Phoebe Trần (Trần Mai Phương), nữ MC của một trong những chương trình dạy học và trao đổi kinh nghiệm tiếng Anh chất lượng nhất nhì Việt Nam trên VTV - IELTS Face-off, đang là giám đốc một tổ chức cố vấn du học chuyên sâu Mỹ với 10 năm kinh nghiệm tại 30 quốc gia.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Phoebe Trần đã bật mí xu hướng, cách lựa chọn trường và kinh nghiệm giành học bổng du học Mỹ năm 2025. Theo cô, du học Mỹ luôn là lựa chọn hàng đầu của nhiều học sinh Việt Nam nhờ nền giáo dục chất lượng cao, sự đa dạng ngành học, và cơ hội việc làm khá rộng mở.
Xu hướng du học Mỹ năm 2025
Năm 2025 được dự đoán sẽ tiếp tục là thời điểm cạnh tranh trong việc tuyển sinh vào các trường đại học Mỹ. Các xu hướng nổi bật bao gồm:
Xem xét hồ sơ toàn diện: Bên cạnh yếu tố quan trọng nhất là học thuật, các trường cũng coi trọng hai yếu tố khác ở ứng viên là khả năng lãnh đạo, kỹ năng mềm và các phẩm chất cá nhân được thể hiện qua bài luận, thư giới thiệu, và vòng phỏng vấn nếu có.
Tỷ lệ cạnh tranh vào các trường đại học hàng đầu ngày càng khốc liệt: Trong 10 năm qua, tỷ lệ trúng tuyển vào các trường đại học top của Mỹ đã giảm đáng kể. Ví dụ, tỷ lệ trúng tuyển của Harvard đã giảm từ 6% năm 2014 xuống còn 3,4% năm 2024. Tương tự, Yale giảm từ 7,1% xuống 4,5%, và Columbia từ 7,4% xuống 3,9%. Điều này phản ánh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặc biệt đối với học sinh quốc tế.
Học tập tại Mỹ mang lại cơ hội việc làm hấp dẫn: Sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học Mỹ có lợi thế lớn trên thị trường lao động toàn cầu. Theo thống kê, mức lương khởi điểm trung bình của sinh viên tốt nghiệp đại học thuộc nhóm Ivy League là 85.000 - 120.000 USD/năm. Các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Amazon và Microsoft thường xuyên tuyển dụng với mức lương trung bình từ 100.000 - 150.000 USD/năm cho các vị trí mới ra trường thuộc khối ngành kỹ thuật và công nghệ.
Ngành học quyết định đến tiềm năng nghề nghiệp và mức lương: Theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, sinh viên Việt Nam tốt nghiệp các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) vào năm 2023 có mức thu nhập trung bình hàng năm khoảng 116.000 USD, cao hơn nhiều so với mức trung bình 62.000 USD của các ngành học khác. Con số này cho ngành Kinh doanh là 104.000 USD. Đây là minh chứng rõ nét cho ROI (tỷ suất hoàn vốn) khi đầu tư vào giáo dục đại học tại Mỹ.
Nhóm trường và chi phí du học Mỹ
Hệ thống giáo dục đại học Mỹ đa dạng với các nhóm trường khác nhau, đáp ứng nhu cầu học thuật và khả năng tài chính của từng học sinh.
Đại học tư thục: Bao gồm khối trường Ivy League nổi tiếng và một số cái tên nổi trội khác như Stanford, MIT hay University of Chicago... Các trường đại học tư hàng đầu cung cấp môi trường học thuật linh hoạt, chất lượng cao, với học phí ở mức khá cao. Chi phí học tập (bao gồm chi phí ăn ở, sách vở) rơi vào khoảng 80.000 - 90.000 USD/năm.
Tuy nhiên, nhiều trường tư thục có chính sách hỗ trợ tài chính mạnh mẽ cho sinh viên quốc tế. Trung bình, các trường đại học tư top đầu cho sinh viên quốc tế hỗ trợ tài chính ở mức 50.000 - 70.000 USD/năm.
Đại học công lập: Một số cái tên trường công nổi trội là UC Berkeley, UCLA, hay University of Michigan. Các trường này có mức chi phí học tập vào khoảng 30.000 - 70.000 USD/năm, tùy thuộc vào ranking (thứ hạng) của trường. Các trường đại học công phần lớn sẽ không cho hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế, nguồn học bổng của các trường này cũng rất giới hạn. Phụ huynh và học sinh ứng tuyển các trường đại học công phải chuẩn bị tinh thần chi trả toàn phần học phí và chi phí học tập trong 4 năm.
Đại học khai phóng: Tập trung vào giáo dục khai phóng, phù hợp với học sinh muốn học đa lĩnh vực, ví dụ như Amherst, Williams College. Chi phí khoảng 50.000 - 90.000 USD/năm, tuy nhiên, mức hỗ trợ tài chính của đại học khai phóng cũng rất cao. Nếu học sinh muốn học trong những ngôi trường quy mô nhỏ, có nhiều không gian làm việc trực tiếp với giáo sư, và cần mức hỗ trợ tài chính cao, đây sẽ là lựa chọn hợp lý.
Cao đẳng cộng đồng: Là lựa chọn tiết kiệm, với học phí từ 5.000 - 10.000 USD/năm. Học sinh có thể chuyển tiếp lên các trường đại học lớn sau 2 năm học.
Tư vấn cơ hội giành học bổng du học Mỹ
Du học Mỹ không nhất thiết phải quá tốn kém nếu học sinh nắm rõ cách tìm kiếm và chuẩn bị cho các cơ hội học bổng và hỗ trợ tài chính.
Đầu tiên, cần hiểu rõ sự khác biệt giữa học bổng và hỗ trợ tài chính. Có hai loại hỗ trợ là học bổng hỗ trợ dựa trên khả năng. Trường sẽ đánh giá hồ sơ học sinh, nếu thấy đây là một học sinh giỏi, cạnh tranh, trường sẽ cho học sinh đó một khoản học bổng dù học sinh không yêu cầu để tăng cơ hội bạn quyết định theo học tại trường.
Hỗ trợ tài chính dựa trên nhu cầu. Trường sẽ xem xét chi phí cần thiết để theo học tại trường, trừ đi khoản tiền gia đình có thể chi trả, từ đó ra được con số học sinh cần hỗ trợ và nhà trường sẽ trao cho học sinh khoản tiền này để học sinh có thể theo học.
Hỗ trợ tài chính còn chia ra hai loại, là “need-blind” và “need-aware”. Need-blind: Xét tuyển không dựa trên khả năng tài chính Việc học sinh cần hỗ trợ tài chính không ảnh hưởng tới khả năng trúng tuyển. Các trường áp dụng need-blind bao gồm Harvard, Brown (từ kì thu 2025), Princeton, Dartmouth, MIT, Amherst College, Bowdoin College, Pomona College. Rất khuyến khích học sinh xin hỗ trợ tài chính khi ứng tuyển vào các trường này.
Need-aware: Xét tuyển dựa trên khả năng tài chính Việc học sinh cần hỗ trợ tài chính có ảnh hưởng tới khả năng trúng tuyển. Hiểu đơn giản, giữa hai học sinh trình độ ngang nhau, ban tuyển sinh có thể ưu tiên học sinh cần ít hỗ trợ tài chính hơn.
Câu hỏi đặt ra là cần làm gì để đạt học bổng hoặc nhận được mức hỗ trợ tài chính tốt cho đại học Mỹ?
Không có đường tắt nào, ngoài việc học sinh cần nỗ lực xây dựng hồ sơ nổi trội và xuất sắc. Ban tuyển sinh sẽ cân nhắc tới việc cấp học bổng ngay trong quá trình đọc hồ sơ. Và như có nói ở trên, các trường cũng sẽ cân nhắc tới việc học sinh này có thực sự xuất sắc hay không khi cân nhắc cho hỗ trợ tài chính. Vậy, đâu là những yếu tố tạo nên một bộ hồ sơ có thể chinh phục trái tim ban tuyển sinh?
Theo kinh nghiệm từ Crimson Education - tổ chức cố vấn du học chuyên sâu Mỹ, có ba yếu tố chính. Học sinh bắt đầu hành trình từ sớm. Ban tuyển sinh sẽ đánh giá mọi hoạt động học sinh làm trong vòng bốn năm, từ lớp 9 tới lớp 12. Vì vậy, họ sẽ biết đâu là một học sinh “nước tới chân mới nhảy” và đâu là học sinh lên kế hoạch và thực thi từ sớm.
Hồ sơ kể một câu chuyện rõ ràng: Sai lầm của nhiều học sinh khi chuẩn bị hồ sơ là thấy bạn bè của mình làm gì thì mình làm đó, từ đó dẫn đến việc các hoạt động trong hồ sơ rời rạc, không liên kết; ban tuyển sinh đọc xong chỉ có ấn tượng mờ nhạt về hồ sơ.
Thay vào đó, học sinh cần xác định từ sớm đâu là định hướng mình muốn đi theo, đâu là con người mình muốn thể hiện cho ban tuyển sinh thấy. Ví dụ, nếu muốn kể câu chuyện “tôi là một học sinh nữ quan tâm tới khối ngành STEM, và muốn giúp các bạn nữ khác có thể đặt chân vào lĩnh vực này” thì hoạt động ngoại khóa của bạn phải có các dự án hỗ trợ nữ sinh tiếp cận khoa học máy tính, các môn học bạn chọn phải có Khoa học Máy tính và Toán. Nếu bạn muốn kể câu chuyện “tôi muốn theo đuổi ngành Kiến trúc để đưa ra những thiết kế chống lại thiên tai” thì hồ sơ ngoại khóa của bạn phải thiên về kiến trúc, môi trường, và có giải thưởng liên quan tới hướng đi này càng tốt.
Nhận sự hỗ trợ của người đi trước: Cuối cùng, để tăng cơ hội thành công, học sinh nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực du học Mỹ.
"Năm 2025 đánh dấu nhiều thay đổi trong xu hướng du học Mỹ, đòi hỏi học sinh Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ càng và chiến lược rõ ràng. Việc lựa chọn nhóm trường phù hợp, cân nhắc chi phí và nắm bắt cơ hội học bổng sẽ là chìa khóa giúp học sinh hiện thực hóa ước mơ du học tại xứ sở cờ hoa", Phoebe Trần cho hay.
Phoebe Trần là một "cô bé Hà Nội" nhưng khi lên 4 tuổi đã cùng gia đình sinh sống tại Mỹ, Canada và Thụy Sĩ. Cô từng nhận những suất học bổng như: Học bổng ASEAN (2003 – 2008) - một chương trình học bổng được tài trợ bởi Chính phủ Singapore cho 9 quốc gia Đông Nam Á cho giáo dục THCS, THPT và Đại học và học bổng từ trường đại học Micro Chemistry ( 2008 – 2012).
Đi học ở nhiều nước với nhiều tấm bằng chứng nhận nhưng sau đó, nữ MC đã trở về Việt Nam năm 2012 đến bây giờ. Hiện tại, ngoài dẫn chương trình, Phoebe còn làm kinh doanh và nhiều công việc khác liên quan đến văn hóa, giáo dục...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.