Theo ông Alexander Vershbow, sau 2 thập kỷ nỗ lực xây dựng quan hệ đối tác với Nga, hiện NATO buộc phải đối xử với Moscow như kẻ thù.
“Rõ ràng, người Nga đã tuyên bố xem NATO là kẻ thù. Vì vậy, chúng tôi cũng không thể xem Nga là đối tác nữa. Chúng tôi phải bắt đầu xem họ là kẻ thù hơn là một đối tác”, Phó Tổng thư ký NATO Alexander Vershbow nhấn mạnh.
Phó Tổng thư ký NATO Alexander Vershbow.
Trong cuộc họp báo hôm qua (1.5), ông Vershbow khẳng định, chính động thái
sáp nhập bán đảo Crimea của Nga và sự dính líu rõ ràng của Moscow tới tình trạng bất ổn ở Đông Ukraine là nguyên nhân làm thay đổi mối quan hệ Nga-NATO.
“Chúng tôi sẽ bảo vệ chủ quyền và quyền tự do lựa chọn của các nước láng giềng của Nga còn Moscow rõ ràng đang cố tái áp đặt quyền chi phối và hạn chế chủ quyền của các nước này”, ông Vershbow tuyên bố.
Theo đó, Phó Tổng thư ký NATO nhấn mạnh, liên minh được tạo ra cách đây 65 năm để chống lại Liên Xô đang xem xét các biện pháp phòng thủ mới nhằm ngăn chặn khả năng Nga xâm phạm lãnh thổ bất cứ nước thành viên NATO nào dọc biên giới của họ, chẳng hạn các nước vùng Baltic từng là một phần của Liên bang Xô Viết.
Để làm được điều đó, ông Vershbow nhấn mạnh, các thành viên NATO phải nỗ lực rút ngắn thời gian phản ứng trước mọi tình huống khủng hoảng bằng cách gia tăng sự hiện diện ở Đông Âu, trên cơ sở cả hiện diện luân phiên lẫn vĩnh viễn.
Trong thời gian này, ông nhấn mạnh, các biện pháp phòng thủ như vậy không vi phạm các cam kết chính trị mà NATO và Nga thỏa thuận năm 1997 khi liên minh chủ trương thiết lập mối quan hệ mới tốt đẹp hơn với Moscow. Thời điểm đó, NATO cam kết sẽ không xây dựng các cơ sở cất trữ vũ khí hạt nhân và không triển khai quân đội với số lượng đáng kể trên lãnh thổ các thành viên mới của liên minh (bao gồm Ba Lan và các nước khác ở ngoại vị của Nga). Về phần mình, Moscow cam kết tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng thư ký NATO, Nga đã vi phạm thỏa thuận với NATO trước thông qua các hành động của nước này tại
Ukraine và do đó, NATO cũng có quyền không cần tuân thủ cam kết năm 1997, từ đó, có quyền triển khai quân đội chính quy với số lượng đáng kể tại Ba Lan hoặc các quốc gia thành viên khác ở Đông Âu.
Nhận định về quan điểm NATO hiện xem Nga là kẻ thù của Phó Tổng thư ký Vershbow, ông Simon Saradzhyan, một chuyên gia về chính sách an ninh Nga tỏ ra nghi ngờ cho rằng, không chắc quan điểm nói trên sẽ được chấp nhận rộng rãi bởi các cường quốc NATO. Ông Saradzhyan cho rằng, Đức và Pháp, 2 cường quốc NATO có quan hệ kinh tế và thương mại đáng kể với Nga sẽ ủng hộ quan điểm này.
Tháng trước, NATO đã đình chỉ tất cả “các quan hệ hợp tác thiết thực
quân sự lẫn dân sự với Nga” liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Phương Đăng (theo AP) (Phương Đăng (theo AP))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.