Hạn hán vô cùng nghiêm trọng
Sáng 24.3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cùng lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã đến thị sát tình hình hạn hán ở hai huyện Chư Pứh và Chư Sê. Báo cáo Phó Thủ tướng, ông Lưu Trung Nghĩa - Chủ tịch UBND huyện Chư Pứh cho biết: Trên địa bàn, tình hình khô hạn và thiếu nước sinh hoạt diễn biến rất phức tạp. Đã có trên 431ha lúa và gần 170ha cây công nghiệp (hồ tiêu, cà phê) bị mất trắng; hơn 5.000 giếng đào bị khô nước với 1.200 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, ước tính thiệt hại gần 20 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát cánh đồng lúa khô hạn ở xã Chư Don. Ảnh: Lê Kiến
Chứng kiến thực tế và nghe các báo cáo, Phó Thủ tướng Nguyễn XuânPhúc nói: Mặc dù biết khu vực Tây Nguyên hạn nặng nhưng đến tận nơi mới thấy tình hình hạn hán là vô cùng nghiêm trọng. Nếu không có biện pháp căn cơ, lâu dài thì trong tương lai người dân sẽ chịu thiệt hại rất lớn…
Tại cuộc họp, các bộ ngành đều cam kết hỗ trợ tối đa cho các tỉnh Tây Nguyên chống hạn. Bộ Tài chính đảm bảo cung cấp ngay cho các tỉnh Tây Nguyên mỗi tỉnh 500 tấn gạo cứu đói. Đại diện Ngân hàng Nhà nước hứa giãn nợ, khoanh nợ các khoản vay để người dân tập trung nguồn lực đối phó với cơn đại hạn…
|
Theo số liệu mới nhất của Bộ NNPTNT: Hiện các hồ chứa nước của khu vực Tây Nguyên chỉ còn khoảng 30-40% so với dung tích thiết kế. Riêng Đăk Lăk đã có 115 hồ cạn nước; Kon Tum 5 hồ, Đăk Nông 17 hồ. Toàn vùng có hơn 7.000ha lúa đã dừng sản xuất, hơn 8.000ha lúa thiếu nước, trên 40.000ha cà phê (hơn 3.000ha mất trắng) và 2.200ha hồ tiêu bị thiếu nước nghiêm trọng.
Dự kiến, đến cuối tháng 3 không có mưa thì diện tích cây trồng bị ảnh hưởng sẽ tăng lên hơn 160.000ha. Về nước sinh hoạt có gần 28.000 hộ thiếu nước và có thể tăng lên 59.000 hộ trong thời gian tới, nặng nhất là Đăk Lăk với 25.000 hộ…
Tìm mọi cách để hạn chế thiệt hại
Sau khi thị sát thực tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cuộc họp khẩn với lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, Ban chỉ đạo Tây Nguyên và các Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Ngân hàng nhà nước… để tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng hạn hán trước mắt và giải pháp lâu dài.
Ông Trần Việt Hùng – Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên Kiến nghị: Tây Nguyên nước mặt đang cạn kiệt, hiện tượng tụt mạch nước ngầm xảy ra nghiêm trọng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành và các địa phương thống kê lại hệ thống thủy điện ở khu vực Tây Nguyên để có giải pháp cụ thể trong việc điều phối nguồn nước.
Không thể vì lợi ích trước mắt mà phát triển bằng mọi giá. Thậm chí phải dùng biện pháp mạnh dừng các thủy điện gây ảnh hưởng lớn cho hệ sinh thái và đời sống của người dân. Một ví dụ điển hình là Thủy điện An Khê – KaNak làm nước chuyển dòng đưa về Bình Định khiến hàng nghìn hộ dân dọc dòng sông Ba – Gia Lai thiếu nước nghiêm trọng…
Ông Võ Ngọc Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đề nghị: Mặc dù đã huy động mọi nguồn lực để chống hạn nhưng con số thiệt hại của Gia Lai đã trên 151 tỷ đồng; trên 13.000 hộ đang đối mặt với nguy cơ thiếu đói. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ tỉnh 10.500 tấn gạo cứu đói; hỗ trợ kinh phí chở nước, mua xăng dầu phục vụ nạo vét kênh mương, bơm nước cho người dân và cấp kinh phí xây dựng hai công trình thủy lợi Chư Pứh, Đăk Pơ…
Sau khi lắng nghe lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên báo cáo tình hình và đề xuất, kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Ngoài các giải pháp khắc phục trước mắt, đề nghị các địa phương tìm mọi cách để hạn chế thiệt hại, tuyệt đối không để dân đói, dân khát, dịch bệnh xảy ra; không để người dân tái nghèo. Các công trình thủy điện, thủy lợi trên địa bàn phải triệt để tuân thủ quy trình điều tiết nguồn nước. Chủ tịch UBND các tỉnh phải giám sát chặt chẽ quy trình này. Chính phủ sẽ xem xét việc đề nghị nâng cấp, xây mới các công trình thủy lợi của địa phương để có kế sách chống hạn lâu dài…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.