực tế cao hơn. “Chừng nào còn biến đổi khí hậu thì chúng ta còn phải làm lúa lai. Vì lúa lai có nhiều ưu thế vượt trội và đặc biệt phù hợp với các điều kiện canh tác ở Việt Nam” – bà Trâm nói.

“Chương trình này phát triển là nhờ có sự hỗ trợ tích cực về kỹ thuật của TTKNQG, các nhà khoa học và 2 DN là Công ty TNHH Cường Tân, Công ty Giống cây trồng Nam Định trong chuỗi sản xuất. Đặc biệt là vai trò của DN trong việc tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất, bao tiêu sản phẩm cả đầu ra đầu vào... Nhờ tham gia dự án, nông dân có thu nhập tăng gấp 2,5 lần so với trước” – ông Đỗ Hải Điền – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem