Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: "Đồng tình bỏ xét tuyển sớm”

Tào Nga Chủ nhật, ngày 08/12/2024 13:40 PM (GMT+7)
"Chưa hoàn thành chương trình THPT (hoặc hoàn thành chương trình THPT nhưng chưa đủ điều kiện) thì không được tham gia xét tuyển vào đại học. Không có khái niệm xét tuyển sớm đại học khi chưa hoàn thành chương trình THPT", TS. Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.
Bình luận 0

TS Lê Viết Khuyến: "Ủng hộ bỏ xét tuyển sớm"

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đồng tình việc bỏ xét tuyển sớm trong tuyển sinh đại học hiện nay.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: "Đồng tình bỏ xét tuyển sớm”- Ảnh 1.

TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: NVCC

Theo lý giải của TS Khuyến, điều này phù hợp với Thông lệ quốc tế (Theo ISCED 2011) là nếu chưa hoàn thành một chương trình THPT thì không được tiếp cận trực tiếp lên giáo dục đại học. 

Tại Việt Nam, Điều 34 Luật Giáo dục cũng nhấn mạnh học sinh học hết chương trình THPT, đủ điều kiện dự thi, nếu không thi hoặc thi trượt sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT và chỉ được theo học giáo dục nghề nghiệp. 

Điều 28 Luật Giáo dục cũng cho biết: Trường hợp đặc cách, học sinh được quyền học vượt lớp chỉ rơi vào nhóm phát triển sớm về trí tuệ, tuy nhiên trường hợp này rất ít. 

Điều 34 Luật Giáo dục đại học (Khoản 2) nêu rõ: Cơ sở giáo dục đại học chỉ được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh (thi tuyển xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển). Nội dung và độ khó của đề thi phải phù hợp với chương trình THPT và định hướng của ngành học. Ví dụ không thể lấy điểm IELTS là tiêu chí duy nhất xét tuyển vào mọi ngành học.

"Chưa hoàn thành chương trình THPT (hoặc hoàn thành Chương trình THPT nhưng chưa đủ điều kiện) thì không được tham gia xét tuyển vào đại học. Không có khái niệm xét tuyển sớm đại học khi chưa hoàn thành chương trình THPT", TS Khuyến nói.

Xu hướng tuyển sinh đại học của các trường đại học từ năm 2025

Trao đổi thêm về tuyển sinh đại học từ năm 2025, TS Khuyến cho hay: "Có một số xu hướng trong tuyển sinh đại học từ năm 2025 đó là giảm chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Xuất hiện hàng loạt trường đại học tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng thường dưới tên gọi "đánh giá năng lực", "đánh giá tư duy" (nhà trường tự quy định nội dung, hình thức và tiêu chí lựa chọn). Nhiều trường đại học thuộc đẳng cấp dưới đưa ra vô số phương thức tuyển sinh "lạ", phi truyền thống, không hẳn nhằm mục đích hướng nghiệp mà có lẽ nhằm mục đích tuyển sinh thì rõ hơn. 

Những điều này gây khó và tốn kém cho thí sinh và phụ huynh do phải thi cử nhiều lần, phải chấp nhận ghi danh ở nhiều "lò luyện" (học thêm tại trường, học luyện thi, học luyện đánh giá năng lưc, học luyện IELTS,…). Như vậy, trái với tinh thần của Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới toàn diện và triệt để giáo dục và đào tạo. Hoạt động tuyển sinh vào đại học và cao đẳng ngày càng lộn xộn, kém hiệu quả. 

Việc bắt buộc học sinh ngay từ đầu cấp phải xác định các môn học tự chọn (và không được điều chỉnh trong quá trình học) đồng nghĩa với việc buộc học sinh phải khẳng định sớm hướng nghề nghiệp sâu (trong khi còn chưa được tư vấn hướng nghiệp đầy đủ ở cấp THCS) và cơ sở giáo dục đại họ sẽ đăng ký tuyển sinh. Một đòi hỏi rất vô lý tạo ra sự mất bình đẳng về cơ hội được tiếp cận giáo dục đại học đối với các đối tượng bị thiệt thòi trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Từ những vấn đề nêu trên, TS Khuyến khuyến nghị: "Bộ GDĐT thống nhất quy định chọn kết quả thi tốt nghiệp THPT làm tiêu chí chính để tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp như chỉ đạo tại Nghị quyết 29: "... Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học...".

Đồng thời, theo ông Khuyến, Bộ cũng cần quy định thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý, kiên quyết loại đi các tổ hợp "lạ".

"Các trường đại học chỉ được đặt thêm các tiêu chí phụ cần thiết đối với những ngành năng khiếu, ngành "hot". Bộ GDĐT và các trường THPT không thực hiện hướng nghiệp sâu ngay từ đầu cấp học như hiện nay vì tại thời điểm này học sinh đâu có được tư vấn trước về nghề nghiệp.

Trước mắt, các trường cần rà soát lại danh sách các tổ hợp môn học tự chọn để học sinh có nhiều cơ hội được đăng ký vào nhiều tổ hợp xét tuyển. Cho học sinh được chuyển đổi môn học tự chọn (Ví dụ : bổ sung môn Hóa đối với tổ hợp Vật lý - Tin học - Công nghệ - Kinh tế và Pháp luật để học sinh có thêm cơ hội được đăng ký học các ngành thuộc khối A,…). Nếu trường khó khăn thì có thể cho học sinh nộp học phí như một môn học thêm.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được Bộ GDĐT cho triển khai đại trà đối với cấp học THPT từ năm học 2022-2023. Học sinh thuộc lứa đầu tiên của chương trình này sẽ tham dự kỳ tuyển sinh vào các trường đại học vào hè năm 2025. Vì kỳ tuyển sinh này sẽ rất khác so với các kỳ tuyển sinh các năm trước đây, cả về nội dung lẫn hình thức, do đó học sinh, gia đình và nhà trường rất cần sớm được cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết để chủ động chuẩn bị", TS Khuyến nói thêm.

Chiều 7/12, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11. Đại diện Bộ GDĐT đã trả lời làm rõ nội dung tại dự thảo quy chế tuyển sinh đại học nêu, chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu.

Vì xét tuyển sớm các em chưa hoàn thành chương trình tốt nghiệp THPT đã xét tuyển rồi, điều đó cũng tạo ra không công bằng. Những em nào có điều kiện có thể học sớm, học trước hoàn thành chương trình học kỳ I nhưng hầu hết các em phải đến tháng 5 mới hoàn thành chương trình. Như vậy điểm xét tuyển dựa trên kết quả học tập của các em là không đồng đều, cũng tạo ra bất công.

Và điểm tác động tiêu cực đến dạy và học phổ thông chính là nhiều em có tâm lý đã trúng tuyển rồi nên không quan tâm chuyện học hành nữa, đến lớp chỉ để ngồi chơi. Nhiều em vào lớp 10 trường chuyên gần như là yên tâm trúng tuyển rồi và không tập trung vào học toàn diện, học những môn thực sự cần thiết cho đào tạo sau này. Vì vậy chất lượng giáo dục phổ thông có tác động tiêu cực, dẫn đến cả chất lượng đào tạo đại học về sau, khi các em không chuẩn bị nền tảng tốt.

Từ những bất cập đó, Bộ đã rút ra từ thực tiễn nhiều năm lắng nghe ý kiến trực tiếp từ người trong cuộc để điều chỉnh. Khi giảm tỉ lệ xét tuyển sớm xuống, chỉ những em thực sự có năng lực vượt trội mới được tuyển thẳng. Các em tập trung vào đợt xét tuyển chung bảo đảm sự công bằng, chất lượng cũng như hiệu quả và thuận lợi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem