NSƯT Kiều Hưng - vàng son tiếng hát một thời

Ngọc Anh (Dòng đời) Chủ nhật, ngày 07/09/2014 08:14 AM (GMT+7)
Dưới mái nhà nhỏ trên đường Phan Đình Phùng một ngày Hà Nội vào thu, NSƯT Kiều Hưng đã hát cho tôi nghe, để chứng minh rằng, trong Chương trình “Giai điệu tự hào”, tiếng hát của ông là thật…
Bình luận 0
NSƯT Kiều Hưng về Việt Nam hát trong Chương trình “Giai điệu tự hào” 2 số liên tiếp tháng 7 và tháng 8. Đó là một tin đặc biệt, vì tiếng hát của ông đã vắng xa khán giả cả nước hơn 20 năm nay, vì ông đã ở tuổi 78 và cơn tai biến cách đây 6 năm vẫn để lại những di chứng.  

Tiếng hát diệu kỳ

Với thế hệ khán giả trung tuổi, Kiều Hưng là một hình ảnh đẹp đẽ một thời, giọng hát êm ái, mượt như nhung với hàng chục những ca khúc tên tuổi đã đóng đinh như “Bài ca trên núi”, “Rặng trâm bầu”, “ Tiếng đàn bầu”, “Tình ca”, “Cảm xúc Tháng Mười”,  “ Bài ca Hà Nội ”, “ Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” ,  “ Bên lăng Bác Hồ ”, “ Người đi xây hồ Kẻ gỗ’’... Ngày ấy, những tiết mục song ca của Kiều Hưng với các nữ ca sĩ nổi tiếng như  Thanh Huyền, Bích Liên,  Tuyết Thanh,  Thu Hiền,  Lê Dung, Thanh Hoa,... luôn được đông đảo người nghe đón nhận, mong chờ. 

Chương trình “Giai điệu tự hào” tháng 7, nghe ông hát “Tình em biển cả” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, không ít khán giả đã rưng rưng cảm động vì được sống lại với những kỷ niệm xưa, những hoài ức đẹp đẽ của một thời. Gương mặt hiền hậu, tươi sáng, giọng hát nhẹ và bay, phần trình diễn của nghệ sĩ Kiều Hưng đã để lại một dư vị êm ái ngọt ngào. Nhưng cũng nhiều khán giả hoài nghi, không biết ở tuổi ấy, tại sao ông còn giữ được tiếng hát đẹp và trong đến thế. Không biết Kiều Hưng có hát “nhép” hay không?. 

Mang thắc mắc ấy đến tìm ông vào một ngày thu Hà Nội, khi vợ chồng nghệ sĩ Kiều Hưng vừa ra Bắc sau chuyến nghỉ dưỡng ở Nha Trang về, ông cười thật hiền với tôi: “Để bác hát cháu nghe, thay cho mọi lời giải thích”. Và ông hát, dù tuổi tác làm đôi chỗ bị vấp lời, dù có bài phải nhìn vào bản nhạc, nhưng tôi đã được nghe lại hết những ca khúc đỉnh cao một thời, từ “Bài ca trên núi” đến “Tình ca”, “Tình em biển cả”… tiếng hát vẫn đẹp và bay như thế. Thật là diệu kỳ ở cái tuổi ngấp nghé 80.

 Hỏi ông tại sao giữ được chất trữ tình trong tiếng hát lâu đến thế, ông bảo: “Có lẽ vì dòng nhạc dân ca đã cho tôi cái chất ấy. Và số phận đã cho tôi một giọng hát như thế”. Rồi ông miên man kể cùng tôi những tháng ngày xa xưa, khi cậu bé Kiều Hưng từ Phú Xuyên ra Hà Nội, ở cùng với ông chú họ có nghề may ở phố Hàng Trống. Sáng dậy từ 4-5 giờ sáng đi đưa báo, xong việc thì mua một nắm xôi ra bờ hồ Hoàn Kiếm ngồi ăn, rồi nghe tiếng hát của nghệ sĩ Thương Huyền trên sóng radio, thấm lắm. Những làn điệu dân ca ngọt ngào thấm vào tâm hồn của  cậu bé bán báo thủơ nào đã dẫn dắt Kiều Hưng vào con đường âm nhạc. 

Những lận đận của số phận đã cuốn Kiều Hưng đi, khi tôi hỏi về quãng thời gian ông sinh sống tại Đức sau sự cố cuốn hộ chiếu hết hạn, Kiều Hưng không muốn trả lời. Ông bảo: “Những kỷ niệm dù buồn đến đâu rồi cũng đã trôi qua, tôi chỉ muốn sống với những ký ức đẹp nhất của cuộc đời, sống với tình cảm và tình yêu khán giả”. 
Nhiều khán giả hoài nghi, không biết ở tuổi ấy, tại sao ông còn giữ được tiếng hát đẹp và trong đến thế, không biết Kiều Hưng có hát “nhép” hay không. Ông cười thật hiền: “Để bác hát cháu nghe, thay cho mọi lời giải thích”. Và ông hát, dù tuổi tác làm đôi chỗ bị vấp lời, dù có bài phải nhìn vào bản nhạc, nhưng tôi đã được nghe lại hết những ca khúc đỉnh cao một thời, từ “Bài ca trên núi” đến “Tình ca”, “Tình em biển cả”… tiếng hát vẫn đẹp và bay như thế.

Mong mỏi được hát trên quê hương

Tôi hiểu cái cảm xúc của một người nghệ sĩ đã phải rời xa Tổ quốc trong một thời gian dài, mối tình với quê hương xứ sở ngày một dày nặng trong tim, Kiều Hưng đã gửi hết vào tiếng hát. Bởi thế tuổi tác, bệnh tật, đường xa vất vả không làm ông quản ngại, vẫn mong mỏi được hát trên quê hương đất nước, trong “Giai điệu tự hào”. Ông bảo: “Hạnh phúc lớn nhất của một người nghệ sĩ là được hát với khán giả của mình, trên quê hương của mình. Trải qua quãng đời nơi xứ người, càng thấm thía cái ân tình của quê hương, đất nước mỗi khi được cất tiếng hát những dòng tiếng Việt trên môi”. 
img Nghệ sĩ ưu tú Kiều Hưng song ca với Anh Thơ trên sân khấu chương trình “Giai điệu Tự hào” Số tháng 8.2014.

Khi nhận được lời đề nghị hát chung với ca sĩ Anh Thơ bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” trong Chương trình “Giai điệu tự hào” phát sóng vào tối 29.8 trên VTV1, Kiều Hưng có chút ngần ngại, vì “chưa lần nào gặp  ca sĩ Anh Thơ, chưa biết ca sĩ Anh Thơ hát thế nào, liệu có hợp được với nhau không nên tôi cũng có chút băn khoăn và e rằng khó thể hiện cùng”. Ông kể: “Nhưng Anh Thơ nhanh nhẹn và chân tình lắm, cô đã thuyết phục được tôi ngay sau khi Anh Thơ hát mộc bài “Xa khơi” cho tôi nghe.  Anh Thơ hát đúng chất nhạc xưa, thấm đượm tình cảm cho người nghe thấy cái hồn của bài hát”. Hai tiếng hát cách xa nhiều thế hệ đã hòa quyện được với nhau, nghệ sĩ Kiều Hưng bảo: “Bài song ca “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” chúng tôi tập chừng 20-30  phút là đâu vào đấy, cảm xúc rất đồng điệu”.

Giữa cuộc trò chuyện của chúng tôi, có lúc ông phải ngừng lại vì cảm xúc, mỗi khi nhớ về những kỷ niệm thời xưa, những lận đận đã trải qua trong sự sắp đặt không ngờ của số phận. Ông khiến người đối thoại cảm thấy kính trọng bởi luôn luôn chỉ muốn nhắc tới những niềm vui và tình yêu của khán giả, không muốn họ nhớ tới mình vì những khúc đời  long đong đã qua. “Cuộc đời mà, ai chẳng có lúc vui lúc buồn, người nghệ sĩ chỉ muốn đem tới niềm vui cho khán giả, cống hiến cho họ những cái đẹp, những phút giây hạnh phúc, đó mới là điều đáng giá nhất”- nghệ sĩ Kiều Hưng tâm sự. 

Trong cuộc đời làm báo của mình, hiếm khi nào tôi được tiếp xúc với một nghệ sĩ chân tình, bình dị như vậy, không màu mè, không kiêu kỳ. Thật cảm động biết bao khi ở lứa tuổi gần 80 mà người nghệ sĩ lớn vẫn sẵn lòng hát cho tôi nghe. Thấy tôi có vẻ ái ngại vì lo ông mệt, cô Việt Bắc- vợ nghệ sĩ Kiều Hưng bảo: “Cháu đừng  lo, khán giả nào yêu cầu, bác cũng hát, trừ khi nào bác ấy mệt. Ở trong Nha Trang, mấy bác bộ đội thông tin khi nhận ra,  muốn được nghe Kiều Hưng hát, thật bất ngờ  Kiều Hưng cất tiếng hát ngay sau lời đề nghị. Ông  đứng ngay trên bãi biển để hát đơn giản thế thôi, không cần gì cả, cả người hát và người nghe ai cũng vui”.
img Nghệ sĩ Kiều Hưng thời trẻ 

 Và tôi đã hiểu vì sao đến tuổi này, nghệ sĩ Kiều Hưng vẫn giữ được đôi mắt lấp lánh niềm vui và gương mặt hiền hòa như vậy. Bởi vì ông đã dâng hiến tiếng hát cho cuộc đời, cho khán giả như một món quà đẹp đẽ chứ chưa bao giờ nghĩ nó như một sự đổi trao. 

Những nghệ sĩ thế hệ như ông đã cống hiến cho xã hội tài năng và cả những nhân cách sống, và bởi vậy, họ như là những viên ngọc đã “trác thành khí”, dù lẫn giữa bao nhiêu hào quang vẫn tỏa ra thứ ánh sáng tự thân, không chói lóa mà bền bỉ diệu kỳ. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem