Phát động đọc sách trong hệ thống Khuyến nông Việt Nam: Tích luỹ kiến thức, thay đổi chính mình

Thiên Hương Thứ năm, ngày 20/04/2023 06:00 AM (GMT+7)
Để làm tròn sứ mệnh "ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông", khuyến nông cần thay đổi tư duy từ khuyến nông truyền thống sang khuyến nông đổi mới. Trước hết là thay đổi về nhận thức, tích cực tham gia văn hoá đọc, tích luỹ kiến thức nhằm thay đổi chính mình, từ đó giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất.
Bình luận 0

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, sáng 19/4, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức buổi lễ "Phát động đọc sách trong hệ thống Khuyến nông Việt Nam", nhằm khơi dậy tinh thần ham học, thích đọc và lan toả văn hoá đọc đến toàn thể đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông nói riêng và nông dân cả nước nói chung. 

Nhiều nơi xây dựng hiệu quả Tủ sách khuyến nông

Chia sẻ tại buổi lễ, ông Lê Minh Lịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, tỷ lệ người Việt đọc sách còn thấp. Hiện chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng mới đọc sách và 26% không đọc sách. Bình quân mỗi năm, một người Việt Nam chỉ đọc khoảng 1 cuốn sách. 

Nếu tính giờ đọc sách trung bình trong một tuần, người Việt Nam chỉ dành ra chưa tới 1 giờ, trong khi người Ấn Độ đọc gần 11 giờ/tuần, người Đài Loan đọc 5 giờ/tuần, người Nhật Bản đọc 4 giờ/tuần, Hàn Quốc đọc 3 giờ/tuần,…

Trước thực trạng tỉ lệ đọc sách quá thấp, nước ta từng có nhiều mô hình nhằm cải thiện tình hình. Tuy nhiên, tỉ lệ đọc sách ở người dân vẫn cải thiện không đáng kể.

Đối với Khuyến nông Việt Nam, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh và các đơn vị xuất bản khoảng 20 đầu ấn phẩm khuyến nông mỗi năm, tương đương 120.000 bản được phát hành miễn phí đến 4.300 địa chỉ. Các ấn phẩm với nội dung phong phú đã góp phần giúp cán bộ khuyến nông và đông đảo bà con nông dân tiếp cận các chủ trương chính sách ngành nông nghiệp, tiến bộ kỹ thuật, thông tin thị trường..., từ đó góp phần phát triển sản xuất hiệu quả. 

Đặc biệt vài năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hỗ trợ các đơn vị hình thành Tủ sách khuyến nông. Thực tế cho thấy, nhiều tủ sách được các địa phương kết hợp cùng tủ sách cộng đồng, tủ sách nhà văn hóa, tủ sách pháp luật đã mang lại hiệu quả đáng kể. 

Phát động đọc sách trong hệ thống Khuyến nông Việt Nam: Tích luỹ kiến thức, thay đổi chính mình - Ảnh 2.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với các đơn vị, chuyên gia biên soạn, xuất bản nhiều ấn phẩm về nông nghiệp. Ảnh: Đ..T

Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những tủ sách chỉ để trưng bày bởi người dân còn nhiều thứ phải lo hơn là ngồi đọc sách.

Từ năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thực hiện thí điểm sách nói thể hiện bằng các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tiếp cận thông tin mọi lúc mọi nơi, kể cả khi đang làm việc. Ông Lịnh cho biết, năm 2023 và những năm tiếp theo, Trung tâm sẽ thực hiện "số hóa" sách giấy truyền thống sang phiên bản sách nói – sách audio nhằm mang lại sự tiện lợi cho người đọc.

Chia sẻ tại buổi lễ phát động, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT) – một người không chỉ đọc sách mà còn viết sách, đã chia sẻ một số kinh nghiệm về đọc sách. Ông Tuấn cho rằng, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, việc dành thời gian để đọc sách ngày càng giảm, nhất là trong giới trẻ. 

Để có thể yêu thích sách, chúng ta nên đọc từ rộng đến sâu. Một người dành vài năm đọc sách về một lĩnh vực, sẽ có thể trở thành chuyên gia về lĩnh vực đó. Vì thế chúng ta có thể đọc sách theo sở thích, theo nhóm, theo câu lạc bộ... 

Theo ông Tuấn, so với các nước phát triển, giá sách ở nước ta khá rẻ, vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được phong trào đọc sách và văn hóa đọc. Khi đọc sách, người đọc cũng cần biết cách chọn lọc sách để đọc. Khi đã xây dựng được thói quen và sự yêu thích với việc đọc sách, người đọc sẽ chủ động tìm sách và sẵn sàng bỏ tiền mua sách.

Trong khi đó, ông Trần Cao - Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam thì chia sẻ những trải nghiệm thú vị của bản thân khi đọc sách: "Tôi biết đến khuyến nông từ những năm 1997 -1998, khi tác nghiệp về đề tài lúa lai. Nhờ tìm đọc cuốn sách về sản xuất lúa lai F1, tôi đã hiểu thế nào là lúa lai 2 dòng, 3 dòng... Tôi đã có một bài viết đầy đủ, sâu sắc về đề tài lúa lai không kém một chuyên gia nông nghiệp". 

"Ngoài ra, có một cuốn sách khác tôi cũng rất thích về đề tài trồng mắc ca ở Việt Nam, do nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn viết. Nếu không đọc sách, thì không thể biết trồng mắc ca ở đâu phù hợp, cho năng suất hiệu quả cao nhất" - ông Cao cho biết. 

Đại diện Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng vẫn luôn động viên cán bộ, viên chức tích cực tìm đọc, duy trì và phát triển tủ sách khuyến nông. Mặc dù điều kiện kinh phí còn eo hẹp, song Trung tâm vẫn chú trọng mua một số cuốn sách có giá trị đối với sản xuất nông nghiệp. Ví dụ điển hình như cuốn sách về các giống hoa tại Đà Lạt; sách về toàn cảnh cảnh quan Đà Lạt... 

Những cuốn sách như vậy đã trở thành tài liệu quý, giúp người đọc nắm được đặc điểm, tiềm năng, lợi thế của Đà Lạt nói riêng, Lâm Đồng nói chung, từ đó khi chia sẻ, tuyên truyền với bà con nông dân sẽ hiệu quả hơn. 

Xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến nông chuyên nghiệp, nông dân chuyên nghiệp 

Phát động đọc sách trong hệ thống Khuyến nông Việt Nam: Tích luỹ kiến thức, thay đổi chính mình - Ảnh 4.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, cán bộ khuyến nông cần đọc rộng hơn, nắm bắt kiến thức nhiều hơn để giúp nông dân tiếp nhận tri thức, góp phần trở thành người nông dân chuyên nghiệp.

Phát biểu tại buổi lễ phát động đọc sách trong hệ thống Khuyến nông Việt Nam, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp là cầu nối quan trọng trong việc chuyển giao các thông tin sản xuất nông nghiệp đến với người dân một cách chính thống, đầy đủ, chính xác nhất. Hệ thống khuyến nông hiện nay đang đổi mới để thực hiện sứ mệnh: "Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông", muốn như vậy chúng ta phải trở thành người khuyến nông chuyên nghiệp và chỉ có kiến thức mới trở thành người khuyến nông chuyên nghiệp. 

"Trước hết là thay đổi về nhận thức, tích cực tham gia văn hoá đọc, lựa chọn sách đọc, nội dung đọc để tiếp cận, tích luỹ kiến thức hữu ích nhất nhằm thay đổi chính mình và từ đó chuyển tải thông tin, giúp nông dân thay đổi cách tiếp cận, cách nghĩ, cách làm nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng cuộc sống" - ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.

Chính thức phát động tuần lễ đọc sách trong hệ thống khuyến nông Việt Nam, ông Thanh hi vọng, không chỉ tuần lễ này mà văn hóa đọc sau này sẽ hình thành trong hệ thống khuyến nông, để khuyến nông hoàn thành sứ mệnh: "Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông" và "Đọc để đổi mới, sáng tạo".

Phát động đọc sách trong hệ thống Khuyến nông Việt Nam: Tích luỹ kiến thức, thay đổi chính mình - Ảnh 5.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia tặng sách cho Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Phó TBT Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Từ năm 2014, ngày 21/4 hàng năm được Chính phủ chọn là Ngày sách Việt Nam và cũng là ngày kỷ niệm ra đời cuốn sách "Đường cách mệnh" tác phẩm kinh điển của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Năm 2023, từ ngày 15/4 đến ngày 1/5, Việt Nam tổ chức lần thứ 2 Ngày Sách và Văn hóa đọc, với chủ đề "Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo" - "Sách cho tôi, cho bạn".

Bộ NNPTNT có kế hoạch tổ chức chuỗi sự kiện từ ngày 21 - 23/4 hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023. Theo đó, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức một loạt các hoạt động như thi hùng biện, thuyết trình "Đọc sách để thay đổi"; tổ chức phát động phong trào đọc sách, nâng cao văn hoá đọc, văn hóa làm việc trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Khai trương không gian đọc số Thư viện Bộ NNPTNT; Tọa đàm: "Sách: Nhận thức - Sáng tạo - Đổi mới", "Sách với Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn"…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem