Người dân Myanmar tham gia biểu tình vào tối ngày 12.3.
"Do cuộc đảo chính quân sự và hành vi bạo lực của lực lượng an ninh nhằm vào dân thường, người dân Myanmar đang chịu cuộc khủng hoảng nhân đạo phức tạp và tồi tệ ở nhiều nơi trên toàn quốc", Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas nói.
"Sau khi xem xét kỹ lưỡng tình trạng tồi tệ này, tôi tuyên bố tình trạng bảo vệ có thời hạn để công dân và thường trú nhân Myanmar có thể tạm thời tiếp tục ở lại Mỹ", tuyên bố cho biết.
Mỹ thường cấp quyền bảo vệ có thời hạn cho công dân một số quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến động chính trị hoặc thiên tai khiến những người này khó có thể quay về nước.
Quyết định thường có thời hạn 12 tháng, nhưng có thể được gia hạn nếu tình hình vẫn khó khăn hoặc mối đe dọa vẫn hiện hữu.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ nói việc quân đội Myanmar phát động đảo chính hôm 1.2 đã gây ra khủng hoảng kinh tế và thiếu hụt viện trợ nhân đạo, y tế. Cơ quan này cho biết những người phản đối cuộc đảo chính "phải đối mặt với tình trạng bị giam giữ tùy tiện, bị đe dọa hoặc chịu bạo lực chết người”.
“Tình cảnh đó ngăn công dân và thường trú nhân Myanmar trở về nước an toàn”, tuyên bố cho biết. Bộ An ninh Nội địa Mỹ ước tính có 1.600 người Myanmar tại Mỹ nằm trong diện được bảo vệ. Quy định mới dự kiến có thời hạn 18 tháng.
Hồi đầu tuần này, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho phép hơn 10.000 người Venezuela ở lại Mỹ vì bất ổn ở quốc gia Nam Mỹ. Sau khi lên nắm quyền, ông Biden vẫn giữ lập trường như người tiền nhiệm Donald Trump, công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là nhà lãnh đạo hợp pháp ở Venezuela.
Hôm 12.3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price chỉ trích việc cảnh sát Myanmar tấn công người biểu tình. “Chúng tôi kêu gọi quân đội và cảnh sát Myanmar chấm dứt các hành động bạo lực, trả tự do những người bị giam giữ vô cớ, khôi phục chính quyền dân chủ”, ông Price nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.