Đặc sản truyền thống ở huyện đảo tiền tiêu của Quảng Ninh vừa được bảo hộ nhãn hiệu
Thanh Tuyền
Thứ bảy, ngày 11/01/2025 17:05 PM (GMT+7)
Đặc sản nước mắm Cô Tô của huyện đảo tiền tiêu Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) được sản xuất theo phương pháp truyền thống, chỉ làm từ cá biển và muối, vừa được bảo hộ nhãn hiệu.
Cô Tô là huyện đảo tiền tiêu, biên giới, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, nổi tiếng với nhiều đặc sản nức tiếng, trong đó có nước mắm Cô Tô.
Nghề làm mắm ở Cô Tô đã có từ lâu đời ở huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, người làm mắm Cô Tô không dùng thùng chượp để ướp cá, mà chủ yếu ướp cá bằng chum, rồi phơi nắng. Người dân nơi đây làm mắm theo phương thức "đánh quậy" truyền thống, lên hương tự nhiên, không sử dụng chất phụ gia. Do đó, nước mắm Cô Tô có màu sắc nâu đậm hoàn toàn tự nhiên, không có tạp chất, có mùi thơm đặc trưng của mắm, không có mùi lạ, có vị mặn nhưng không gắt, hậu vị ngọt của đạm tự nhiên.
Những năm trở lại đây, sản phẩm nước mắm Cô Tô ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, lượng tiêu thụ ngày càng cao. Để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất theo chuỗi giá trị, huyện Cô Tô đã có những chủ trương về các mô hình sản xuất và chế biến nước mắm Cô Tô truyền thống.
Đặc biệt, địa phương đã thực hiện dự án "Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm nước mắm của huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh".
Mới đây nhất, ngày 10/1/2025, UBND huyện Cô Tô đã phối hợp với Công ty TNHH nghiên cứu và đầu tư S&D tổ chức công bố văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Nước mắm Cô Tô - Quảng Ninh".
Theo đó, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Nước mắm Cô Tô - Quảng Ninh" số 521621 do Cục Sở hữu trí tuệ cấp theo Quyết định số 157085/QĐ-SHTT ngày 30/12/2024, có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn (4/12/2023).
Quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Nước mắm Cô Tô - Quảng Ninh" cho các tổ chức, cá nhân được lựa chọn thí điểm gồm: Hộ kinh doanh Nguyễn Đăng Lương (khu 1, thị trấn Cô Tô); cơ sở Lê Văn Chín (thôn Trường Xuân, xã Đồng Tiến); cơ sở Lê Thị Giang (thôn Trường Xuân, xã Đồng Tiến); cơ sở Phạm Văn Quang (thôn Hải Tiến, xã Đồng Tiến). Giấy chứng nhận cấp theo Quyết định số 1568/QĐ-UBND ngày 30/12/2024 của UBND huyện Cô Tô và có hiệu lực 5 năm kể từ ngày ký.
Việc thương hiệu nước mắm Cô Tô được đăng ký bảo hộ, quản lý và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng và sản xuất kinh doanh, tạo lập các phương tiện, công cụ quản lý và quảng bá, xây dựng kế hoạch quảng bá, khai thác và phát triển nhãn hiệu chứng nhận.
Đây là nỗ lực rất lớn trong việc giữ uy tín và danh tiếng của sản phẩm cũng như góp phần vào phát triển ngành dịch vụ du lịch Cô Tô, cho thấy những quyết tâm của huyện trong việc không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn nghề truyền thống mà còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.