Với chiều dài bờ biển hơn 21km, vùng cửa sông, bãi triều có diện tích hơn 5.500ha, mặt biển hơn 8.700ha, huyện Đầm Hà được tỉnh Quảng Ninh định hướng phát triển trở thành trung tâm sản xuất giống và nuôi biển của tỉnh…
Mới đây, UBND huyện Đầm Hà đã trao quyết định giao khu vực nuôi biển cho 36 hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện.
Theo đó, hạn mức mặt nước cấp phép cho các hộ dân nuôi trồng có diện tích mỗi ô là 625m2, thời hạn giao trong vòng 15 năm tại khu vực Thoi Dây, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà. Những hộ dân này là đối tượng sinh kế được giao khu vực biển không thu phí mặt nước theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 44, Luật Thủy sản.
Phát biểu tại hội nghị được tổ chức vào ngày 6/1, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà Trần Anh Cường đề nghị, ngay sau khi nhận quyết định giao khu vực nuôi biển, các hộ dân phải hoàn thành việc chuyển đổi vật liệu phao nổi trong nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, các hộ dân tiếp tục nâng cao chất lượng nuôi trồng thủy sản để đảm bảo thu nhập ổn định, an toàn vệ sinh môi trường biển trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền triển khai hướng dẫn chi tiết, thực hiện thủ tục cấp phép nuôi trồng thủy sản lồng bè đối với các tổ chức, cá nhân theo quy định.
Cũng trong chiều 6/1, Hội Nông dân huyện Đầm Hà đã trao quyết định và ra mắt Chi hội Nông dân nghề nghiệp nuôi biển huyện Đầm Hà với 36 thành viên.
Trong đó, ông Hoàng Văn Ngọ (trú tại thôn Phúc Tiến, xã Tân Lập) làm Chi hội trưởng; ông Hoàng Văn Thăng (cũng trú tại thôn Phúc Tiến, xã Tân Lập) làm Chi hội Phó.
Theo Quy chế hoạt động được thông qua, Chi hội Nông dân nghề nghiệp nuôi biển huyện Đầm Hà hoạt động dựa trên nguyên tắc "5 tự" và "5 cùng". Tham gia Chi hội, các thành viên sẽ cùng trao đổi thông tin về thời tiết nông vụ, thị trường, thiết bị, vật tư nông nghiệp, phương tiện sản xuất; chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; trao đổi về các sáng kiến, sáng tạo ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.