Tại phiên chất vấn trước Quốc hội sáng 6/6, các câu hỏi liên quan đến điện ảnh, phim ngoại đang lấn át phim Việt... từ phía đại biểu Triệu Thế Hùng – (Lâm Đồng) đã được Bộ trưởng VHTTDL giải đáp chi tiết. Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, mỗi năm có 240 bộ phim ngoại được nhập về Việt Nam, còn trong nước chỉ sản xuất được 40 phim. "Có thể thấy rõ là phim ngoại trên thị trường VN đang lấn át phim nội. Lý do là luật hiện hành không có quy định hạn ngạch nhập khẩu phim", Bộ trưởng Thiện nói.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/2-2019/images/2019-06-06/trieu-the-hung---tin-1559797394-width888height592.jpg)
Ông Triệu Thế Hùng – ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
Bộ trưởng đưa ra hải giải pháp: một là dùng hàng rào kỹ thuật có kiểm duyệt về nội dung phim, những bộ phim không phù hợp thì không cho phát hành và phổ biến. Hai là quy định phim Việt phải đạt 20% tổng số buổi chiếu trong các rạp. Tăng cường hỗ trợ, sản xuất và quảng bá phim thông qua các gói đặt hàng sản xuất phim từ phía Nhà nước. Cố gắng sản xuất những bộ phim Việt hay và thu hút các nhà đầu tư để đầu tư vào sản xuất phim. Chúng ta vừa rồi cũng có những bộ phim có doanh thu rất lớn, đạt 200 tỉ.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/2-2019/images/2019-06-06/bo-truong-bo-van-hoa1-1559797449-width660height371.jpg)
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đưa ra giải pháp về tình trạng phim ngoại lấn át phim nội: phim Việt phải đạt 20% tổng số buổi chiếu trong các rạp
Trước câu hỏi của đại biểu Triệu Thế Hùng về tình trạng thiếu vắng phim về đề tài lịch sử dân tộc và phim dành cho thiếu nhi mang tính giáo dục cao, Bộ trưởng cũng đồng tình và lý giải nguyên nhân do các nhà sản xuất phim tập trung vào dòng phim mang lại hiệu quả lợi nhuận, nên dòng phim lịch sử thiếu nhi rất ít. Giải pháp là Nhà nước tập trung đặt hàng để sản xuất dòng phim lịch sử chính trị và phim thiếu nhi. Cùng với việc đó là tháo gỡ cơ chế chính sách, đào tạo để có kịch bản tốt thì sẽ có phim tốt.
Giải đáp câu hỏi: Làm thế nào phổ biến phim đến các vùng sâu xa và biên giới hải đảo, Bộ trưởng cho biết hiện nay cả nước có 276 đội chiếu phim lưu động trực thuộc các tỉnh, thành phố và một năm thực hiện được 50.000 buổi chiếu, phục vụ được 9,1 triệu lượt người xem. Giải pháp là Nhà nước tiếp tục có chính sách đặc thù hỗ trợ ngân sách, đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động phổ biến phim ở vùng sâu, vùng xa tại Quyết định 586 của Chính phủ. Hàng năm Nhà nước đặt hàng sản xuất trung bình từ 10 – 15 chương trình phim phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo và tiếp tục quan tâm thêm các công tác phổ biến phát hành phim.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.