Obama cứu thế giới thoát thảm họa thiên thạch?

Thứ năm, ngày 06/12/2012 06:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 5.11, một thiên thạch bay sát trái đất, nhưng nó không đâm xuống nơi chúng ta đang sống. Vấn đề không còn là “liệu” có xảy ra cú “dội bom” đó hay không, mà là “khi nào”…
Bình luận 0

Theo Ian O'Neill, nhà sản xuất chuyên mục khoa học không gian của kênh TV Discovery, một ngày trước cuộc bầu cử tổng thống (TT) Mỹ (6.11.2012), một tiểu hành tinh rộng 1 dặm lặng lẽ bay trong không gian liên hành tinh. Nhưng khi thiên thạch được đặt tên 2007 PA8 này bay gần trái đất nhất ở khoảng cách 6,5 triệu km (hoặc 17 lần khoảng cách từ trái đất tới mặt trăng), Trạm quan sát Goldstone tại hoang mạc Mojave (California, Mỹ) đã thu được hình ảnh ra-đa về khối thiên thạch này.

Là một phần trong Chương trình quan sát các vật thể gần trái đất (NEOOP) của NASA, Goldstone thuộc mạng lưới các trạm quan sát quốc tế - gọi chung là “Canh gác vũ trụ” - chịu trách nhiệm phát hiện và giám sát các thiên thạch đe dọa địa cầu. Dù quỹ đạo của 2007 PA8 không được xem là đe dọa trực tiếp đến sự sống trên trái đất, nó được phân loại là “tiểu hành tinh gần trái đất”, một trong số 848 tiểu hành tinh đã được xác định đang bay trong chiều rộng 1km gần trái đất trên hành trình bay quanh mặt trời của chúng.

img
Ảnh minh họa

Khi nào thiên thạch va vào trái đất ?

“Cuộc phiêu lưu” của 2007 PA8 hoàn toàn bị lu mờ vì người ta chỉ chú ý cuộc bầu cử TT Mỹ, vì các chuyến bay “sát” trái đất của các tiểu hành tinh đã trở nên bình thường. Nhưng các nhà thiên văn học vẫn gióng lên tiếng chuông cảnh báo: các tiểu hành tinh có tiềm năng đe dọa sự sống loài người!

Hiện không nhà khoa học nào có thể dự báo chính xác khi nào thiên thạch va chạm với trái đất, nhưng chúng ta biết rằng trái đất sẽ bị va đập với các tiểu hành tinh lớn. Ví dụ thảm họa Tunguska từng san bằng một khu vực rộng lớn Siberia (với đường kính thiệt hại lên đến 2.150km2) vào năm 1908. Các nhà khoa học cho rằng một tiểu hành tinh đã đâm sầm vào một khu vực ít dân cư nhất trên thế giới, nổ tung trên mặt đất và hủy diệt một mảng rừng lớn ở Siberia.

Dù có nhiều đánh giá khác nhau, khối thiên thạch trong vụ Tunguska được cho là có đường kính nhỏ hơn 100m. Khi so sánh với tiểu hành tinh 2007 PA8 với kích thước rộng hơn 1,6km, thì thiên thạch Tunguska quá bé. Tuy nhiên việc cả một cánh rừng ở Siberia bị san bằng thì tác động của tiểu hành tinh “nhỏ” ấy chẳng khác một trận đại hồng thủy.

Các thống kê cho thấy trái đất đã bị va đập bởi một tiểu thiên thạch tương tự vụ Tunguska xảy ra cứ mỗi 100 - 200 năm/lần. Câu hỏi cho thảm họa “ngày tận thế” không còn là “liệu” mà phải là “khi nào?”. Cựu phi hành gia vũ trụ Ed Lu sử dụng thảm họa Tunguska như một minh chứng sống động và là một động lực để cải thiện việc phát hiện và theo dõi các tiểu hành tinh “lang thang”.

Dù những tiểu thiên thạch cỡ lớn như 2007 PA8 thu hút sự chú ý, người ta cho rằng khoảng 93% các tiểu hành tinh gần trái đất với bề rộng hơn 1km đã được phát hiện. Nhưng một quan ngại khác là những tiểu hành tinh nhỏ hơn 1km thì không dễ bị phát hiện, và nó vẫn đủ sức tàn phá cả một khu đô thị lớn. Đây là động lực cho kế hoạch của Quỹ B612 để tài trợ, xây dựng và phóng viễn vọng kính không gian dùng vào việc săn lùng các tiểu hành tinh từ năm 2018.

Như phim “tai lừa”?

Đó là lý do TT Obama thúc đẩy kế hoạch NASA cử một chuyến bay có người lái đến một tiểu hành tinh vào năm 2025. Hệt như đoàn thám hiểm các hành tinh dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Tai lừa của loạt phim TV khoa học viễn tưởng Star Trek (Mỹ). Vào thời TT George Bush, kế hoạch này hiếm khi được đề cập.

Trong chương trình Constellation (thay thế lớp tàu con thoi), mục tiêu chính là đưa loài người trở lại chị Hằng, lập cơ sở để loài người bay đến sao Hỏa. Năm 2009, TT Obama ra lệnh điều tra chương trình tốn kém này.

Ủy ban Augustine phát hiện hệ thống tên lửa mới đang bị chậm tiến độ vì thiếu kinh phí, nên Constellation bị hủy. Nhưng một phần kế hoạch của chương trình được giữ lại: một tàu vũ trụ đa năng không cánh, có tên Orion, sẽ là một phiên bản của lớp tàu con thoi kỹ thuật cao từng lập sứ mạng lịch sử là đưa người vào vũ trụ rồi trở về trái đất an toàn dù xuyên qua bầu khí quyển siêu nóng.

NASA hiện phát triển Orion trong chương trình mới là Space Launch System (SLS). Dù còn gây tranh cãi nhưng SLS được xem là giải pháp tiết kiệm hiệu quả cho chương trình đưa người vào vũ trụ vốn gặp nhiều trục trặc.

Theo NASA, SLS ngoài khả năng chuyên chở hàng hóa và người lên vũ trụ, còn giúp NASA giảm sự lệ thuộc các cơ quan không gian nước ngoài trong việc đưa các nhà du hành vũ trụ Mỹ lên quỹ đạo, mà vẫn giữ được mục tiêu chính của NASA là đẩy mạnh các chuyến bay vũ trụ có người lái.

Từ lúc lớp tàu con thoi vũ trụ 30 năm tuổi được cho “nghỉ hưu” hồi năm 2011, NASA phải dựa vào Nga để đưa các nhà du hành vũ trụ lên Trạm không gian quốc tế (ISS), điều khiến nhiều người Mỹ cảm thấy tự ái.

Các công ty tư nhân như SpaceX và Orbital Sciences Corp đã ký hợp đồng với NASA, để xây dựng tàu vũ trụ thương mại, với mục đích giúp Mỹ thoát khỏi sự lệ thuộc nước ngoài, trong khi SLS sẽ bay vượt khỏi quỹ đạo thấp của trái đất, đưa các nhà du hành vũ trụ đến một tiểu hành tinh và một lần nữa tạo thành trụ cột cho sứ mạng bay đến sao Hỏa vào giữa thập niên 2030.

Theo Thế giới & Hội nhập
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem