Ông lớn Hòa Phát tính thắng trong nuôi lợn?

Ngọc Lê- Đình Thắng Thứ năm, ngày 02/06/2016 09:13 AM (GMT+7)
Hòa Phát chỉ đơn thuần đầu tư tài chính. Họ lấn sang lĩnh vực thức ăn chăn nuôi “đã kinh”, chứ ít ai nghĩ đến việc Hòa Phát đầu tư nuôi cả lợn.
Bình luận 0

img

Từ một doanh nghiệp sản xuất thép, Hòa Phát chuyển sang nuôi lợn

Sự kiện Tập đoàn Hòa Phát- một doanh nghiệp chuyên về sản xuất thép, nhập 500 con lợn giống đầu tiên từ Đan Mạch về Việt Nam, chính thức đánh dấu việc tập đoàn này đặt chân vào nông nghiệp sau một thời gian âm thầm chuẩn bị.

Tháng 4.2015, Tập đoàn Hòa Phát đã chi 300 tỉ đồng để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) tại Hưng Yên với tham vọng sẽ tham gia vào thị trường TACN trong nước. Tại thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng, Hòa Phát chỉ đơn thuần đầu tư tài chính. Họ lấn sang lĩnh vực thức ăn chăn nuôi “đã kinh”, chứ ít ai nghĩ đến việc Hòa Phát đầu tư nuôi cả lợn.

Lý giải cho việc đầu tư sang lĩnh vực chăn nuôi, trả lời trên báo chí, ông Trần Tuấn Dương-Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho rằng, về thức ăn chăn nuôi, nhu cầu ở Việt Nam luôn đạt mức tăng khoảng 10%/năm, với nhu cầu dự báo đến năm 2015 là 18-20 triệu tấn thức ăn công nghiệp, doanh số lên tới 6 tỷ USD. Mặc dù tỷ suất lợi nhuận không cao, song ngành thức ăn chăn nuôi lại có quy mô lớn và rất tiềm năng. Đặc biệt, theo ông Dương, nếu hiệu quả, sau 10 năm, doanh thu trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi của Hòa Phát sẽ tương đương với thép hiện nay.

Việc Hòa Phát nhập 500 con lợn giống đầu tiên từ Đan Mạch, có thể hình dung, doanh nghiệp này đang hướng tới mô hình chăn nuôi khép kín theo kiểu của C.P và nhiều doanh nghiệp khác. Theo đó, đầu tiên cung cấp thức ăn, con giống, sau đó thiết lập các trang trại chăn nuôi, xây dựng nhà máy chế biến và mạng lưới phân phối, tạo thành chuỗi khép kín.

Theo thông báo của Tập đoàn Hòa Phát, dự kiến, sau khoảng 10 tuần nữa, Hòa Phát sẽ tiếp tục nhập đợt heo giống thuần chủng thứ hai về để nhân đàn, sinh sản. Dự kiến, Hòa Phát sẽ bắt đầu cung cấp lợn thịt, lợn giống từ đầu năm 2018 và đặt mục tiêu đạt 650.000 đầu lợn vào năm 2021.

Đánh giá về việc Tập đoàn Hòa Phát đầu tư vào nuôi lợn, ông Tống Xuân Chinh- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: “Bây giờ đã có nhiều công ty, tập đoàn, các tổ chức tư nhân đầu tư vào chăn nuôi, một số tổ chức đã có truyền thống đầu tư chăn nuôi, cũng có một số tổ chức từ các lĩnh vực khác như ngân hàng, xây dựng, thép… chuyển sang đầu tư cho chăn nuôi. Đây là một tín hiệu mừng khi ngành chăn nuôi được đánh giá là khó khăn khi hội nhập sâu vào sân chơi quốc tế, song các doanh nghiệp vẫn thấy rằng ngành chăn nuôi vẫn có tiềm năng lớn để phát triển, nên họ mới đầu tư và chúng tôi rất ủng hộ xu hướng này”.

Theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, việc “đại gia” Hòa Phát đầu tư vào nuôi lợn đánh dấu sự thành công trong việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. “Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, từ 2 năm nay Bộ NNPTNT đã có chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để tạo thành đầu tàu dẫn dắt chuỗi giá trị. Đây chính là tín hiệu đáng mừng của ngành nông nghiệp nước ta”- TS. Tuấn nói.

Thị trường TACN và chăn nuôi Việt Nam hiện đang rất sôi động với sự tham gia của hàng loạt tên tuổi lớn như C.P. Cargill… và gần đây là Massan, Hòa Phát, NutiFood, đó là chưa kể 2 đại gia trong chăn nuôi bò là TH và Hoàng Anh Gia Lai. Theo thống kê của Bộ NNPTNT, tổng sản lượng lợn hơi xuất chuồng trong nước năm 2015 đạt gần 3,5 triệu tấn, đó là chưa kể lượng thịt nhập khẩu từ nước ngoài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem