Nữ PGS đầu tiên ngành Phẫu thuật tạo hình: "Hạnh phúc khi chữa lành cả thể xác lẫn tâm hồn"

Diệu Linh Thứ hai, ngày 01/01/2024 06:13 AM (GMT+7)
"Chốt" năm 2023 với quyết định bổ nhiệm chức danh PGS, bác sĩ Phạm Thị Việt Dung trở thành nữ PGS đầu tiên ngành phẫu thuật tạo hình Việt Nam.
Bình luận 0

Hạnh phúc khi được chữa lành  

Tôi gặp bác sĩ Phạm Thị Việt Dung, Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Trường Đại học Y Hà Nội, đồng thời là Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ bệnh viện Bạch Mai, trưởng đơn vị Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào một ngày cuối của năm 2023, khi chức danh PGS của chị vừa được "ra lò", còn nóng hôi hổi.

Bác sĩ Phạm Thị Việt Dung (sinh năm 1980) trở thành nữ PGS đầu tiên của chuyên ngành Phẫu thuật tạo hình Việt Nam, một minh chứng cho nỗ lực không ngừng của nữ bác sĩ "nghề khó" này.

Nữ PGS đầu tiên ngành Phẫu thuật tạo hình: "Hạnh phúc khi chữa lành cả thể xác lẫn tâm hồn" - Ảnh 1.

Bác sĩ Phạm Thị Việt Dung nhận Quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư ngày 29/12. Ảnh NVCC

Chia sẻ với Dân Việt, PGS Dung cho biết, là bác sĩ phẫu thuật tạo hình, chị được chứng kiến và nghe nhiều tâm sự về những nỗi đau đớn mà các bác sĩ chuyên ngành khác ít có cơ hội biết đến.

Bệnh nhân của bác sĩ Dung không chỉ là những người bị bệnh "nhìn thấy được" mà còn là những nỗi đau đớn, khiếm khuyết được giấu kín mấy chục năm, có khi là hơn nửa đời người. Những bệnh nhân đối mặt với những khiếm khuyết, dị dạng cơ thể "không giống ai" của mình thường xấu hổ, không dám chia sẻ, không dám đi khám và điều trị.

Đó là những phụ nữ không có âm đạo, không có tử cung, che giấu bệnh, sống thu mình, không giao tiếp, không dám có bạn trai, không xây dựng gia đình và sống u uất, buồn bã, khép kín.

Đó là những người sống "bán nam bán nữ" với bộ phận sinh dục không hẳn giống trẻ nữ bình thường khác nhưng cũng chẳng giống trẻ nam. Suốt thời gian tuổi trẻ phải sống trong sự câm nín, buồn tủi, dằn vặt về bản thân mình. Cũng có vài người ngỏ lời yêu, nhưng chị từ chối trong đau khổ và tuyệt vọng.

Đó là chàng trai bị tai nạn điện cháy hết dương vật, đến đi tiểu cũng phải ngồi như phụ nữ, đừng nói mơ ước đến có được đời sống tình dục bình thường.

Nữ PGS đầu tiên ngành Phẫu thuật tạo hình: "Hạnh phúc khi chữa lành cả thể xác lẫn tâm hồn" - Ảnh 2.

Một ca "chữa lành" của bác sĩ Phạm Thị Việt Dung

Đó là bà bác đã ngoài 60 có bộ ngực phì đại luôn mơ ước có được bộ ngực nhỏ nhắn nhưng lại không có tiền đi phẫu thuật, về già với chắt chiu được cả tiền bạc lẫn dũng khí đến bệnh viện để "thực hiện ước mơ" đeo đẳng suốt thanh xuân của mình…

Tất cả những nỗi buồn bã, đau khổ này đều được bác sĩ Dung lắng nghe, thấu hiểu và quan trọng là tìm được giải pháp để giúp họ loại bỏ các khiếm khuyết.

PGS Dung không chỉ phẫu thuật tạo hình mà còn chữa trị phần nào những nỗi đau trong tâm hồn của các bệnh nhân, giúp họ sống vui vẻ, tự tin hơn trong những năm tháng tiếp theo của cuộc đời.

"Mới đây, 1 bệnh nhân 35 tuổi đã tìm đến tôi khám. Cô ấy có vẻ ngoài dịu dàng, nữ tính nhưng lại không có kinh nguyệt, không có âm đạo và ngực teo lép. Chụp cộng hưởng từ thấy bệnh nhân không có buồng trứng, tử cung và âm đạo.

Xét nghiệm nhiễm sắc thể chẩn đoán cô ấy có nhiễm sắc thể XY – là nam giới và có đột biến tăng số lặp CAG trên gen AR.  Bệnh nhân được chẩn đoán là mắc hội chứng không dung nạp Androgen.

Nữ PGS đầu tiên ngành Phẫu thuật tạo hình: "Hạnh phúc khi chữa lành cả thể xác lẫn tâm hồn" - Ảnh 3.

PGS Phạm Thị Việt Dung đang tính toán để tái tạo lại bộ ngực cho một bệnh nhân ung thư vú đã phải cắt bỏ toàn bộ tuyến vú. Ảnh NVCC

Khi đến khám, cô ấy xúc động chia sẻ, trước kia, cô ấy không biết rõ về bệnh của mình, hoàn toàn tuyệt vọng, vô định và luôn nghĩ về một tương lai tăm tối. Nhưng một ngày, cách đây vài năm, cô ấy đọc được bài viết của tôi về bệnh không dung nạp Androgen, cô ấy dần hiểu ra nên tìm đến khám và xin tư vấn.

Tôi đã khuyên cô ấy nên đối mặt với sự thật, chấp nhận nó và hạ thấp tiêu chuẩn, hướng tới mục tiêu là tìm cách để thay đổi, sống tốt nhất có thể.

Hiện tại cô ấy đã thoát khỏi những đau khổ, rối rắm, tự ti trong quá khứ, sống mạnh mẽ và lạc quan hơn. Cô ấy đã nhận con nuôi và mở lòng đón nhận tình cảm từ một người đã từng đổ vỡ trong hôn nhân.

Cô ấy cũng đang chuẩn bị cho kế hoạch tạo hình âm đạo bằng niêm mạc miệng để hoàn thiện hơn bản thân mình. Dù chưa phẫu thuật cho cô ấy nhưng tôi đã "chữa lành" một phần nào những tổn thương của cô ấy. Điều này khiến tôi thực sự hạnh phúc và càng cảm thấy nghề mình lựa chọn có ý nghĩa", PGS Dung tâm sự.

Không có vẻ đẹp hoàn hảo, chỉ có vẻ đẹp tốt hơn

Dấu ấn năm 2023 của bác sĩ Dung và các đồng nghiệp chính là ca "ghép toàn bộ da đầu" cho một nữ bệnh nhân bị cuốn vào máy khoan.

Vào tháng 7/2023, bệnh nhân là Hà Thị Bổng, 43 tuổi, sống tại thành phố Điện Biên, khi đang cùng chồng khoan giếng, mái tóc dài của chị bị cuốn vào máy khoan. Toàn bộ da trán và da đầu mang tóc của chị bị lột đứt phăng rời khỏi hộp sọ, cuốn nghiền nát trong máy khoan. Máu chảy xối xả từ các đầu mạch đứt.

Sau khi được sơ cứu ở tuyến dưới, các bác sĩ đã chuyển bệnh nhân và toàn bộ da đầu "bị vón cục" đến Bệnh viện Bạch Mai. Nhiệm vụ ghép da đầu "bất khả thi" đã được giao cho bác sĩ Dung và các đồng nghiệp.

Nỗ lực "cứu sống" mái tóc cho một phụ nữ bị máy khoan lột phăng toàn bộ đầu - Ảnh 2.

Từng nhóm bác sĩ đã chia nhau làm việc, nhóm "làm sạch" từng miếng da đầu, tìm kiếm từng mạch máu trong mỡ "hỗn độn" . Ảnh BVCC

"Khi bắt đầu phẫu thuật, chúng tôi đều ngao ngán khi nhìn đống da đầu cùng với tóc, máu bị "vón thành 1 cục" bầy nhầy, dính nhiều dị vật. Hơn nữa, tai nạn đã xảy ra 12 tiếng, quá "thời gian vàng" 6 tiếng để có thể nối lại thành công. Cơ hội sống của da đầu hầu như còn rất ít, tuy nhiên, nhìn bệnh nhân chỉ còn "trơ khấc" xương sọ, chúng tôi tự bảo nhau "còn nước còn tát".

Vì nếu không có da đầu che phủ, xương sọ trơ trọi như vậy thì việc để bệnh nhân lành vết thương vô cùng khó khăn, thậm chí tính mạng bệnh nhân cũng khó giữ. Nếu có sống sót thì bệnh nhân cũng không còn tóc trên đầu, việc hòa nhập với cuộc sống sẽ khó khăn.

Do đó, các bác sĩ đã chia thành 3 kíp: 2 kíp làm sạch và chuẩn bị mạch tại mảnh da đầu, 1 kíp phẫu thuật tìm và chuẩn bị mạch nhận, vô cùng tỉ mỉ, khó khăn.

Mỗi phút trôi qua, mỗi mạch máu được tìm thấy, mỗi miệng nối mạch được nối thông đều làm chúng tôi thêm phấn chấn. Sau 6h, các ekip làm việc liên tục, chúng tôi có thể tạm an tâm vì hai mảnh đứt rời chính đã được cấp máu, đồng nghĩa với việc 3/4 số da đầu mang tóc được giữ lại.

1/4 còn lại vùng quá dập nát có nguy cơ hoại tử, cần che phủ bằng phương pháp khác sẽ được xử lý ở thì 2 khi bệnh nhân đã thoát qua cơn nguy kịch. Sau này, với kỹ thuật "giãn da", chúng tôi đã biến ¾ diện tích da đầu thành toàn bộ đầu mang tóc.

Một ca không hoàn hảo nhưng tuyệt vời nhất mà tôi đã từng gặp. Ekip phẫu thuật đã điều trị thành công ngoài sức mong đợi".", bác sĩ Dung chia sẻ.

Nữ PGS đầu tiên ngành Phẫu thuật tạo hình: "Hạnh phúc khi chữa lành cả thể xác lẫn tâm hồn" - Ảnh 5.

PGS Dung chia sẻ, quan điểm của chị về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ là "không có hoàn hảo, chỉ có tốt hơn"

Mới đây, bác sĩ Dung cũng nhận được bức ảnh "khoe" tóc của chị Bổng. Mái tóc đã mọc xanh gần như hoàn chỉnh khiến chị Bổng có thể tự tin tạo dáng chụp ảnh. Bức ảnh khiến PGS Dung càng phấn chấn hơn với những gì mình và đồng nghiệp đã làm được.

Chị mừng vì lúc đó, chị và các đồng nghiệp đã không từ bỏ, đã quyết tâm và đã làm được một việc tưởng chừng là "nhiệm vụ bất khả thi".

PGS Dung chia sẻ, quan điểm của chị về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ là "không có hoàn hảo, chỉ có tốt hơn". Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ không phải "phép màu" để giúp các bệnh nhân có thể "hoàn toàn bình thường" hay "đẹp hoàn hảo" nhưng luôn tốt hơn những gì trước đó, giúp bệnh nhân sống vui vẻ, tự tin, bớt đau đớn, buồn rầu, tự ti.

"Các ca phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ không chỉ giúp ai đó xinh hơn mà còn giúp bệnh nhân lành lặn hơn về cả thể xác lẫn tinh thần. Chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ mà tôi đã lựa chọn không "cứu mạng sống" các bác sĩ cấp cứu hay trị bệnh hiểm nghèo mà giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp họ yêu bản thân và sống hạnh phúc hơn", PGS Dung tâm sự. 

Nữ PGS đầu tiên ngành Phẫu thuật tạo hình: "Hạnh phúc khi chữa lành cả thể xác lẫn tâm hồn" - Ảnh 6.

Các ca phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ không chỉ giúp ai đó xinh hơn mà còn giúp bệnh nhân lành lặn hơn về cả thể xác lẫn tinh thần (PGS Dung chuyên chú trong 1 ca chữa lành cho bệnh nhân. Ảnh NVCC)

Như lời mà PGS Dung viết về một bệnh nhân vừa được "sửa chữa" khuôn mặt khiếm khuyết: "Cô bé này ngay từ khi sinh ra đã thiệt thòi vì không có khuôn mặt bình thường như các bạn. Nhưng thay vì tự ti, trốn tránh, oán trách số phận như bao bệnh nhân khác thì cô ấy đã mạnh mẽ sống, mạnh mẽ hòa mình vào tập thể.

Sau hơn 20 năm, những gì cô ấy có được ngày hôm nay, tôi tin đó là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu không ngừng để hoàn thiện bản thân từ tri thức tới tâm hồn và tìm kiếm cơ hội để cải thiện ngoại hình.

Chúng tôi chỉ là hạt cát trong hành trình thay đổi cuộc sống của cô ấy nhưng thực sự rất ấm lòng mỗi khi nhìn thấy cô ấy vui vẻ và gặt hái từng thành công nho nhỏ trong cuộc sống! Chúc cho cô gái ấy thật nhiều hạnh phúc, vì em xứng đáng!".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem