Nhóm 6 cầu thủ CLB Đồng Nai bán độ và cá độ trong trận đấu với CLB Than Quảng Ninh tại V-League 2014. Một tương lai rộng mở nhanh chóng sụp đổ với cựu cầu thủ U19 Việt Nam. Dù sau đó Thế Sơn được cơ quan điều tra kết luận không liên quan tới vụ án, "cái vết" ngày ấy vẫn cứ đeo bám anh cho đến nay. Gặp lại Sơn ở tuổi 26, anh trầm ngâm: "Mọi chuyện vẫn cứ như hôm qua. Tôi quá dại khi chỉ vì một câu nói không dứt khoát mà đỗ vỡ cả sự nghiệp. Cánh cửa bóng đá tôi gõ lại hoài nhằm có cơ hội sửa sai mà không thể mở. Thôi đành gác đam mê, chuyển sang con đường khác là buôn bán".
Thế Sơn của thời điểm trước khi dính vào lao lý là một cầu thủ trẻ được khá nhiều CLB chú ý, sau khi CLB Sài Gòn Xuân Thành tạo điều kiện thi đấu liên tục trong hai năm 2012-2013. Khi đội bóng của bầu Thụy giải tán, anh được CLB Đồng Nai mời về thi đấu năm 2014 và nằm trong hướng "cầu thủ nguồn" của đội ở tương lai gần, có thể thay thế đàn anh có tuổi như Phùng Quang Trung tương lai. "Đời tôi bươn trải đá bóng xa nhà từ năm 13 tuổi. Đó thực sự là thời gian tôi bắt đầu bước vào độ chín của sự nghiệp, 23 tuổi. Tuổi trẻ, lại có cơ hội thể hiện nên tôi tự tin, phơi phới lắm. Nghĩ rằng rồi đây mình sẽ có cơ hội tiến dài để không phụ lòng bố mẹ, thầy cô. Nhưng đời ai nói trước chữ ngờ".
Chữ "ngờ" của cầu thủ quê Bình Thuận chính là trước trận CLB Đồng Nai gặp Than Quảng Ninh tại Cẩm Phả ngày 20/7, anh bất ngờ nhận được câu nói "có gì mày giúp anh nhé" của một người đàn anh trong đội. Cũng chẳng kịp hiểu "giúp anh" là giúp gì, Sơn trả lời cho qua chuyện "anh cứ đá đi". Cuối cùng, chuyện bị bại lộ, nhóm 5 cầu thủ khác do đội trưởng Hữu Phát cầm đầu, trong đó có Sơn bị mời lên cơ quan điều tra làm rõ hành vi mua - bán độ, đánh bạc. "Lúc đấy tôi mới hiểu câu mà đàn anh nói". Trận này, lần đầu tiên Sơn được đá chính ở CLB Đồng Nai.
"Sau khi bị tạm giữ để điều tra, chỉ vài ngày sau là tôi được thả chứ không bị bắt tạm giam như các anh còn lại. Lý do là họ xác định tôi không tham gia vụ án. Khoảng một năm sau, tôi có quyết định đình chỉ điều tra, miễn truy tố trách nhiệm hình sự. Nỗi oan của tôi được giải tỏa. Tôi chỉ vì không dứt khoát, ậm ừ mà liên lụy. Nếu là bây giờ, chắc chắn tôi phản ứng khác, từ chối thẳng và hiểu được vấn đề sẽ báo ngay ban huấn luyện chứ không để mọi chuyện như vậy. Nhưng với bóng đá, quyết định miễn truy tố của tôi dường như đã đến quá trễ để tôi bước tiếp con đường này", Sơn tâm sự.
Mấy ngày trong trại giam là những ngày dài như thế kỷ với Sơn. Ngồi kể lại Sơn còn nhiều cảm xúc: "Mỗi ngày trôi qua thật dài. Hàng ngày, khoảng 9-10 giờ sáng, có cán bộ điều tra viên mời lên làm việc. Xong tôi lại về phòng. Căn phòng chỉ có cánh cửa nhỏ cho ánh sáng lùa vào. Công việc duy nhất của tôi chỉ là ngồi nhìn cánh cửa nhỏ ấy và suy nghĩ miên man không dứt. Tôi không sợ tù tội vì tôi không làm nên rất tự tin.
Điều tôi lo là bố mẹ tôi ở nhà sẽ như thế nào khi hay tin tôi bị bắt. Ngày xưa khi đi đá bóng, ông bà có ý cản nhưng là út, lại thấy quyết tâm quá nên ông bà cho đi. Tưởng có chút sự nghiệp mang về khoe ông bà, nay lại chôn vùi theo cách này. Rồi nghĩ về những ánh mắt nhìn dị nghị mọi người dành cho bố mẹ tôi, dành cho tôi... Nghĩ vậy, tôi lại chảy nước mắt. Rồi tôi nghĩ về tương lai mình sẽ ra sao nếu được ra, được chứng minh không liên can nhưng vẫn không được quay lại với bóng đá. Mình sẽ làm gì đây để tồn tại, khi từ nhỏ đến lớn chỉ biết đá bóng".
Sau này khi cầm giấy quyết định đình chỉ điều tra với mình, đồng nghĩa trắng án, Sơn mừng lắm. "Tôi mừng vì có tấm giấy này, bố mẹ không còn phải cúi mặt xuống khi nhìn người khác nữa. Bởi đó là tấm giấy chứng minh tôi vô tội. Tôi mừng vì nghĩ cơ hội trở lại với bóng đá chuyên nghiệp mở ra. Nhưng cái gì cũng mở ra, chỉ có bóng đá là khép lại với tôi", giọng Sơn trầm buồn. Sau vụ việc, Sơn cùng các đàn anh không còn con đường quay lại bóng đá chuyên nghiệp khi VFF quyết định treo giò vĩnh viễn.
Một hành trình mới mở ra với cựu thành viên đội U19 Việt Nam dưới thời HLV Triệu Quang Hà. Đó là hành trình gõ cửa VFF nhằm vớt vát cơ hội được tiếp tục con đường bóng đá. Giai đoạn đó, năm 2015-2016, Sơn đi TP HCM - Hà Nội và ngược lại như con thoi để gặp lãnh đạo VFF trình bày chuyện của bản thân. Tốn kém tiền bạc trong lúc ngặt nghèo, tốn thời gian của tuổi trẻ nhưng câu trả lời dành cho Sơn vẫn là không.
"Khi đó tôi chưa định hình được mình sẽ làm gì mà chỉ biết cố gắng tìm cách quay lại với bóng đá. Tôi tốn hàng trăm triệu, ăn dầm nằm dề ngoài Hà Nội để gặp các chú bên VFF. Tôi đi mọi cửa có thể, gồm cả việc mời luật sư, để có cơ hội trình bày nỗi oan của mình. Tuy nhiên, cuối cùng tôi nhận được email phúc đáp rằng VFF không thay đổi quyết định. Mất cả năm đi lại không có kết quả, tôi quá chán nản và nghĩ đến việc buông bóng đá, dù trong lòng còn rất luyến tiếc bởi tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ. Giờ tôi vẫn còn muốn được quay lại nhưng xem ra chỉ là hy vọng của bản thân mình", Sơn nói với giọng có vẻ buồn và ấm ức vì cơ quan điều tra kết luận không liên quan nhưng VFF quyết giữ nguyên án treo giò.
Không có nghề nghiệp cụ thể vì theo bóng đá từ nhỏ, Sơn ngồi lại xem mình có thế mạnh nào và đam mê cái gì khác để từ đó vạch ra hướng đi. Cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo Hà Nội T&T quyết định kinh doanh. Sơn kể: "Giai đoạn đầu sau khi không bóng đá thực sự khá khó khăn với tôi. Tôi không mặc cảm vì mình không làm gì sai cả. Nhưng để kiếm tiền tự lo cho bản thân ở đất Sài Gòn vừa dễ lại vừa khó. Ngồi không mà ăn thì núi cũng mòn. Làm gì có lời ngay, lại ít vốn là điều tôi suy nghĩ. Thế rồi nhớ lại thời còn ở CLB Đồng Nai có buôn bán mỹ phẩm nên tôi chọn con đường buôn bán".
Quen nhiều anh em trong giới cầu thủ, lại được gợi ý, Sơn bán giày thể thao, quần áo và nước hoa. "Tất cả đều là hàng chính hãng xách tay từ nước ngoài về. Vì vậy, cùng với việc bạn bè ủng hộ, tôi cũng bán được đủ túc tắc qua ngày. Trước đi đá bóng, tại CLB Sài Gòn Xuân Thành và Đồng Nai, mỗi tháng nhận mấy chục triệu cả lương lẫn thưởng, giờ thì kiếm bạc cắc. Tuy nhiên, càng ở bước đường cùng tôi càng khám phá thêm nhiều điều thú vị về bản thân. Đây là hướng đi mà tôi chọn để bước tiếp sau này nên tôi phấn đấu học cách tiếp thị, đánh giá thị hiếu, giữ chân khách hàng, tìm nguồn hàng...", trông Sơn không khác gì mấy so với thời đá bóng về ngoại hình, nhưng cách nói chuyện đã có phần ra dáng người buôn bán.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.