Ở vùng rốn lũ Chương Mỹ, Hà Nội: Người dân vẫn ăn mì tôm qua ngày

Việt Tùng - Bùi Việt Trinh Thứ năm, ngày 19/10/2017 08:16 AM (GMT+7)
Vụ vỡ đê Bùi 2, thuộc xã Hoàng Văn Thụ (Chương Mỹ, Hà Nội) đã gây ngập Thị trấn Xuân Mai và các xã Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Thanh Bình và Đông Sơn, trong đó xã Nam Phương Tiến và Hoàng Văn Thụ là chịu thiệt hại nặng nề nhất. Đã 6 ngày trôi qua nhưng cuộc sống của người dân vẫn đi lại bằng thuyền là chủ yếu và ăn mì tôm đắp bữa qua ngày.
Bình luận 0

img

Sau 2 tuần vỡ đê Bùi 2, nước vẫn ngập ở nhiều nơi 

Trắng tay sau vài giờ đồng hồ

PV Dân Việt đã trở lại vùng rốn lũ sau một tuần vụ vỡ đê Bùi 2 xảy ra, song đời sống của người dân nơi đây vẫn chưa thể ổn định. Nhà cửa, ruộng vườn hầu hết vẫn còn ngập bì bõm trong nước, khiến mọi sinh hoạt bị đảo lộn hoàn toàn, việc đi lại cũng hạn chế và chủ yếu bằng thuyền nan là chính.

Rất may không gây thiệt hại về người, song đã gây thiệt hại rất lớn về các tài sản là vận dụng trong nhà của hàng nghìn gia đình, không chỉ vậy hàng trăm con lợn, hàng vạn con gà… đã bị chết ngập trong nước, gây thiệt hại hết sức nặng nề, nhiều gia đình bỗng chốc trở trắng tay chỉ sau vài giờ đồng hồ, khiến ai nấy đều rất xót xa…

img

Cuộc sống của người dân chưa thể trở lại bình thường vì nước vẫn đang ngập 

Dù tất cả 3ha hồ nuôi cá, với khối lượng cá lên đến cả nghìn tấn của chị Hoàng Thị Thu ở xã Nam Phương Tiến đã “không cánh mà bay”, theo dòng nước “biến” khỏi hồ của chị, song trong suy nghĩ của chị Thu dường như chưa bao giờ dám tin đó là sự thực.

“Nước về nhanh quá, ngập sâu quá, nên gia đình tôi không kịp trở tay. Hơn nữa hồ rộng, lúc đó có dùng lưới vây quanh hồ cũng không đủ lưới. Gia đình tôi chỉ kịp chạy vài thứ đồ dùng, còn hồ cá mất trắng. Mất hết rồi, gia đình tôi trắng tay rồi, bao nhiêu vốn liếng, công sức dồn hết vào hồ cá này, giờ đây còn lại mỗi… hồ nước. Quanh khu vực này, hầu như hộ nào nuôi cá cũng mất hết” – Chị Thu cho hay.

img

Cuộc sống chưa thể ổn định

Chúng tôi lội bì bõm trên con đường bê tông nối vào trong xóm, mà cách đây không lâu, nó là những con đường đẹp, là niềm mơ ước bao đời nay của người dân nơi đây. Hàng ngày người dân vẫn đi lại trên con đường này, nay nó đã biến thành… sông. Tất cả các phương tiện như xe đạp, xe máy hay ô tô đều… vô tác dụng. Và chỉ còn một loại phương tiện duy nhất để người dân có thể đi lại được đó là thuyền, nếu không muốn bơi hay lội bộ.

Còn nhớ, năm 2008 Hà Nội cũng đã từng xảy ra trận lụt lịch sử, trận lụt năm đó cũng đã nhấn chìm nhiều hoa màu, của cải, vật nuôi của người dân dưới lòng nước. Sự tàn khốc của trận lũ này đã khiến nhiều nơi phải mất hàng tháng trời khắc phục thì đời sống người dân mới đi vào ổn định.

img

Phương tiện để di chuyển quanh làng là thuyền 

So sánh trận lụt năm 2008 với trận lụt do vỡ đê Bùi 2 vừa qua, ông Nguyễn Tự Chinh, xóm Đồng Ngựa, xã Nam Phương Tiến cho biết: “Nước lũ về nhanh quá khiến chúng tôi không kịp trở tay. Cả xóm hỗ trợ nhau vận chuyển những vật dụng của gia đình lên vùng đất cao tránh lũ, song vẫn không thể kịp di dời hết, lợn, gà cũng vậy. So với trận lụt năm 2008, trận lụt nay năm đến nhanh và bất ngờ hơn, nước ngập sâu và lâu rút hơn, gây thiệt hại cũng nặng nề hơn rất nhiều”.

Mặc dù đã rút khỏi nền nhà của gia đình ông Chinh, song cuộc sống của gia đình ông vẫn chưa thể trở lại, bởi đường sá vẫn còn ngập chưa thể đi lại được. Hơn nữa, nước ngập khiến việc nấu nướng, tắm giặt cũng vô cùng khó khăn: “Mây hôm nay gia đình tôi phải mua thêm thùng nhựa để đựng nước sạch, nước khan hiếm, nên dùng việc gì cũng phải tiết kiệm. Nước sạch của yếu dùng cho việc ăn, uống, còn tắm giặt phải nhờ xã bên” – ông Chinh cho biết thêm.

img

Sau lũ nhiều nhà phải mua thêm bình trữ nước để có nước sạch dùng 

Không may mắn như gia đình ông Chinh, mặc dù đã 1 tuần trôi qua, nhưng trong nhà gia đình ông Đỗ Đình Quân, thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến vẫn ngập sâu trong nước. Ông Quân xắn quần lội vào trong nhà, ông thò tay mò xuống nước vớt lên một nắm lúa, nhiều hạt đã thối, hạt nảy mầm cười trong nước mắt nói:

 “Nhà tôi ở vùng trũng hơn, hơn nữa lúc đầu chẳng ai nghĩ nước lũ lại có thể dâng cao như thế, nên cứ kê kích trong nhà, chỗ nào cao nhất thì để. Ai ngờ lũ ngày một dâng cao, nên tất cả các vật dụng đều bị ướt hết. Trước khi lũ về, gia đình tôi vừa thu hoạch được hơn sào lúa, vừa chở về nhà chưa kịp tuốt, phơi phóng gì, thì lũ về nhấn chìm hết. Giờ  lúa mọc mầm hết rồi, chẳng còn hạt nào ăn được nữa!”.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh – Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, trận lụt do vỡ đê Bùi 2, xã có hơn 5ha hoa màu bị ngập, 78ha mặt nước nuôi trồng thủy sản bị mất trắng, 8ha cây ăn quả, 96.000 gia cầm, 5.600 gia súc bị ngập lụt…

img

Bữa cơm đạm bạc của cư dân vùng lũ 

Ngoài ra, cho đến nay xã vẫn còn 2 trường THCS, 1 trường Mầm non, 1 trường Tiểu học và 1 trường THCS khu A bị ngập, nên các học sinh vẫn chưa thể đến trường. Em Đỗ Bá Ngọc (học sinh lớp 6, trường Tiểu học Nam Phương Tiến) cho biết, từ hôm lũ về trường ngập hết nên nhà trường cho nghỉ học, em phải chuyển lên nhà ông nội để ở, hôm nay nước rút nhẹ nên em về phụ giúp bố mẹ dọn nhà. “Mây hôm nước lũ về không được đến trường, chúng em rất nhớ trường lớp, thầy cô. Chắc khi nước lũ rút hết, chúng em sẽ tham gia lao động vài hôm để dọn dẹp, lau chùi lại bàn ghế thì mới có thể tiếp tục học được” – Em Ngọc nói.

Theo ông Vĩnh, ít nhất phải 1 tuần nữa nước mới rút hết và các trường mới có thể trở lại học bình thường. Còn các hộ dân vùng ngập lụt, cũng phải nhất nhất mười ngày nữa, cuộc sống người dân mới có thể trở lại bình thường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem