Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT) nêu các giải pháp cấp bách bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Văn Hoàng - Lam Anh Thứ năm, ngày 02/01/2025 12:15 PM (GMT+7)
Phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trần Nguyên Hùng – Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNN) về các giải pháp tổng thể khắc phục vấn đề khai thác tận diệt, khai thác bằng chất nổ, ngư cụ bị cấm...để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Bình luận 0

Theo Bộ NN&PTNN, nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh có vai trò quan trọng trong việc phát triển khai thác, nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế, du lịch ở các địa phương. Nếu không có nguồn lợi thủy sản thì nhiều người dân sẽ không có sinh kế, đất nước không có ngành kinh tế thủy sản.

Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT) nêu các giải pháp cấp bách bảo vệ nguồn lợi thủy sản- Ảnh 1.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT) nêu các giải pháp cấp bách bảo vệ nguồn lợi thủy sản- Ảnh 2.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT) nêu các giải pháp cấp bách bảo vệ nguồn lợi thủy sản- Ảnh 3.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT) nêu các giải pháp cấp bách bảo vệ nguồn lợi thủy sản- Ảnh 4.

Chúng tôi tận mắt chứng kiến các loài cá, baba, lươn chạch dưới đáy bùn này cùng bị kích điện giết chết ở Hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái, rồi sau đó họ đem lên chợ đêm bán tràn lan. Ảnh: Văn Hoàng.

Việc khai thác thủy sản bằng thuốc nổ hay các công cụ bị cấm đã gây bức xúc cho người dân và xã hội. Đặc biệt là nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái ở vùng ven bờ, trong và xung quanh các khu bảo tồn biển, các thủy vực ở vùng nội đồng đã và đang suy giảm rất nghiêm trọng do đánh bắt hủy diệt. 

Đây là thách thức lớn, cần có những giải pháp tổng thể, lâu dài để chấn chỉnh. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNN) đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn, xử lý dứt điểm vấn đề trên.

Từ ngày 18-22/11/2024, Báo điện tử Dân Việt đã đăng tải loạt bài điều tra "Hủy diệt thế giới của "Vua Thủy Tề" đề cập vấn đề đánh bắt thuỷ sản bằng kích điện, đánh bắt bằng các phương pháp huỷ diệt, gây bức xúc lớn tại nhiều địa phương trên cả nước.

Phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trần Nguyên Hùng – Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNN) về các giải pháp tổng thể để khắc phục vấn đề khai thác tận diệt, khai thác bằng chất nổ, xiệc điện, ngư cụ bị cấm...nguồn lợi thủy hải sản.

Nhiều mô hình hiệu quả trong quản lý thủy sản 

Thưa ông, hiện nay, Bộ NN&PTNN đã có biện pháp gì để bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái trước việc nguồn lợi thủy sản đang bị tận diệt như Báo NTNN/Dân Việt đã nêu?

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống khu bảo tồn biển, đây là biện pháp quan trọng để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái biển thông qua việc phân vùng quản lý, quy định các hoạt động được phép thực hiện trong từng vùng và có các hoạt động tuần tra thường xuyên.

Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT) nêu các giải pháp cấp bách bảo vệ nguồn lợi thủy sản- Ảnh 5.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Anh Tuấn.

Tại các khu vực trên, các các loài thủy sản được bảo vệ, tạo "hiệu ứng tràn" bổ sung nguồn lợi vào tự nhiên. Hiện nay, trong cả nước có 10 khu vực biển được quản lý thông qua thiết lập các khu bảo tồn biển. Tuy nhiên, theo quy hoạch, đến năm 2030 dự kiến có 27 khu bảo tồn biển được thiết lập sẽ góp phần vào việc bảo vệ nghiêm ngặt nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái biển và đa dạng sinh học.

Tiếp nữa là quy định các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn trong năm nhằm bảo vệ khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non và đường di cư của các loài thủy sản. Thông qua biện pháp này, các loài thủy sản có thời gian sinh trưởng, phát triển và sinh sản ra thế hệ tiếp theo bổ sung vào quần thể đàn. 

Hiện nay, trong cả nước có 47 khu vực cấm khai thác có thời hạn trong năm, tập trung chủ yếu ở một số hệ thống sông, hồ chính và vùng ven biển, thời gian cấm khai thác chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 8 và từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau, tùy vào từng khu vực. Dự kiến, đến năm 2030, nước ta sẽ có 125 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và 116 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn và 27 khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản, góp phần vào việc bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thủy sản.

Đồng thời, chúng ta cũng tiến hành quản lý chặt chẽ hơn các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; thông qua việc ban hành quy định cấm khai thác đối với các loài thuộc nhóm I, và hạn chế khai thác đối với các loài nhóm II thông qua hình thức quy định thời gian cấm khai thác và kích thước tối thiểu cho phép khai thác. 

Hiện nay, theo quy định có 187 loài và nhóm loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; đồng thời qui định Danh mục kích thước tối thiểu cho phép khai thác các loài thủy sản kinh tế nhằm bảo vệ các cá thể còn non chưa đến độ tuổi sinh sản để ngăn chặn hành vi khai thác tận diệt.

Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT) nêu các giải pháp cấp bách bảo vệ nguồn lợi thủy sản- Ảnh 6.

Trước tình trạng tràn lan đánh bắt thủy sản bằng các hình thức hủy diệt, Bộ NNPTNT đã kịp tăng cường chỉ đạo, thời nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ảnh: TL.

Ở nước ta, cộng đồng người dân sinh sống ở các vùng ven hồ, ven biển, đầm, phá, sông suối… sinh sống chủ yếu dựa vào nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Vậy Bộ đã có giải pháp nào để hài hòa lợi ích giữa công tác bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội?

Theo tôi, cần phát triển đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bao gồm cả hoạt động nuôi trồng, khai thác nguồn lợi thủy sản, du lịch giải trí gắn với hoạt động thủy sản trong khu vực được giao quyền; đây là phương thức quản lý trong đó Nhà nước chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm với tổ chức cộng đồng, qua đó nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, tổ chức cộng đồng có trách nhiệm chấp hành các quy định pháp luật về thủy sản đã cam kết trong phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, góp phần chống đánh bắt bất hợp pháp (IUU).

Vì vậy, việc đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang được ưu tiên triển khai rộng khắp trong cả nước, năm 2024, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã chỉ đạo và chọn là "Năm tăng cường thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản". 

Đến nay, các hầu hết các địa phương đã xây dựng kế hoạch, đề án để phát triển đồng quản lý và đã có 50 tổ đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản được thiết lập theo quy định của Luật Thủy sản. Nhiều tổ đồng quản lý đã được thành lập và hoạt động hiệu quả góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản, hạn chế đánh bắt bất hợp pháp, tiêu biểu như các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận…

Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT) nêu các giải pháp cấp bách bảo vệ nguồn lợi thủy sản- Ảnh 7.

Hiện nay, dụng cụ đánh bắt thủy sản trái phép mang tính tận diệt đang diễn ra rất phức tạp trên hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Văn Hoàng.

Tổ chức thanh tra, ngăn chặn sử dụng chất độc, chất nổ, xung điện đánh bắt thủy sản

Thưa ông, đối với các hành vi khai thác tận diệt đang diễn ra hiện nay, cả trên sông hồ lẫn trên biển, cơ quan chức năng đã có những giải pháp cụ thể nào để ngăn chặn?

Song song với những giải pháp vừa nêu, chúng ta cần ngăn chặn các hành vi sử dụng hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản thông qua việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998, Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 30/7/2014. 

Đây là các hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản. Chúng ta cần tập trung ngăn chặn và xử lý nghiêm để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương đều tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm liên quan đến nhóm hành vi này.

Đồng thời, cơ quan chức năng tiến hành điều chỉnh lại cơ cấu tàu thuyền, cơ cấu nghề khai thác thủy sản thông qua việc tổ chức triển khai đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến môi trường sinh thái (Quyết định 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023) với mục tiêu "chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác hải sản có ảnh hưởng ít hơn hoặc chuyển một số tàu cá có nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, môi trường, hệ sinh thái sang lĩnh vực khác ngoài khai thác để từng bước cân bằng lại cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản".

Đây là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế các nghề khai thác thủy sản thiếu tính chọn lọc và mang tính hủy diệt; giảm áp lực khai thác lên các loài thủy sản kinh tế, góp phần vào việc bảo vệ nguồn lợi và phát triển thủy sản bền vững.

Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT) nêu các giải pháp cấp bách bảo vệ nguồn lợi thủy sản- Ảnh 8.

UBND xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đã vận động nhiều hộ dân không sử dụng kích điện và các hình thức đánh bắt thủy sản mang tính chất hủy diệt. Từ đó, bà con đã nhận thức được vai trò quan trọng của việc chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: An An.

Về lâu dài, Bộ NN&PTNT đã có những giải pháp như thế nào để bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trước thực trạng đang bị khai thác hủy diệt kể trên, thưa Phó Cục trưởng?

Trong thời gian tới, Trung ương cùng với các địa phương tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai các giải pháp đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các quy hoạch, chương trình, Đề án mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, nhằm đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ-TW.

Cần tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý Khu bảo tồn biển (KBTB); xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư KBTB, thí điểm giao doanh nghiệp quản lý bảo tồn biển; chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân. 

Tổ chức thực hiện việc tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản thông qua các hình thức như: Thả các loài thủy sản vào các thủy vực tự nhiên nhằm bổ sung, phục hồi các loài bị khai thác quá mức, thúc đẩy quá trình tái tạo nguồn lợi thủy sản; thả rạn nhân tạo nhằm tạo ra các "ngôi nhà" trú ẩn giúp bảo vệ các loài thủy sản.

Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý BQL KBTB/Vườn Quốc gia theo hướng thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, bố trí lực lượng kiểm ngư để thực thi pháp luật trong và xung quanh các KBTB.

Nâng cao năng lực lượng thực thi pháp luật trên biển, thanh tra chuyên ngành về khai thác và bảo vệ nguồn lợi tại các địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác hủy diệt, khai thác bất hợp pháp.

Ưu tiên bố trí nguồn lực (con người, kinh phí) đề kiện toàn, thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tập trung trồng phục hồi san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn nhằm tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái biển.

Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về vai trò, giá trị của nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh cũng như hậu quả của phương pháp đánh bắt hủy diệt – với cách làm đa dạng, hiệu quả, phù hợp với văn hóa phong tục của từng địa phương; tổ chức các cuộc thi, sự kiện, hoạt động ngoại khóa liên quan đến bảo vệ các loài thủy sản, bảo tồn biển để hình thành thói quen giúp người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Để thực hiện hiệu quả các biện pháp quản lý và giải pháp kể trên, nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác tận diệt, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cần có sự tham gia của các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương. Trong thời gian qua, Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn đã được ban hành và đi vào cuộc sống, cùng với sự quyết liệt của Bộ, các Ngành và địa phương trong công tác quản lý, thực thi pháp luật thủy sản đã góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển thủy sản bền vững.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản trên phạm vi cả nước (Quyết định 523/QĐ-TTg ngày 27/4/2022); Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định 389/QĐ-TTg ngày 9/5/2024);

Chương trình quốc gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2023-2030 (Quyết định 76/QĐ-TTg ngày 18/01/2024); và Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, phục hồi các hệ sinh thái biển đảm đạt 6% diện tích vùng biển Việt Nam đến năm 2030.

Đồng thời, Bộ cũng đang tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ chỉ thị về các giải pháp cấp bách, tăng cường công tác bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản, đây là cơ sở đang và sẽ góp phần đắc lực vào việc ngăn chặn các hình thức khai thác tận diệt, nhằm bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh trên cả nước.

Theo Luật Thủy sản, nguồn lợi thủy sản thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, các tổ chức, cá nhân có quyền khai thác nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật, trên nguyên tắc: Khai thác nguồn lợi thủy sản phải căn cứ vào trữ lượng nguồn lợi thủy sản, gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.

Trân trọng cám ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem