“Đừng đe dọa nước Nga!”
Cuộc khủng hoảng tiền tệ đã thổi một ngọn gió hốt hoảng vào dân chúng Nga, họ lao vào mua các mặt hàng tiêu dùng cần thiết dự phòng giá lên cao thêm. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga - Tổng thống V. Putin vẫn vững vàng trước những đe dọa của phương Tây. Ông cho rằng, người Nga sẽ vượt qua được những thời khắc khó khăn này và kinh tế Nga sẽ phát triển trong vài năm tới.
Người dân Nga bước vào năm mới 2015, với con mắt dán vào bảng giá. Getty
Vào đúng thời điểm nước Nga đang chật vật để thoát khỏi sự suy thoái do những lệnh cấm vận của phương Tây gây ra, thì những đòn trừng phạt từ phía Mỹ và châu Âu lại tiếp tục tung ra khiến Nga bị siết chặt hơn trong vòng vây phong tỏa.
Ngày 20.12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ban hành một loạt các chế tài chống lại Crimea bằng một lệnh hành chính cấm xuất khẩu các hàng hoá và dịch vụ chính yếu của Mỹ và ngăn chặn việc nhập khẩu hàng hoá của Crimea.
Việc cấm buôn bán của Mỹ bao gồm những chế tài đối với 23 cá nhân và công ty được xác định là góp phần vào việc làm “mất ổn định” tại miền đông Ukraine.
Trước đó một ngày, Tổng thống Obama cũng đã ký ban hành một đạo luật cho phép áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt Mátxcơva vì “sự ủng hộ của Nga đối với cuộc nổi dậy đòi ly khai ở Ukraine” gần biên giới Nga.
Luật ủng hộ Ukraine cũng cho phép viện trợ quân sự sát thương và không sát thương trị giá 350 triệu USD cho Ukraine, gồm có những vũ khí chống tăng, đạn dược và máy bay không người lái do thám.
Phản ứng cứng rắn trước những biện pháp mới của Mỹ, Tổng thống Nga Putin cho biết, Nga sẽ không lùi bước trong việc “ủng hộ những người yêu nước” tại Crimea. Ông Putin nhấn mạnh: “Không ai có thể thành công khi muốn hăm dọa, ngăn cản hay cô lập nước Nga”.
Giữa lúc cuộc khủng hoảng kinh tế của Nga ngày càng sâu rộng, Tổng thống Putin yêu cầu người dân Nga chuẩn bị “chịu đựng một vài khó khăn” trong những ngày tháng sắp tới.
Nga sẽ phải thắt lưng buộc bụng?
Tính đến ngày 21.12, đồng rúp đã mất một nửa giá trị so với đồng đô la (USD) và lạm phát đang tăng nhanh. Theo ước tính của Bộ Phát triển Nga, giá thực phẩm ở Nga sẽ tăng 12% trong giai đoạn cuối năm 2014 và những tháng đầu tiên của năm 2015, mức lạm phát sẽ vượt lên 10%.
Thêm vào đó, Chính phủ Nga trong tương lai gần sẽ phải nghĩ tới việc cắt giảm mạnh chi tiêu ngân sách bởi giá dầu cứ giảm 1 USD thì sẽ khiến ngân sách của nước này mất khoảng 2 tỷ USD mỗi năm. Trong 5 năm qua, phần đóng góp của dầu mỏ trong ngân sách Nga vẫn chiếm 50%, và nếu giá dầu không tăng thì theo một số tính toán, Nga sẽ mất 40-60 tỷ USD trong năm tới.
Theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, với giá dầu thấp và đồng rúp yếu như hiện nay, ngân sách Nga năm tới sẽ thâm hụt 500 tỷ rúp. Cùng với thiệt hại do nhập khẩu giảm và tăng trưởng GDP chậm lại, ngân sách sẽ thâm hụt tổng cộng 1.000 tỷ rúp, tương đương 6,6% dự toán thu ngân sách.
Theo BBC, giới phân tích cho rằng khoản thâm hụt này không thể bù đắp bằng dự trữ và các nguồn khác nên nhiều khả năng Nga sẽ phải cắt giảm chi tiêu.
Thêm vào đó, giới chuyên gia cho rằng dự trữ quốc gia chỉ đủ sử dụng trong tối đa là hai năm. Tính đến ngày 1.12, dự trữ ngoại tệ của Nga là 418,8 tỷ USD. Trong khi đó, toàn bộ ngân sách Liên bang năm 2014 là 314 tỷ USD. Chuyên gia Oleg Buklemishev- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách kinh tế thuộc khoa Kinh tế Đại học Quốc gia Mátxcơva, lưu ý con số dự trữ là tính cả giấy tờ có giá của nước ngoài mà Chính phủ Nga nắm giữ, Quỹ Phúc lợi quốc gia (82 tỷ USD) và Quỹ Dự trữ (90 tỷ USD). Chỉ trong năm nay Nga đã chi hơn 80 tỷ USD để hỗ trợ đồng rúp. Nhà kinh tế trưởng của URALSIB Capital, ông Alexey Deviatkov, cho rằng nếu giá dầu ở mức 80 USD/thùng thì GDP của Nga dự kiến giảm 3-4%. Ông cũng thận trọng khi nói rằng khó có thể nói chính xác bởi điều này phụ thuộc nhiều vào việc nhanh chóng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Tuy vậy, việc nền kinh tế Nga khủng hoảng thực tế không phải là tin tốt lành gì với phương Tây. Các đối tác kinh tế của Nga hiện đang hết sức lo ngại và trong đó Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có thể là nạn nhân lớn nhất từ sự suy thoái của Nga.
Ông Alexey Deviatkov cho rằng tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Nga rằng ngân sách trong năm tới sẽ thâm hụt 1.000 tỷ rúp là tín hiệu rõ ràng cho thấy cần phải giảm chi tiêu và quá trình điều chỉnh có thể được bắt đầu trong vài ba tháng tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.