Phi công lái máy bay B787 nhận mức lương mới gần 250 triệu đồng

Thứ tư, ngày 06/06/2018 15:34 PM (GMT+7)
Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) vừa báo cáo Bộ GTVT về chính sách tiền lương mới đối với phi công.
Bình luận 0

Theo chính sách trả lương mới, từ 1.6, Vietnam Airlines chính thức tăng lương cho giáo viên và phi công. Với nhóm phi công lái máy bay B787 và A350, cơ trưởng sẽ được nhận mức lương từ 205-246 triệu đồng, cơ phó 124 -150 triệu/tháng.

Nhóm phi công lái A321, cơ trưởng sẽ được nhận 176 -236 triệu đồng/tháng, cơ phó là 100-135 triệu. Phi công lái ATR cơ trưởng sẽ được trả 156-186 triệu, cơ phó 75-91 triệu.

Đối với giáo viên kiểm tra năng định (DPE), mức lương dao động 210-297 triệu đồng, giáo viên năng định (TRI) 198-284 triệu.

Dự kiến, năm 2019, mức lương phi công sẽ được tăng thêm 1-6 triệu đồng/tháng, tùy loại máy bay. 

“Mức thu nhập trên của phi công dựa theo phân loại máy là mức thu nhập trước thuế được tính bình quân năm. Với mức này, phi công Việt của hãng có thu nhập sau thuế bình quân bằng 70% phi công nước ngoài đang khai thác cho công ty”, Vietnam Airlines cho biết.

img

Lương phi công Việt Nam bằng 60-70% lương phi công nước ngoài.

Hiện nay phi công nước ngoài, lái chính cho máy bay B787 nhận lương 265-268 triệu đồng/tháng, lái phụ 181-199 triệu. Với máy bay A350, lái chính 238-266 triệu, lái phụ 163-187 triệu.

Ông Thành cho hay, trong 3 năm qua, ngành hàng không toàn cầu, đặc biệt là khu vực châu Á, Trung Quốc, Đông Bắc Á và Đông Nam Á phát triển mạnh dẫn đến tình trạng khan hiếm phi công. Cũng chính vì thiếu nhân lực nên lượng phi công nhảy việc cao, tạo áp lực cho các hãng hàng không.

Vietnam Airlines từ 2015 - 2017 có 223 phi công thôi việc. 5 tháng đầu năm nay, có 33 phi công thôi việc và dự kiến có gần 20 người nộp đơn. 

Hãng đã tuyển dụng được 64 phi công đủ bù đắp cho số đã nghỉ và đang nộp đơn xin nghỉ.

Theo Cục Hàng không VN, cả nước có 175 máy bay đang khai thác mang quốc tịch Việt Nam. Dự kiến đến năm 2020, số lượng máy bay khai thác đạt trên 220 chiếc, đến 2030: trên 400 chiếc.

Từ nay đến năm 2030, ngành hàng không dân dụng sẽ cần khoảng 200 phi công mỗi năm mới có thể đáp ứng nhu cầu phát triển.

Trong năm 2017, 3 hãng hàng không nội địa gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jeststar Pacific Airlines nhận thêm tổng cộng 24 máy bay. Dễ dàng nhận thấy, nhu cầu phi công tăng thêm của năm 2017 là khoảng 232 người (mỗi máy bay cần ít nhất 4 tổ bay để khai thác, mỗi tổ 2 người).

Có 3 nguồn cung chính là các học viên của trường đào tạo phi công Bay Việt, Trung huấn luyện bay FTC (chi nhánh Vietnam Airlines) và nguồn lao động tự do (cá nhân tự bỏ tiền đi đào tạo cơ bản ở nước ngoài theo các chương trình xã hội hoá đào tạo phi công). Tổng cộng mỗi năm, cả 3 nguồn này mới chỉ đáp ứng 100-120 phi công. “Đây chính là lý do chúng tôi buộc phải thuê phi công ngoại”, đại diện Vietnam Airlines khẳng định.

Theo một chuyên gia hàng không, nhu cầu phi công nói riêng và nhân lực kỹ thuật cao trong ngành hàng không nói chung sẽ tiếp tục cao khi tới đây, nhiều khả năng sẽ có các hãng bay mới tiếp tục gia nhập thị trường. Các hãng đều muốn phát triển đội tàu bay trong khi chưa chuẩn bị nguồn lực thì việc khủng hoảng thiếu cũng là điều dễ hiểu. 

Vũ Điệp (Vietnamnet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem