Sử sách còn ghi lại, những lời dự ngôn của Hứa Phụ chuẩn xác phi thường, khiến cho Cao Hán Tổ cũng phải cảm phục mà phong cho bà làm: “Minh Thư Hầu”, là một trong số ít ỏi nữ nhân thời đó được phong hầu phong tước.
Nhân gian truyền rằng, khi vừa sinh ra, cuộc đời Hứa Phụ đã gắn liền với những câu chuyện mang đậm sắc màu huyền thoại. Ví như: Hứa Phụ khi vừa sinh ra trong tay đã có miếng ngọc, trên đó có đồ hình Bát Quái của Văn Vương, được trăm ngày đã biết mở miệng nói chuyện, mọi người nghe tin như vậy thì kéo đến rất đông để xem mặt Hứa Phụ.
Hứa Phụ thấy có nhiều người hiếu kỳ đến xem mình như vậy nhưng chỉ tỏ ra có hai thái độ, một là khóc, hai là cười. Mọi người cho rằng trẻ con khóc cười cũng là lẽ thường tình. Tuy nhiên sau này mọi người dần dần phát hiện ra rằng: phàm những ai đến xem mặt mà Hứa Phụ cười thì có thể thăng quan, tiến lộc, còn những ai mà Hứa Phụ khóc thì ắt sẽ gặp tai ương đại nạn.
Một đời của Hứa Phụ luôn xem tướng mệnh cho các vương công quý tộc, những lời nói ra chuẩn xác vô số, nổi tiếng trong số đó phải kể đến ba dự ngôn:
1. Dự ngôn thứ nhất
Khi Hán Sở giao tranh, Ngụy Báo có một sủng phi họ Bạc, mọi người hay gọi là Bạc Cơ. Một hôm Hứa Phụ nhìn thấy Bạc Cơ liền nói: “Bạc phi sau này ắt sẽ sinh ra một thiên tử”. Ngụy Báo nghe Hứa Phụ dự ngôn như vậy liền động lòng, lập tức phong Bạc Cơ làm Vương phi. Tiếc thay, sau đó không lâu ông bị Lưu Bang đánh bại, Bạc Phi bị bắt trở thành một nữ công dệt vải trong Hán cung.
Sau đó một cơ hội ngẫu nhiên diễn ra: khi Lưu Bang đi thăm khu dệt vải nhìn thấy dung mạo của Bạc Cơ xinh đẹp, đương độ xuân thì, Lưu Bang cho gọi Bạc Cơ vào hầu, không lâu sau đó Bạc Cơ mang thai sinh ra Lưu Hằng tức Hán Văn Đế sau này.
Sau khi Bạc Cơ sinh hạ Lưu Hằng, Hứa Phụ nói với Lưu Bang: “Lưu Hằng ở lại trong cung, ắt sẽ gặp đại họa”. Vậy nên khi Lưu Hằng lên 8 tuổi, Lưu Bang phong Lưu Hằng làm “Vương”, ban đất rồi cho theo cùng Bạc Cơ rời khỏi cung.
Nhờ vào câu nói này của Hứa Phụ mà sau này bảo toàn được tính mệnh của Hán Văn Đế, nếu không Lưu Hằng cũng cùng chung số phận với Triệu Vương, Lưu Như Ý, bị Lã Hậu mưu sát, Bạc Cơ cũng khó tránh khỏi độc thủ.
Đối với Lưu Hằng mà nói, Hứa Phụ có ân trọng như núi, vậy nên, sau khi Lưu Hằng lên ngôi đã tôn Hứa Phụ làm nghĩa mẫu và liên tục ban thưởng.
(Ảnh: Youtube).
2. Dự ngôn thứ hai
Chu Á Phu nhờ Hứa Phụ xem tướng cho mình, sau khi Hứa Phụ xem xong nói: “Ba năm sau ông sẽ phong hầu, tám năm sau ông sẽ được làm thừa tướng, tiếp nữa 9 năm ông sẽ bị chết vì đói”.
Đương thời, Chu Á Phu là con thứ của Giáng Hầu Chu Bột, theo lý thường, sau khi Chu Bột qua đời, anh trai Chu Á Phu kế vị làm sao đến lượt người thân phận như Chu Á Phu? Vậy nên Chu Á Phu đương nhiên không tin.
Tuy nhiên, dự ngôn của Hứa Phụ xưa nay chưa từng sai biệt, quả nhiên ba năm sau, Chu Á Phu được phong hầu, nguyên do là anh trai của Chu Á Phụ phạm tội, bị cắt tước vị, mọi người tiến cử Chu Á Phu kế vị. Tám năm sau Chu Á Phu có công dẹp loạn “Thất Vương” nên được Hán Cảnh Đế phong làm thừa tướng.
Làm thừa tướng được 9 năm, Chu Á Phu bị vu cáo phạm tội mưu phản, Hán Cảnh Đế trong lúc tức giận bắt ông giam vào ngục tối chờ ngày thẩm phán. Chu Á Phu vì oan ức mà tự sát mấy lần bất thành, sau đó tuyệt thực năm ngày mà chết.
3. Dự ngôn thứ ba
Văn Đế có một sủng thần tên là Lưu Thông làm đến chức quan đại phu, được Hứa Phụ xem mệnh và dự ngôn như sau: “Lưu Thông sau này sẽ nghèo khó, bần hàn mà chết”. Hán Văn Đế biết chuyện ấy rất lấy làm không phục nên bèn ban núi đồng ở Thục quận cho Lưu Thông, mà núi đồng chính là tài nguyên của nhà Hán, Lưu Thông nhanh chóng trở thành một đại phú gia giàu có.
Sau khi Văn Đế chết, Hán Cảnh Đế lên ngôi, Lưu Thông bị bãi nhiệm chức quan và cho ở nhà, tất cả tài sản bị tịch thu sung công quỹ, đã vậy còn mắc nợ triều đình một lượng lớn ngân lượng phải lưu lạc đầu đường xó chợ, cuối cùng chết vì cùng cực.
Minh Vũ (Tinh Tế)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.