Cầu thủ nữ và nỗi gian truân để sống với nghề

Thứ ba, ngày 03/08/2021 12:40 PM (GMT+7)
Để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp không dễ. Độ khó của nhiệm vụ này sẽ càng tăng lên gấp bội khi bạn là một cầu thủ nữ và nuôi giấc mơ trong môi trường bóng đá Nhật Bản. Khó ra sao, khổ thế nào? Cùng nghe câu chuyện của Yuki Nagasato, huyền thoại bóng đá nữ Nhật Bản, về những trải nghiệm trở thành cầu thủ bóng đá.
Bình luận 0

Bóng đá nữ không phải là…bóng đá?

Bóng đá không phải là môn thể thao số 1 ở Nhật Bản và bóng đá nữ lại càng không. Theo thống kê, chỉ có vỏn vẹn 3,3% cầu thủ bóng đá được đăng ký ở Nhật là nữ. Trong khi những trận đấu quan trọng ở Mỹ có thể hút từ 20.000 đến 30.000 CĐV tới sân, thì một trận chung kết bóng đá nữ ở Nhật cũng chỉ có khoảng 1.000 – 1.500 người dự khán. Cũng chính vì vậy, chọn trở thành một cầu thủ bóng đá ở Nhật, đối với nữ giới, là một quyết định mạo hiểm. Huyền thoại bóng đá nữ Nhật Bản, Yuki Nagasato đã chọn chơi canh bạc lớn này từ khi còn là một cô bé.

Năm 2011, bóng đá nữ Nhật Bản đã tạo ra một cơn địa chấn gây rung chuyển thế giới khi đánh bại đế chế Mỹ trong trận chung kết World Cup. Yuki Nagasato cũng góp mặt trong trận đấu lịch sử đó. Vào thời khắc tiếng còi mãn cuộc vang lên, các nữ cầu thủ, trong đó có Yuki nghĩ rằng đang có một lễ hội mừng công ở Nhật Bản.

Cầu thủ nữ và nỗi gian truân để sống với nghề - Ảnh 1.

Huyền thoại Yuki Nagasato tâm sự phải rất quyết tâm mới theo được nghề bóng đá tại Nhật Bản

Tuy nhiên, theo phóng viên Philip Patrick (tờ The Guardian) - người đã xem trận chung kết giữa Nhật và Mỹ ở thủ đô Tokyo - thì đài NHK chỉ dành 1/4 khung hình để tường thuật trận đấu giữa Nhật và Mỹ, phần còn lại, họ cho phát thông báo về việc “chỉ còn 1 tuần nữa là hoàn tất quá trình chuyển đổi từ analog sang kỹ thuật số”. Patrick gọi đây là một sự xúc phạm đối với bóng đá nữ.

Yuki cho biết, từng có một thời gian người Nhật không coi bóng đá nữ là bóng đá thật sự. Các giải đấu nữ ở Nhật thậm chí còn áp dụng luật riêng khác hoàn toàn với bóng đá nam: Sân đấu nhỏ hơn, trái bóng dành riêng cho nữ, một hiệp đấu chỉ kéo dài 25 phút và trong những tình huống có thể gây tổn thương cho bộ ngực, cầu thủ được phép… dùng tay.

Bóng đá và niềm vui

Yuki tâm sự, cô đã quen với việc thi đấu trong một bầu không khí ảm đạm trên các sân bóng ở Nhật Bản, và hồi tưởng lại bản thân đã sốc đến nhường nào khi được chơi bóng trong những tiếng hô vang của NHM tại Đức hay Anh. Xác định sẽ sống chết cùng bóng đá, Yuki tìm đường sang châu Âu chơi bóng từ khá sớm và sống được bằng nghề. “Tôi có thể nuôi niềm đam mê của bản thân, nhưng ở Nhật, chuyện cầu thủ nữ sáng đi tập, tối đi làm thêm là bình thường. Đa số các đội bóng nữ ở Nhật thậm chí còn không có sân tập cố định”, Yuki nói.

Yuki nhớ lại rằng, 10 – 15 năm về trước, cầu thủ nữ dù tập luyện gian khổ hơn đàn ông gấp bội, nhưng cơ hội để được một CLB nào đó nhận thử việc và kế đến là ký hợp đồng chuyên nghiệp không hề đơn giản. “Bóng đá nữ ở Nhật nói riêng và thế giới nói chung trong quá khứ cạnh tranh rất khủng khiếp. Để có được một vị trí, bạn phải cạnh tranh, phải nổi bật hơn tất cả. Bạn phải hy sinh rất nhiều để có thể sống với nghề này. Ngày nay thì dễ thở hơn nhiều rồi”, Yuki cho biết.

Rời Nhật Bản từ cách đây 11 năm, Yuki chỉ về nước mỗi khi ĐTQG nữ hội quân. Cô cống hiến cho ĐTQG 12 năm nhưng kỳ lạ thay, Yuki chưa bao giờ cảm thấy niềm vui khi thi đấu cho Nadeshiko (biệt danh nổi tiếng của ĐT nữ Nhật). “Thú thật, tôi không nhìn thấy niềm vui khi thi đấu của các đồng đội. Họ là những con người đầy trách nhiệm, nhưng họ thiếu một thứ: Năng lượng”, Yuki nói.

Cầu thủ nữ và nỗi gian truân để sống với nghề - Ảnh 2.

“Kể từ khi rời ĐTQG Nhật, tôi cảm thấy vui hơn và bắt đầu cười nhiều hơn khi chơi bóng. Tôi cũng không hiểu tại sao. Bóng đá không hoàn toàn là một phần trong cuộc sống của tôi trước khi tôi rời ĐTQG. Nhưng giờ đây, nó trở thành niềm vui, thành thứ gì đó còn lớn hơn cả thể thao. Tôi đang cảm thấy bóng đá chạm vào trái tim và tâm hồn của mình. Tôi luôn nói với các cầu thủ trẻ rằng, đừng chơi bóng nếu bạn không cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc khi được chơi bóng”, nữ cầu thủ này nói thêm.

Cuối cùng Yuki cho biết thêm, cho dù bóng đá nữ ở Nhật đã phát triển rất mạnh so với quá khứ, nhưng cô không có ý định trở lại Nhật Bản chơi bóng. “Có nhiều cơ hội cho tôi hơn khi chơi bóng ở châu Âu hoặc Mỹ. Tôi chưa biết bản thân sẽ thế nào sau khi từ bỏ bóng đá, nhưng tôi có nhiều kế họach ở Mỹ như… chơi trống, vẽ tranh hoặc làm những thứ lặt vặt liên quan đến nghệ thuật”.

Hồ sơ Yuki Nagasato

- Tên đầy đủ: Yuki Nagasato
- Ngày sinh: 15/7/1987 (34 tuổi)
- Nơi sinh: Atsugi, Kanagawa, Nhật Bản
- Chiều cao: 1m68
- Vị trí: Tiền đạo
- Sự nghiệp: Nippon TV Beleza (2001–2009), Turbine Potsdam (2010–2013), Chelsea (2013–2014), Wolfsburg (2015), Frankfurt (2015–2017), Chicago Red Stars (2017–2020), Brisbane Roar (2018–2019, mượn), Hayabusa Eleven (2020, mượn), Racing Louisville (2021 - nay).

Yuki đi vào lịch sử bóng đá Nhật Bản
Tháng 9/2020, Yuki Nagasato tạo ra một sự kiện gây chấn động làng bóng đá Nhật Bản khi gia nhập CLB Hayabusa Eleven – một đội bóng… nam, theo dạng cho mượn. Cô trở thành nữ cầu thủ đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản thi đấu cho một CLB nam. Hayabusa Eleven chính là đội bóng mà anh trai của Yuki, Genki đang thi đấu. CLB này nằm ở quê nhà của Yuki: Kanagawa.

14 - Yuki Nagasato đã giành tổng cộng 14 danh hiệu trong sự nghiệp, trong đó có những chức vô địch cực kỳ danh giá như Bundesliga (2010, 2011), Champions League 2010 (đều cùng Turbine Potsdam) và FIFA World Cup 2011.

Thạch Long (Theo Bóng Đá Plus)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem