Phí lót tay tại V.League tăng gần gấp đôi sau 1 năm
Theo ghi nhận cách đây 1 năm từ PV báo Dân Việt, 2 cầu thủ nhận phí lót tay theo năm lớn nhất của V.League đều là các trung vệ, đó là Quế Ngọc Hải với mức 6 tỷ/năm sau khi gia nhập B.Bình Dương và Bùi Hoàng Việt Anh với 5,5 tỷ/năm khi anh rời Hà Nội FC để đầu quân cho CLB CAHN.
Đáng chú ý, trung vệ đang chơi cho đại diện ngành công an cũng trở thành cầu thủ có tổng phí lót tay cao nhất thời điểm đó, lên đến 16,5 tỷ cho hợp đồng 3 năm của anh với đội bóng mới.
Thế nhưng, kỷ lục của Bùi Hoàng Việt Anh đã sớm bị phá chỉ trong hè 2024 khi con số này giờ đây đã tăng lên gần gấp đôi. "Bom tấn" đầu tiên phải kể đến việc tiền đạo Phạm Tuấn Hải nhận về 24 tỷ khi ký gia hạn thêm 3 năm với Hà Nội FC.
Tiếp đến, Nguyễn Quang Hải đã thiết lập thống kê mới khi anh đồng ý ở lại CLB CAHN đến năm 2027 cùng tổng mức phí ước đạt 27 tỷ, tức khoảng 9 tỷ/năm, một con số khổng lồ. Không dừng lại ở đó, 1 "đại gia" tại V.League đã chuẩn bị cho tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức bản hợp đồng 3 năm với tổng lót tay 30 tỷ, một kỷ lục mới của bóng đá Việt Nam nếu thương vụ xảy ra. Mới đây, Thép xanh Nam Định cũng được cho là sẵn sàng chi ra mức "lót tay" 10 tỷ đồng/mùa để lôi kéo thủ môn Việt kiều Patrik Lê Giang hay CLB CAHN cũng đồng ý mức "lót tay" tương tự để thuyết phục cầu thủ Việt kiều Jason Pendant Quang Vinh gia nhập sân Hàng Đẫy.
Ngoại trừ Jason Pendant Quang Vinh chưa từng thi đấu ở Việt Nam, các gương mặt còn lại đều quen mặt tại V.League những năm gần đây, nhưng liệu có họ có thực sự xứng đáng với những mức "lót tay" ngất ngưởng như thế?
Ở môi trường bóng đá Việt Nam vào thời điểm hiện tại, đúng là những cái tên như Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Quang Hải hay Phạm Tuấn Hải đang là những ngôi sao lớn nhất, đã khẳng định được tên tuổi. Họ cũng đang ở giai đoạn đỉnh cao, với độ chín của sự nghiệp và là trụ cột của ĐTQG. Trên trang Transfermarket, mức chuyển nhượng của các cầu thủ này cũng vào loại nhất nhì trong số các nội binh tại dải đất hình chữ S.
Trong khi đó, cuộc cạnh tranh cho mục tiêu giành vị trí cao ở các mùa giải đến từ các CLB đang ngày càng trở nên khốc liệt. Rất nhiều đội bóng tại V.League đã cho thấy sức mạnh với tiềm lực tài chính dồi dào. Có thể kể ra hàng loạt cái tên như CLB CAHN, Thép xanh Nam Định, B.Bình Dương, Hà Nội FC hay Thể Công Viettel...
Để hiện thực hóa giấc mơ danh hiệu, họ phải cạnh tranh cùng nhau để tăng cường lực lượng, mang về những ngôi sao. Do đó, mức giá của cầu thủ cũng được đẩy lên đáng kể. Nếu chậm chân, các CLB có thể mất đi nhân tố mà mình mong muốn.
Tuy nhiên, có một sự thật là, người đại diện của các cầu thủ thường thực hiện nhiều chiêu trò để "tung hỏa mù", PR cho thân chủ của mình nhằm tăng sức hút và giá trị. Cả 3 cái tên gồm Quang Hải, Hoàng Đức hay Tuấn Hải đều đã được đồn đoán về việc xuất ngoại trong thời gian qua. Trên thực tế, họ đã và sẽ có thể chẳng đi đâu cả mà vẫn tiếp tục gắn bó với V.League...
So với mặt bằng chung của Đông Nam Á, cầu thủ Việt Nam chưa thể tiệm cận Thái Lan, thậm chí gần đây còn bị Indonesia vượt qua. Cũng chẳng có ai xuất ngoại thành công. Thời điểm này, chỉ mỗi Công Phượng còn thi đấu ở nước ngoài và đang phải đánh bóng dự bị... Nói thế để thấy, so với các đây vài năm, chuyên môn của các cầu thủ Việt Nam có dấu hiệu đi xuống, và các mức "lót tay" ngất ngưởng kể trên, phần nào đến từ chiêu trò làm giá từ các đại diện cầu thủ, rồi sự chịu chi từ các CLB, chứ không để từ việc giá trị thực của cầu thủ Việt...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.