Pháp “trấn áp” Uber sau khi tài xế taxi gây bạo loạn

Thứ sáu, ngày 26/06/2015 08:30 AM (GMT+7)
Ngày 25.6, chính phủ Pháp đã ra lệnh cấm hoạt động đối với ứng dụng cung cấp dịch vụ taxi qua mạng Uber trên toàn quốc sau khi cuộc biểu tình chống Uber của hàng ngàn tài xế taxi nước này biến thành bạo loạn.
Bình luận 0

Trong ngày hôm qua, đông đảo tài xế của các hãng taxi thông thường đã tập trung tại các giao lộ lớn, đốt lốp xe, phong tỏa các tuyến đường tới sân bay ở thủ đô Paris, lật úp nhiều xe hơi và yêu cầu chính phủ chấm dứt hoạt động của Uber.

Pháp đã phải huy động cảnh sát chống bạo động để giải tán cuộc biểu tình, và đụng độ nổ ra đã khiến 7 cảnh sát bị thương, 10 người biểu tình bị bắt và 70 xe hơi bị phá hoại.

img
Tài xế taxi Pháp đốt lốp xe, đối đầu với cảnh sát chống bạo động để phản đối Uber

 

Đây là một trong những cuộc biểu tình dữ dội nhất từ trước tới nay ở châu Âu chống lại Uber, công ty có trụ sở tại Mỹ chuyên cung cấp ứng dụng đặt taxi qua điện thoại di động, với tổng giá trị lên tới hơn 40 tỉ USD.

Tại thủ đô Paris, các tài xế biểu tình phong tỏa đường tới sân bay Charles de Gaulle, gây ra cảnh tượng hỗn loạn giao thông, khiến nhiều hành khách phải đi bộ trên đường. Tuyến đường vành đai ở thủ đô cũng bị các tài xế taxi dùng xe chặn lại, buộc cảnh sát phải sử dụng hơi cay để can thiệp.

Người biểu tình cũng lập chướng ngại vật trên các tuyến đường ở thành phố Marseilles và Aix-en-Provence ở miền nam nước Pháp. Ông Serge Metz, chủ hãng taxi G7 tuyên bố: “Chúng tôi đang phải đối mặt với sự thách thức thường trực từ Uber, và chỉ có một cách đáp trả duy nhất: chặn đứng có hệ thống những phương tiện vi phạm”.

img
Giao thông tê liệt vì cuộc biểu tình của các tài xế taxi

 

Trước sức ép từ người biểu tình, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve đã phải ra lệnh cho cảnh sát Paris ra một nghị định cấm dịch vụ Uber hoạt động và tuyên bố những chủ xe nào vi phạm lệnh cấm này sẽ bị thu xe.

Ông Cazeneuve tuyên bố trên truyền hình tối qua: “Chính phủ sẽ không bao giờ chấp nhận luật rừng”. Ông cũng ra lệnh cho các cảnh sát trưởng và công tố viên địa phương điều tra việc Uber không chịu nộp các khoản thuế và phí xã hội ở Pháp.

Tuy nhiên chính phủ không chịu đáp ứng yêu sách chính của người biểu tình, đó là phong tỏa hoàn toàn ứng dụng Uber trên điện thoại di động, nền tảng để khách hàng kết nối với các tài xế Uber. Các quan chức chính phủ Pháp cho rằng quyết định như vậy chỉ có thể do tòa án đưa ra chứ không phải chính phủ.

img
Cảnh sát đẩy lại một chiếc xe bị người biểu tình lật úp

 

Đáp lại, người phát ngôn hãng Uber tại Pháp Thomas Meister cho rằng Bộ trưởng Nội vụ Cazeneuve đã có những hành động “quá thẩm quyền” trong việc cấm Uber hoạt động. Ông nói: “Cách mọi thứ vận hành theo pháp luật là chỉ có tòa án mới có quyền phán quyết điều gì đó là hợp pháp hay bất hợp pháp”.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Pháp cũng ra một đạo luật cấm khách hàng liên hệ với các tài xế taxi chưa đăng ký. Uber đã phản đối đạo luật này và cho rằng nó có những điều khoản không rõ ràng, đi ngược lại quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp

Ông Meister cho biết ông hy vọng Hội đồng Hiến pháp nước này sẽ xem xét lại đạo luật  trên trong 3 tháng tới đây, và Uber cho rằng một số quy định trong đạo luật này là vi hiến.

Trí Dũng (Theo Reuters)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem