Nóng: Việt Nam sắp công bố vaccine dịch tả lợn châu Phi

Trần Quang Thứ sáu, ngày 17/12/2021 06:00 AM (GMT+7)
Bộ NNPTNT đã có kết nối và giám sát việc sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) từ năm 2019, sang đến năm 2020 đã có kết quả và chuẩn bị công bố.
Bình luận 0

Hệ sinh thái nghiên cứu sản xuất vaccine đa dạng

Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, DTLCP xảy ra 100 năm nay tại nhiều nước trên thế giới nhưng đến giờ vẫn chưa có vaccine, thuốc chữa. Độc lực của loại virus này rất cao, đường lây truyền phức tạp.

 Việt Nam có quy mô đàn lợn rất lớn khoảng 28,02 triệu con, nên càng gặp nhiều khó khăn về áp lực phòng chống DTLCP.

Theo ông Tiến, khi phòng chống dịch, chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng nhưng thực tế vẫn có những vấn đề mới đặt ra. 

Vì thế Bộ NNPTNT cũng sẽ có điều chỉnh, nhất là điều chỉnh Quyết định 4527/QĐ-BNN-TY (về việc ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP) để sát thực tiễn hơn, nhất là việc tiêu hủy lợn bị dịch.

Việt Nam sắp công bố vaccine dịch tả lợn châu Phi  - Ảnh 1.

Cán bộ chuyên môn kiểm tra công cường độc sau khi tiêm vaccine thử nghiệm dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn tại Công ty NAVETCO. Ảnh: Trần Xuân Hạnh

Qua đánh giá 6 lô vaccine của NAVETCO sản xuất thử nghiệm đều đạt yêu cầu với 100% lợn tiêm vaccine được bảo hộ và 100% lợn đối chứng chết do virus DTLCP cường độc.

Đối với vấn đề nâng cao sức đề kháng, phòng chống DTLCP, Bộ cũng đã nâng cao công tác kiểm tra đánh giá tình hình thực tiễn để từ đó xây dựng được các mô hình an toàn sinh học để nâng cao sức đề kháng không bị DTLCP.

Mũi thứ 3 là tổ chức chăn nuôi an toàn sinh học theo quy mô trang trại và gia đình được Bộ quyết định bằng quy trình cũng là yếu tố giúp giảm thiểu DTLCP.

Mũi quan trọng nhất là sản xuất vaccine phòng DTLCP. "Vấn đề này Bộ đã có kết nối và giám sát từ năm 2019 sang đến năm 2020 đã có kết quả. Đáng ra chúng ta sẽ công bố vaccine DTLCP vào tháng 6, tháng 7 năm 2021 nhưng do đại dịch Covid-19 nên việc triển khai khảo nghiệm, kiểm nghiệm tại 2 vùng Bắc - Nam bị chậm lại. Do đó phải kết thúc tháng 12/2021 chúng ta mới xong được quy trình này" - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hiện không chỉ Công ty NAVETCO mà Công ty NTD cũng đang ở trong bước thử nghiệm, kiểm nghiệm và chuẩn bị cho khảo nghiệm vaccine DTLCP. Bên cạnh đó còn có Tập đoàn Dabaco cũng đang nghiêm cứu và đã có kết quả bước đầu. Như vậy hệ sinh thái cho nghiên cứu sản xuất vaccine DTLCP của Việt Nam sẽ tương đối đa dạng không những đáp ứng cho phòng, chống dịch bệnh trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.

"Đây là không chỉ là sự nỗ lực của ngành mà còn là cố gắng rất lớn từ phía các doanh nghiệp, các nhà khoa học. Chúng ta có niềm tin là khi công bố thì vaccine DTLCP đã được nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần bằng phương pháp hiện đại với các chỉ tiêu theo dõi rất tỉ mỉ, phong phú đến 5-6 lần đều đáp ứng được với dịch rất cao. Tiếp đến là độ dài miễn dịch, thứ ba là không ảnh hưởng đến các chỉ tiêu chăn nuôi. Sau khi có kết quả, Bộ sẽ thành lập hội đồng và công bố sớm và đưa ngay vaccine DTLCP vào phục vụ sản xuất, đặc biệt là chăn nuôi lợn" - ông Tiến khẳng định.

Nâng cao vị thế ngành chăn nuôi Việt Nam

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Nguyễn Như So cho biết, đến nay việc nghiên cứu sản xuất vaccine DTLCP đang được triển khai đúng tiến độ theo tinh thần khẩn trương nhất, đáp ứng yêu cầu khoa học, bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả và tuân thủ đúng theo quy định, bước đầu đạt được những kết quả rất khả quan.

Theo ông So, Dabaco vẫn đang tích cực đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm và hoàn tất những công việc cần thiết, phấn đấu tháng 12/2021 có thể công bố kết quả dự án. 

"Thành công của dự án này chính là bước đột phá trong điều chế vaccine, nâng cao vị thế, uy tín của ngành chăn nuôi Việt Nam bởi đến nay, trên thế giới chưa có nước nào nghiên cứu và sản xuất thành công vaccine DTLCP" - ông So nói.

Việc sớm đưa vaccine phòng, chống bệnh DTLCP vào sản xuất và thương mại hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng của nước ta.

NAVETCO đang nghiên cứu sản xuất đồng thời 2 loại vaccine dùng 2 chủng virus vaccine DTLCP nhược độc. Dự án nghiên cứu vaccine DTLCP tại NAVETCO đã thu được những kết quả khoa học và thực tiễn quan trọng, có thể sử dụng trình Cục Thú y xin cấp phép để sản xuất và lưu hành vaccine tại Việt Nam.

Kết quả thu được cho thấy virus DTLCP chủng G-delta I 177L an toàn trên lợn khi sử dụng liều cao gấp 104 so với liều miễn dịch tối thiểu cho mức độ bảo hộ 100% lợn được gây miễn dịch. Khả năng trở lại độc lực của chủng virus vaccine cũng đã được kiểm tra với kết quả qua 5 lần cấy chuyển liên tục trên lợn không xuất hiện các dấu hiệu bệnh DTLCP ở các đời cấy chuyển, đặc biệt ở đời 5. Điều này chứng tỏ tính ổn định của chủng virus G-delta I 177 L.

Vaccine sản xuất từ chủng này cho khả năng bảo hộ tốt thông qua phương pháp đánh giá bằng công cường độc, dùng chủng virus DTLCP cường độc phân lập tại Việt Nam. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem