Nữ quyền - Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn

Thứ bảy, ngày 28/01/2012 07:11 AM (GMT+7)
Đã trải qua cả một thế kỷ đấu tranh nhưng trên toàn thế giới, không phải bất cứ phụ nữ nào cũng được tôn trọng và được sống bình đẳng như những người đàn ông.
Bình luận 0

Cuộc chiến chưa thể ngừng

Tháng 11.2011, tại Khawaja Hakim, thành phố Ghazni, Afghanistan, một nhóm đàn ông có vũ trang đã ném đá và bắn chết một phụ nữ cùng con gái của cô. Các quan chức an ninh cho biết, nhóm đàn ông vũ trang bước vào ngôi nhà nơi góa phụ trẻ sống cùng con gái.

img
Nhiều phụ nữ không được tới trường vẫn còn phổ biến

Chúng đưa họ ra sân, ném đá và bắn chết họ trong khi những người hàng xóm đã không giúp đỡ hay thông báo cho cơ quan có thẩm quyền. Quan chức ở Afghanistan cho rằng vụ giết người do Taliban thực hiện, những người thường hành xử tệ với phụ nữ và sẵn sàng ném đá đến chết đối với những phụ nữ mà họ cho rằng ngoại tình hoặc xuống cấp đạo đức.

Nói đến quyền của phụ nữ, nhiều người lại nhắc tới câu chuyện của Naila Afsar, một cô gái châu Á 23 tuổi, bị người thân trong gia đình sỉ vả, đánh đập, thậm chí còn dọa giết sau khi họ phát hiện cô đã kết hôn với một người đàn ông có tên Afsar Saddiq mà không xin phép họ.

Những người họ hàng đã cho Naila uống sữa có thuốc mê để đưa cô về nhà cha mẹ đẻ giam giữ. Trước đó Naila đính hôn với người anh họ theo ý nguyện của gia đình vào tháng 5.2009. Khi nhận ra đó không phải là nửa còn lại của mình, cô đã dũng cảm hủy hôn hồi tháng 7.2009. Cô chuyển tới sống ở Newcastle (Anh) và gặp Saddiq. Họ quyết định đi đến hôn nhân và bi kịch của cô bắt đầu.

Trong thực tế, vẫn có rất nhiều chị em phải sống trong bóng tối và sự bất công. Ngay tại Liberia, quốc gia có 2 người phụ nữ vừa giành giải Nobel Hòa bình, công bằng vẫn chưa thực sự có. Không ít phụ nữ phải sống trong cảnh bị cưỡng bức, bóc lột mà chẳng thể làm gì để thay đổi. Chuyện bị bắt cóc, cưỡng bức đã trở thành thường ngày với người dân các quốc gia châu Phi xa xôi. Trẻ em còn chưa biết đọc biết viết đã bị bắt ra chiến trường cầm súng.

Những thông tin này liên tục xuất hiện trên mặt báo khiến dư luận vô cùng xót xa… Tuy nhiên, không nản chí, chính Leymah Gbowee cùng nhà hoạt động vì nhân quyền người Yemen Tawakkul Karman và nữ Tổng thống đầu tiên của Liberia là bà Ellen Johnson Sirleaf vẫn đang tiếp tục đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ nước mình và các quốc gia xung quanh như Ghana... Bà Leymah cho biết: "Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới ba vấn đề là giới tính trong khu vực an ninh và tiến trình cải thiện, những đề xướng về an ninh và hòa bình cho phụ nữ nông thôn, những đề xướng về an ninh và phát triển cho giới trẻ".

Theo thống kê sơ bộ, tới thời điểm này ở vùng Nam Á, tỷ lệ các em gái được đi học chỉ bằng 60% các bé trai. Trong khi đó, ở châu Phi, con số này lên tới 68%. Thậm chí ở những quốc gia như Kenya, Liberia…, nhiều cô gái đã hoàn thành chương trình cấp III, có thừa khả năng học tiếp lên Đại học rồi Cao học… nhưng gia đình không cho phép. Họ sợ con gái học cao, không thể lấy được chồng. Chính những suy nghĩ bảo thủ đó khiến cuộc sống của người dân ở các quốc gia này, đặc biệt là nữ giới, càng chìm trong vất vả, đau khổ.

…Cho một tương lai mới

img
Phụ nữ Hồi Giáo đang vươn lên bình đẳng với nam giới tại nhiều quốc gia

Mới đây, dư luận xôn xao về việc phụ nữ Ảrập Xêút tham gia vào cuộc chiến vì quyền được yêu giống như những người phụ nữ bình thường khác trên thế giới. Trong cuộc đấu tranh này, câu chuyện của nữ bác sĩ Samia khiến nhiều người chú ý nhất. Ngay từ khi còn nhỏ, cô thường chơi trò làm bác sĩ với "bệnh nhân" là những quả dưa hấu.

Cô bé mơ ước trở thành một bác sĩ phẫu thuật và xây dựng gia đình với một người đàn ông tốt. Hơn 30 năm trôi qua, Samia giờ đây đã là một bác sĩ được đào tạo bài bản. Thế nhưng, tại một đất nước có cả một hệ thống giáo lý Hồi giáo cũng như giám hộ phức tạp và người phụ nữ không được làm chủ cuộc sống của chính họ, ước mơ giản dị về một đám cưới với người đàn ông mình yêu mà Samia ấp ủ đã không thể trở thành sự thực.

Bị dồn nén và uất ức trong một thời gian dài, Samia giờ đây đang chuẩn bị những thủ tục cuối cùng để đưa những người đàn ông đã ngăn cấm quyền được yêu của cô ra trước Tòa án Tối cao Ảrập Xêút. Hành động này có thể mở đường cho một phong trào vùng lên vì quyền được yêu của nữ giới tại quốc gia có diện tích lớn nhất trên bán đảo Ảrập. Cô chia sẻ về quyết định của mình: "Tôi bắt đầu mơ về chiếc váy cưới khi mới 10 hay 11 tuổi gì đó. Tôi mong ước tạo dựng được một tổ ấm nhỏ, với một người chồng lương thiện và những đứa con, giống như mẹ tôi trước đây vậy".

Tại Afghanistan, ngày một nhiều phụ nữ có ước nguyện trở thành bác sĩ. Nhưng họ khẳng định một cách chắc chắn rằng không bao giờ đem kiến thức y khoa mình học được để chữa trị cho những người đàn ông “không tử tế”. Với họ, đó là một trong những cách để chống lại bất công, đòi bình quyền.

Theo Phụ nữ Thủ đô
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem