Ông Ích Khiêm đi xem mắt vợ: Trộm mía bị phú ông bắt nhốt lại

N.V Thứ sáu, ngày 05/07/2024 22:40 PM (GMT+7)
Kiểu dùng mẹo để coi mắt vợ như Ông Ích Khiêm để cho con gái nhà phú hộ bộc lộ nội tâm rồi định đoạt, cách làm này quả là không giống ai. Và có lẽ từ thượng cổ cho đến nay duy chỉ có Ông Ích Khiêm mới dám làm như vậy.
Bình luận 0

Ông Ích Khiêm tự mình đi xem mắt vợ

Theo sách "Đại Nam chính biên liệt truyện", Ông Ích Khiêm sinh ngày 21 tháng 12 năm Mậu Tý (tức 25/1/1829) tại làng Phong Lệ, tổng Thanh Quýt, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là khu vực Phong Lệ Bắc, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng). Tổ tiên của Ông Ích Khiêm vốn là người dân tộc miền núi xuống định cư và làm ruộng ở miền xuôi. Cha ông là Ông Văn Điều và mẹ là Võ Thị Cốt. Ông Ích Khiêm sinh ra trong một gia đình nông dân đông con, gồm 8 trai 5 gái, ông Khiêm là người con thứ tư sau 3 chị gái và là con trai đầu.

Thuở nhỏ, ông vừa chăn trâu cắt cỏ vừa theo học với người chú là Ông Văn Trị. Ông thông minh, chăm học nhưng cũng rất nghịch ngợm. Lớn lên, ngoài tài văn võ, ông còn nổi tiếng là người chính trực, là một vị tướng khẳng khái, mưu lược và biết thương yêu quân sĩ. Là người tài kiêm văn võ và từng làm đến chức Tiễu phủ sứ nên dân địa phương thường gọi ông là "ông Tiểu Phong Lệ" rồi được phong tước hiệu Kiên dũng nam. Với tính khí khái, cương trực, ghét thói xu phụ nên nhiều lần bị giáng chức rồi được phục hồi, lại bị giáng, lại phục hồi...

Ông Ích Khiêm đi xem mắt vợ: Trộm mía bị phú ông bắt nhốt lại- Ảnh 1.

Ông Ích Khiêm tự mình đi chọn vợ. Ảnh: Báo Bình Phước.

Cũng sách trên cho biết, vào năm Thiệu Trị thứ 7 (Đinh Mùi - 1847), Ông Ích Khiêm tham dự kỳ thi Hương ở trường thi Bình Định và ông đã đỗ cử nhân nhờ sự sáng suốt của vị quan chánh chủ khảo là Vũ Duy Thanh (1807-1859). Ông Thanh đã quyết cho Ông Ích Khiêm đỗ với lời phê trong quyển thi rằng: Bài này tuy lời văn không được chau chuốt, chữ viết xấu nhưng ý tứ dồi dào. Qua bài này, ta thấy thí sinh phải là người có lòng yêu dân thương nước cao, có chí ngang tàng, có lòng cương trực thì mới viết được như thế. Khi đó, Ông Ích Khiêm mới tròn 15 tuổi và là người đỗ cử nhân trẻ tuổi nhất trong lịch sử các khoa thi của triều đại nhà Nguyễn. Trong kỳ thi này, tại trường thi Bình Định có 46 người đỗ và Ông Ích Khiêm được xếp thứ 14. Sau khi thi đỗ cử nhân, Ông Ích Khiêm được triều đình Huế bổ làm Tri huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

Cho đến ngày nay, ở vùng quê ông người ta vẫn còn truyền nhau giai thoại về việc Ông Ích Khiêm chủ động tự đi xem mắt vợ, nói cách khác là đi chọn vợ cho mình. Chuyện xưa kể lại rằng, khi đã trưởng thành, Ông Ích Khiêm cũng như mọi người là tính đến chuyện lập gia thất. Ngày xưa, lễ giáo trong gia đình cũng như ngoài xã hội luôn nghiêm ngặt, chuyện dựng vợ gả chồng đều do các bậc sinh thành xếp đặt và quyết định. Việc đi xem mắt con dâu tương lai của gia đình mình cũng chỉ là đến xem cách ăn nói, thưa trình, cử chỉ, dáng điệu có được đoan trang, thùy mị và có siêng năng hay không. Nhưng đối với Ông Ích Khiêm, ông đã tự ý làm một việc khác lạ hơn người.

Thời ấy, ở làng bên cạnh có một gia đình phú hộ có hai cô con gái đến tuổi cặp kê, nhà lại nhiều ruộng mía. Một hôm, với mục đích là gặp cho được hai cô con gái của gia đình phú hộ để xem cô chị hay cô em ai hơn ai, Ông Ích Khiêm vác dao qua ruộng mía của gia đình phú hộ kia, rồi đốn hạ một ít giả làm như đốn trộm mía đem bán. Sự việc được gia nhân của ông phú hộ biết và đã về báo với chủ. Ông phú hộ truyền cho người nhà bắt ngay kẻ không biết từ đâu đến mà dám cả gan phá hoại tài sản của ông. Thế là Ông Ích Khiêm bị bắt và bị trói lại dẫn về nhà giam giữ để chờ ngày mai đưa lên huyện đường xét xử. Khi ấy, hai cô con gái ông phú hộ cũng tò mò xuống xem mặt anh chàng nào mà lại to gan dám phá mía của người giàu có và thế lực trong vùng.

Cô chị khi thấy Ông Ích Khiêm thì thốt lời khinh bỉ có ý coi như kẻ trộm cắp và dặn chừng gia nhân dứt khoát phải bỏ đói để cho tên trộm sợ mà chừa thói xấu. Nhưng cô em thấy vậy lại có từ tâm, lén đem cơm nước cho tên trộm ăn tử tế. Từ đó, Ông Ích Khiêm đã ngầm chấm cô em làm người nâng khăn sửa túi cho mình sau này. Sáng hôm sau, trước khi dẫn kẻ trộm lên huyện đường xét xử, ông phú hộ cho người nhà qua làng của Ông Ích Khiêm mời một vị hương chức trong làng tới để chứng kiến sự việc trước khi phân xử. Khi vào đến sân, thấy Ông Ích Khiêm bị trói ngồi giữa sân, vị hương chức kia hoảng kinh rồi vội bước đến vừa sụp lạy mà nói rằng:

- Tại sao quan "Cử" lại đến như thế này.

Đến khi ấy, ông phú hộ mới bạt vía, lật đật bước xuống sân và thân hành cởi trói cho Ông Ích Khiêm và xin lỗi rối rít, vì ông ta biết rằng trước sau gì tên giả vờ trộm mía này cũng trở thành bậc "Phụ mẫu chi dân".

Kiểu dùng mẹo để coi mắt vợ như Ông Ích Khiêm để cho con gái nhà phú hộ bộc lộ nội tâm rồi định đoạt, cách làm này quả là không giống ai. Và có lẽ từ thượng cổ cho đến nay duy chỉ có Ông Ích Khiêm mới dám làm như vậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem