Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc thăm gặp phạm nhân đang thi hành án hình sự được quy định rất cụ thể trong Luật Thi hành án hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Mục đích nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho phạm nhân yên tâm cải tạo, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của phạm nhân, đây được coi là chính sách nhân văn, nhân đạo mà Nhà nước dành cho những phạm nhân thi hành án hình sự hiện nay.
Theo luật sư Đồng, Điều 4 Thông tư 182/2019/TT-BQP quy định ông, bà nội; ông, bà ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp; anh, chị, em ruột; anh, chị, em dâu, rể; anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột là những đối tượng được thăm gặp phạm nhân. Số lượng thân nhân mỗi lần đến thăm gặp không quá 3 người.
Ngoài ra, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác ngoài những người được quy định tại khoản 1 Điều 4 được thăm gặp phạm nhân nếu Thủ trưởng cơ sở giam giữ xét thấy phù hợp với yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm và công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân.
Về thủ tục thăm gặp phạm nhân, vị luật sư cho biết, cơ sở giam giữ cấp sổ thăm gặp theo mẫu thống nhất của cơ quan quản lý thi hành án hình sự đã ban hành.
Sổ thăm gặp được Thủ trưởng cơ sở giam giữ ký, đóng dấu và phải được Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học tập xác nhận danh sách những người là thân nhân của phạm nhân.
Thân nhân đến thăm gặp phạm nhân phải là người có tên trong sổ thăm gặp. Trường hợp thăm gặp lần đầu chưa có sổ thăm gặp hoặc cá nhân không có tên trong sổ thăm gặp thì phải có đơn xin thăm gặp có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học tập.
Đại diện cơ quan, tổ chức khi đến thăm gặp phạm nhân phải có công văn đề nghị cơ sở giam giữ xin thăm gặp phạm nhân. Trong công văn phải nêu rõ phạm nhân được thăm gặp, người đến thăm gặp, lý do thăm gặp, thời gian thăm gặp.
Theo vị luật sư, căn cứ Điều 52 Luật Thi hành án hình sự, phạm nhân được gặp thân nhân 1 lần trong 1 tháng, mỗi lần gặp không quá 1 giờ.
Nếu phạm nhân chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ, tích cực học tập, lao động, yêu cầu giáo dục, cải tạo hoặc để thực hiện quyền, nghĩa vụ của phạm nhân theo quy định của pháp luật, Thủ trưởng cơ sở giam giữ có thể kéo dài thời gian thăm gặp nhưng không quá 3 giờ hoặc được gặp vợ (chồng) ở phòng riêng không quá 24 giờ.
Phạm nhân được khen thưởng hoặc lập công được gặp thân nhân thêm 1 lần trong 1 tháng. Phạm nhân vi phạm nội quy cơ sở giam giữ thì 2 tháng được gặp thân nhân 1 lần, mỗi lần không quá 1 giờ.
Thủ trưởng cơ sở giam giữ phải tổ chức cho phạm nhân gặp thân nhân vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày Lễ, Tết. Thời gian tổ chức trong ngày do Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.