PGS-TS. Phạm Thế Anh: Cần thiết lập mức trần cho tỷ lệ cung tiền/GDP
PGS-TS. Phạm Thế Anh: Cần thiết lập mức trần cho tỷ lệ cung tiền/GDP
Huyền Anh
Thứ tư, ngày 30/11/2022 15:30 PM (GMT+7)
Dư địa tiền tệ hạn hẹp, nên nền kinh tế luôn phải đối mặt với sức ép tiềm ẩn về lạm phát hoặc bong bóng giá tài sản. Việt Nam cần thiết lập mức trần cho tỷ lệ cung tiền/GDP đồng thời hạ thấp tốc độ tăng trưởng cung tiền cho phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát mục tiêu.
Đó là khuyến nghị từ PGS-TS. Phạm Thế Anh -Kinh tế trưởng, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS).
Bong bóng giá tài sản gây ra bởi tỷ lệ cung tiền/GDP tăng nhanh
PGS-TS. Phạm Thế Anh cho biết, trong khoảng một thập kỉ qua, nền tảng tài khóa và chính sách tiền tệ của Việt Nam đã được cải thiện và đạt được những thành quả nhất định, đặc biệt là việc giảm tỷ lệ nợ công/GDP và kiểm soát tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, ổn định tỷ giá, nâng cao tín nhiệm và giữ được sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại chưa được giải quyết cũng như thách thức ở phía trước. Cụ thể, trong lĩnh vực tài khóa, cơ cấu thu ngân sách có cải thiện nhưng chưa thực sự bền vững với nhiều khoản phí và lệ phí mới phát sinh, trong khi các nguồn thu truyền thống bị giảm sút do hội nhập kinh tế quốc tế, và nguồn thu còn phụ thuộc vào việc bán tài sản nhà nước.
Kỷ luật ngân sách chưa được thực hiện tốt khi chi ngân sách luôn vượt dự toán. Quy mô tuyệt đối của nợ công tăng nhanh dẫn đến gánh nặng chi trả nợ gốc và lãi chiếm một phần đáng kể trong thu ngân sách hàng năm, khiến nguồn lực dành cho đầu tư phát triển rất hạn chế.
Trong khi đó, với chính sách tiền tệ, tăng trưởng cung tiền và tín dụng cao hơn nhiều so với tăng trưởng kinh tế khiến sức ép lạm phát và bong bóng giá tài sản luôn thường trực, lãi suất thực thấp, doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào tín dụng với hiệu quả chưa cao, sức khỏe của các tổ chức tín dụng chưa thực sự lành mạnh,…
Bên cạnh đó, bong bóng giá tài sản gây ra bởi tỷ lệ cung tiền/GDP tăng nhanh cũng là một mối đe dọa tiềm ẩn khác, theo Kinh tế trưởng VESS.
Đó là, không chỉ làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, mà còn hướng nguồn lực của nền kinh tế rời xa các hoạt động sản xuất vật chất đem lại sự thịnh vượng của nền kinh tế trong tương lai.
Nhìn chung, cả chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam đều có dư địa rất hạn hẹp và không được điều hành theo hướng nghịch chu kỳ để có khả năng giảm thiểu các cú sốc khi cần thiết.
Chính vì vậy, TS. Phạm Thế Anh cho rằng, khi đại dịch Covid-19 qua đi cũng là lúc Việt Nam cần củng cố lại các chính sách kinh tế vĩ mô, sửa chữa những yếu kém và xây dựng đệm hay dư địa chính sách để duy trì sự ổn định kinh tế cho mục tiêu tăng trưởng dài hạn.
Đó cũng là thời điểm để nhìn lại những điểm mạnh đạt được và những thách thức phía trước nhằm không chỉ nuôi dưỡng sự ổn định kinh tế vĩ mô, mà còn là nâng cao mức sống và tiến bộ xã hội.
Từ đó, Kinh tế trưởng VESS đưa ra một số định hướng chính sách nên được lưu ý.
Thứ nhất, với chính sách tài khóa, mục tiêu cao nhất phải là đảm bảo tính bền vững của nợ công thể hiện qua sự ổn định của quy mô nợ công trong mối tương quan với GDP và khả năng thu thuế của Chính phủ.
Bên cạnh đó, nghĩa vụ trả nợ gốc và nợ lãi hàng năm/thu ngân sách phải được duy trì ở mức thấp nhằm đảm bảo nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Cơ cấu thu – chi ngân sách phải được cải thiện theo hướng tăng tính bền vững của các nguồn thu và giảm chi cho tiêu dùng của bộ máy nhà nước.
"Chính sách tài khóa nên được thực hiện theo hướng nghịch chu kỳ kinh tế, tức là thắt chặt/thận trọng trong thời kì tăng trưởng cao và mở rộng/hào phóng trong thời kỳ nền kinh tế gặp phải các cú sốc tiêu cực. Một chính sách luôn mở rộng trong mọi thời kỳ sẽ không tạo được dư địa (đệm) tài khóa hỗ trợ cho nền kinh tế khi gặp khó khăn", Kinh tế trưởng VESS nhấn mạnh.
Hai là, để tiếp tục ổn định được giá cả và giá trị nội tệ, chính sách tiền tệ nên được giải phóng khỏi mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng hay gián tiếp tài trợ thâm hụt ngân sách, đặc biệt là trong dài hạn.
Ngoài ra, do dư địa tiền tệ hạn hẹp, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch, nên nền kinh tế luôn phải đối mặt với sức ép tiềm ẩn về lạm phát hoặc bong bóng giá tài sản.
Những rủi ro này nếu xảy ra sẽ không chỉ làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, mà còn hướng nguồn lực của nền kinh tế rời xa các hoạt động sản xuất vật chất đem lại sự thịnh vượng cho xã hội trong tương lai.
Do vậy, Việt Nam cần thiết lập mức trần cho tỷ lệ cung tiền/GDP đồng thời hạ thấp tốc độ tăng trưởng cung tiền cho phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát mục tiêu.
Thống kê của TS. Phạm Thế Anh cho thấy, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng và tín dụng, nên mặc dù đã giảm mạnh trong những năm gần nhưng tốc độ tăng cung tiền của Việt Nam vẫn thuộc diện rất cao và vượt khá xa so với tốc độ tăng GDP theo giá hiện hành.
Kết quả là, kể từ năm 2016, tỷ lệ M2/GDP theo giá hiện hành của Việt Nam đã bỏ xa các nước trong khu vực ASEAN và hầu hết các nước châu Á khác (ngoại trừ Trung Quốc). Tỷ lệ M2/GDP và tín dụng/GDP tính đến cuối năm 2020 ước lần lượt vào khoảng 192,4% và 146,1%.
Trong khi đó, cách điều hành cung tiền ở các nước ASEAN cũng tương đối nghịch chu kỳ. Tỷ lệ cung tiền/GDP khá ổn định, thậm chí giảm nhẹ như ở Malaysia hay Thailand vào những năm nền kinh tế có tăng trưởng tốt, và tăng mạnh trong năm 2020 khi phải đối mặt với đại dịch Covid-19.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý, các chính sách giám sát nhằm cải thiện sức khỏe của hệ thống tài chính, kiểm soát nợ xấu, giám sát chặt chẽ dòng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, phi sản xuất,… cần được tăng cường để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả của hệ thống tài chính.
Bên cạnh đó, tính minh bạch và giải trình các hành động chính sách cần được cải thiện trong khi các can thiệp mang tính hành chính cần được giảm thiểu. Các chính sách vĩ mô phải được thực thi theo một cách có thể dự đoán được.
"Chỉ khi đó, tín nhiệm của các cơ quan thực thi chính sách mới được nâng cao, giúp doanh nghiệp và người dân có thể an tâm lập và thực hiện các kế hoạch sản xuất kinh doanh một cách lâu dài, đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế", TS. Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.